Văn hóa chữa bệnh bằng nam y

Nam y là nền y học độc đáo với sự kết hợp tinh hoa y học cổ truyền, văn hóa chữa bệnh của các dân tộc Việt Nam và sự tiến bộ của y học hiện đại. Dựa trên sinh lý, bệnh học của y học hiện đại kết hợp với lý luận YHCT, sự nghiên cứu về y học môi trường và quy luật tự nhiên, Nam y nhìn nhận toàn diện về bệnh tật và có những phương pháp chữa bệnh hiệu quả.
24/10/2020 09:31

 Luận chứng về văn hóa chữa bệnh bằng nam y

Y học dân tộc Việt Nam hay dễ hiểu hơn là sử dụng nam y và nam dược trong công tác chữa bệnh, theo quan điểm của Đại danh y Tuệ Tĩnh: “Nam dược trị Nam nhân”, “Thuốc Nam Việt trị người Nam Việt” được giải thích rằng: “Sống ở đâu, ở đó có thuốc chữa, không gì bằng thuốc nam chữa cho người Việt, con người sinh ra ở đây cây thuốc lớn lên ở đây, nếu biết kết hợp hòa hợp thì rất tốt với cơ thể con người, không loại thuốc nào có thể so sánh được”, tuy nhiên việc bào chế như thế nào để có được phương thuốc tốt thì cần những người thầy thuốc nghiên cứu chuyên sâu, phải ý thức được dùng thuốc nào cho đúng người đúng bệnh. Và quả thật từ xa xưa, ông cha ta đã nghiên cứu sáng tạo ra rất nhiều bài thuốc quý, lưu truyền đến hiện nay để thế hệ sau có được những bài thuốc quốc truyền, gia truyền quý giá.

Thực tế hàng năm nhà nước ta tài trợ cho y tế hơn 40.000 tỷ, nhưng chỉ một phần nhỏ người bệnh sử dụng, còn lại phần lớn người bệnh vẫn tìm đến nam y để chữa bệnh với quan điểm lấy nam y làm gốc. Cây cỏ vườn nhà hay các gia vị trong bữa ăn hàng ngày cũng là một bài thuốc. Có thể thấy chữa bệnh bằng nam y, nam dược là một nét văn hóa chữa bệnh của người Việt Nam, không thể thay thế.

“Màu sắc” của y học cổ truyền Thế giới cũng vô cùng thăng trầm. Thí dụ năm 1895 Nhật Bản cấm hành nghề y dược đông y để duy tân đất nước mà không hiểu điều đó nguy hiểm đến thế nào. Tuy nhiên chính Nhật sau đó lại chính là nước xuất khẩu dược liệu nhiều nhất thế giới và phải bỏ lệnh cấm này. Trung Quốc cũng cấm đoán vào thời Tưởng Giới Thạch nhưng cũng không thể cấm được. Đến khi Mao Trạch Đông lên thay thì đã phải đưa ra lời kêu gọi: “Kết hợp Trung Tây y”.

Ở Việt Nam, chính chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng được một nam y cứu chữa ở Định Hóa bằng mấy bát cháo thuốc. Để sau này, tại một hội nghị Bác đã nói: “Các chú phải đoàn kết miền Nam Bắc, Tây Đông để xây dựng cho đất nước ta một nền y khoa , khoa học, dân tộc và đại chúng”, điều đó đã khẳng định vai trò to lớn của nền y học dân tộc đối với đất nước. Đất nước ta, một đất nước độc lập, có hàng nghìn năm phát triển, tất nhiên phải có những điều luật phù hợp với văn hóa, với bản sắc của dân tộc.

TS LUONG Y PHUNG TUAN GIANG

Tìm hiều về vai trò của nam y, nam dược đối với nền y học Việt Nam tôi đã tìm gặp Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường – Kỷ lục Guinness Nhà thuốc gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Sâm Ngọc Linh Việt Nam, Chủ tịch Quốc tế chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên tại Việt Nam.

Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang chia sẻ: “Ngoài việc phối kết hợp các bài thuốc cổ truyền hay cổ phương được lưu truyền trong dân gian thì những bí mật gia truyền cũng tạo nên một bức tranh phong phú cho y học cổ truyền. Cũng từ đó, thế hệ thày thuốc sau này còn nghiên cứu bào chế ra các bài thuốc Tân phương độc lạ, kết hợp với một số phương pháp chữa bệnh thuận theo tự nhiên lại cho kết quả đáng kinh ngạc”. Để hiểu về văn hóa chữa bệnh bằng Nam y cần chú trọng “logic” sau đây:

Thuốc Cổ truyền

Thuốc Cổ truyền là một vị thuốc sống hoặc chín hay chế phẩm thuốc được phối hợp và bào chế theo phương pháp của y học cổ truyền từ một hay nhiều vị thuốc có nguồn gốc thực vật, động vật, khoáng vật, có tác dụng chữa bệnh hoặc có lợi cho sức khỏe con người (Nguồn: Sách Bào Chế Đông Dược Nhà Xuất Bản Y Học). Còn thảo dược cổ truyền là các bài thuốc chỉ có nguồn gốc từ thực vật. Các bài thuốc Cổ truyền trước khi được lưu hành, nhất thiết phải tổ chức đánh giá tính an toàn và hiệu lực của thuốc.

Bí ẩn Gia truyền

Thuốc gia truyền là những môn thuốc, bài thuốc trị một chứng bệnh nhất định có hiệu quả và nổi tiếng trong một vùng, một địa phương và được sản xuất lưu truyền lâu đời trong gia đình. Thuốc gia truyền là những bài thuốc thường có tuổi đời từ 100 đến 200 năm (3 đến 4 thế hệ) không được viết thành sách mà thường được chuyển giao cho các thế hệ có mối quan hệ thân thiết trong dòng họ (Nguồn: Sách Bào Chế Đông Dược Nhà Xuất Bản Y Học).

Cũng như các bài thuốc cổ truyền thì các bài thuốc gia truyền trước khi được lưu hành, nhất thiết phải tổ chức đánh giá tính an toàn và hiệu lực của thuốc.

Bí mật  gia truyền còn nằm ở phương pháp chế biến, liều lượng gia giảm, cách đun, cách giữ lửa... để cho ra chất lượng thuốc tốt nhất. Điều này chỉ có truyền đời và làm nhiều mới có thể đạt được. Cả phương pháp khám chữa bệnh gia truyền cũng vậy. Do đó, các thầy thuốc cần phải tin tưởng rằng bài thuốc cũng như cách chữa bệnh của mình khó có thể bắt chước nếu chỉ nhìn công thức. Giấy chứng nhận bài thuốc sẽ giúp các thầy thuốc đăng ký bản quyền khiến người khác không thể ăn cắp được, đồng thời càng làm tăng uy tín của bài thuốc, giúp người dân tìm đến địa chỉ khám bệnh, mua thuốc tin cậy.

HUG01913

Những bài thuốc Cổ phương

Y học cổ truyền là một kho tàng quý báu tổng kết kinh nghiệm chữa bệnh cứu người của nhân dân. Nó đóng góp rất lớn vào việc phòng bệnh và chữa bệnh đặc biệt là những bài thuốc cổ phương được lưu truyền qua các thế kỷ bằng sự ghi chép, truyền miệng. Nó có sức sống mãnh liệt được biểu hiện qua hiệu quả ứng dụng trên lâm sàng. Các danh y thể hiện kinh nghiệm trên lâm sàng có những bài thuốc hiệu quả rất lớn, nó vừa kết tinh về kinh nghiệm của xưa và nay, lại là vũ khí mới mẻ về hiệu quả đó là kho báu rất phong phú của nền y học phương đông nói chung và nền y học cổ truyền Việt Nam.

Các Bài thuốc Cổ phương là thuốc được sử dụng đúng với sách vở cổ đã viết về số vị thuốc, lượng từng vị, cách chế, cách dùng, liều lượng dùng theo biện chứng của thầy thuốc trong đó cổ phương vẫn là cơ bản. Thuốc cổ phương thường được xác định bằng khoảng cách thời gian và tính lặp lại trong các sách vở cổ, cũ. Thời gian khoảng cách từ 200-300 hoặc hơn. Và các bài thuốc này được các thầy thuốc ưa dùng và viết lại trong các sách đó được gọi là  bài thuốc Cổ phương (Nguồn: Sách Bào Chế Đông Dược Nhà Xuất Bản Y Học).

Sau khi vị thuốc đã có sự phối ngũ thì có thể phát huy được tác dụng tổng hợp của nó, lại có thể điều hoà được tính thiên thắng các vị thuốc và phát huy được công năng sẵn có của nó tốt hơn. Bài thuốc cổ phương là một bộ phận trong toàn hệ thống lý luận của y học cổ truyền, là việc sử lý cuối cùng đã thông qua biện chứng luận trị, nếu coi thường điều này tức là đã hạn chế ý nghĩa của bài thuốc cổ phương, mà biến thành máy móc dùng cho mỗi bài thuốc làm mất đặc điểm về tính chỉnh thể và tính linh hoạt về cách chữa bệnh của y học cổ truyền.

Người xưa trong khi chế phương dùng thuốc điều cần thiết phải tìm được “trong phương có pháp”, trong pháp có phương”. Vì thế phép tắc và sự tổ chức có qua hệ đến sự sắp xếp thành một bài thuốc, sự thay đổi ở phương diện vị thuốc, bài thuốc và sự phân loại để vận dụng đều là có quan hệ với sự hiểu biết về cơ bản của bài thuốc cổ phương, hiểu được điều ấy có thể suy một biết mười, sự việc này biết được sự việc khác.

Ứng dụng trên lâm sàng để chữa bệnh bài thuốc thường được xây dựng trên quy tắc “quân, thần, tá, sứ” . Quân là vị thuốc chính để chữa chính cuả bệnh, thần là vị thuốc hỗ trợ chính cho quân phát huy tốt được tác dụng, tá là vị thuốc chữa các chứng khác hoặc giảm bớt tác dụng phụ của các thuốc chính, hoặc hỗ trợ cho nó phát huy tốt tác dụn, sứ là vị thuốc để dẫn thuốc chính đến nơi có bệnh và điều hoà các vị thuổc trong bài thuốc.

Các bài thuốc của y học cổ truyền được sử dụng rất phong phú dưới dạng thuốc thang , hoàn, tán, cao…Đều tuân thủ quy tắc chặt chẽ trên. Y học cổ truyền trải qua mấy nghìn năm dưới sự thay đổi của biến cố lịch sử, những bài thuốc cổ phương không ngừng củng cố phát huy và đúc kết kinh nghiệm. Được lưu truyền trong dân gian bằng các hình thức khác nhau.

Những bài thuốc Tân phương

Tân phương (Thuốc Cổ truyền mới) là thuốc có cấu trúc khác hoàn toàn với cổ phương về số vị thuốc, lượng từng vị, dạng thuốc, cách dùng, chỉ định (Nguồn: Sách Bào Chế Đông Dược Nhà Xuất Bản Y Học).

Cũng như các bài thuốc cổ truyền, hay gia truyền thì các bài thuốc Tân phương trước khi được lưu hành, nhất thiết phải tổ chức đánh giá tính an toàn và hiệu lực của thuốc.

Ngoài dùng thuốc có nguồn gốc từ tự nhiên, Nam y còn chú trọng đến các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như: Châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt, ẩm thực trị liệu, dược dục trị liệu, vật lý trị liệu… Phương pháp điều trị của Nam y giúp con người trở về với quy luật tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên. Trong đó, “Kỳ môn y pháp”, “thần châm”, “ẩm thực liệu pháp” là thế mạnh của Nam y”.

Kỳ môn y pháp

“Kỳ môn y pháp” là kết quả từ quy luật toán học – ma trận từ quy luật dịch học “Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái”. Điều này đúng với quy luật tổ hợp chập 3 trong di truyền tạo nên 64 mã di truyền đặc biệt. “Kỳ môn y pháp” được bào chế theo thế trận cờ tướng gồm 64 ô, trong đó có 36 ô ghi sẵn các vị thuốc là quân cờ, là các vị thuốc cơ bản dùng cho cả đàn ông, đàn bà, trẻ em, người lớn; 28 ô còn lại là những vị thuốc dự trữ để bổ sung một cách linh hoạt nhất nhằm đáp ứng sự thay đổi của bệnh cảnh lâm sàng và nhu cầu đặc biệt của bệnh, được điều chỉnh theo từng giai đoạn diễn biến của bệnh nhân cụ thể. Bàn cờ thuốc là một ma trận, vận động không lặp lại nên đáp ứng được đầy đủ các diễn biến về bệnh lý, thời tiết, khí hậu, mùa vụ, tuổi tác… Các vị thuốc điều khiển chức năng chuyển hóa nên bao gồm các vị thuốc tự nhiên đã được bào chế loại bỏ hết độc tính. 64 ô cờ cũng là 64 vị thuốc với các chức năng phục hồi cơ chế loại bỏ dị vật cơ thể, chỉ điểm tế bào lạ, tiêu ung bướu, tiêu viêm nhiễm, tăng miễn dịch, chống rối loạn chuyển hóa, xả độc tố toàn bộ khí huyết, tạng phủ, cơ nhục, tế bào và giảm đau… Kỳ môn y pháp là kết quả quan trọng về huy động các vị thuốc lấy trung tâm là thuốc Nam để chữa các bệnh về chuyển hóa cơ bản theo các quy luật sinh học. Mỗi vị thuốc đơn lẻ khi kết hợp tạo sức mạnh mới và việc kết hợp các tổ hợp nhỏ sẽ tạo thành sức mạnh to lớn.

THAN CHAM

Thần châm

“Thần châm”: Là thế mạnh châm cứu của Nam y. Thần châm tôn trọng huyệt mạch của châm cứu y học cổ truyền, nhưng không lệ thuộc vào những cơ chế giải thích về huyệt mạch của châm cứu nguyên thủy, mà ứng dụng hai đặc tính sinh học cơ bản nhất của cơ thể là phản ứng tự vệ và không dung nạp dị vật để xây dựng nên trường phái châm cứu của mình. Kim dùng trong Thần châm là loại kim nhỏ giống hào châm, có đường kính từ 0,1 - 0,3mm làm bằng hợp kim bạc, bền với các tác nhân vật lý và hóa học, không gãy, không han gỉ. Thần châm không dùng các loại kim to để tránh sự tổn thương cơ, thần kinh và hạn chế được các tai biến khi châm. Khi châm để huy động năng lượng nội sinh đến vùng bị bệnh để chữa bệnh nếu sử dụng châm cứu đơn độc lâu ngày sẽ có biểu hiện thiếu hụt năng lượng nhiều hay ít. Vì vậy, cần phải dùng thuốc kết hợp để nâng cao thể trạng, trợ lực để thời gian chữa bệnh được nhanh hơn, hiệu quả hơn. Cần có chế độ  nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý để cân bằng được lượng năng lượng đã mất do châm cứu. Không nhất thiết phải châm hằng ngày mà nên để cách ngày cho bệnh nhân có thời gian nghỉ ngơi, uống thuốc, bổ sung dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể.

AM THUC LIEU PHAP

Ẩm thực liệu pháp

“Ẩm thực liệu pháp”: Nam y đi theo con đường chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên nên việc hướng dẫn cho bệnh nhân chế dinh dưỡng chữa bệnh rất quan trọng. Đây là kiến thức dinh dưỡng cao nhất từ các hội thảo quốc tế về chữa bệnh bằng liệu pháp tự nhiên mà Nam y chắt lọc và Việt hóa đưa đến cho người bệnh chế độ ăn khoa học giúp giải độc tố, cân bằng nội môi, kiềm hóa cơ thể. Với mỗi trường hợp bệnh cụ thể sẽ có những lời tư vấn riêng về thực phẩm cần tránh, thực phẩm nên ăn, thời gian ăn và cách ăn sao cho khoa học và đúng đắn nhất.

Văn hóa chữa bệnh bằng Nam y tuy độc đáo, có nhiều đặc điểm riêng nhưng vẫn luôn luôn thực hiện theo 12 điều y đức trong ngành Y, 9 điều y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông và kim chỉ nam “Nam dược trị Nam nhân” của Đại Y Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Y đức trong Nam y được thể hiện thông qua việc tận tình tư vấn, khám chữa bệnh; không ngừng cải tiến chất lượng điều trị bằng dược liệu sạch, công nghệ bào chế tiên tiến; nghiên cứu, học hỏi nâng cao trình độ y khoa; quan tâm đến các đối tượng chính sách xã hội và quan trọng nhất là góp phần trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trải qua bao sóng gió của lịch sử, Nam y, Nam dược và văn hóa chữa bệnh bằng Nam y và Nam dược vẫn được lưu truyền, phát triển từ đời này sang đời khác. Có thể thấy được Nam y và Nam dược chính là căn bản, là tinh túy của nền y học dân tộc Việt Nam. Dù cho xu hướng của xã hội hiện nay đang quá đề cao vai trò của Tây y, nhưng văn hóa chữa bệnh bằng Nam y – Nam dược vẫn tồn tại và khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng mọi người.

Tình Vũ

comment Bình luận

largeer