Vì sao giá kit xét nghiệm COVID mỗi nơi một khác?

Theo Bộ Y tế, chi phí xét nghiệm phụ thuộc vào các yếu tố cấu thành như: Giá của các test kit, vật tư xét nghiệm, chi phí thực hiện xét nghiệm... Trong đó, giá của kit test phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, thời điểm và diễn biến của dịch bệnh cũng như sự khan hiếm của thị trường, giá tại thời điểm mua.
03/10/2021 07:39

Mới đây, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra vào ngày 2/10, về giá kit xét nghiệm là vấn đề dư luận quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ và kịp thời thông tin chính thức tới dư luận. Thủ tướng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu công tác mua sắm và sử dụng trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch phải bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định pháp luật, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực. 

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương diễn ra ngày 26/9, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đưa ra thông tin về "giá mua các bộ kit test COVID-19 tại nước ngoài về chỉ khoảng 1,5 USD/kit test, thậm chí nếu mua nhiều, giá có thể xuống khoảng 1 USD" gây xôn xao dư luận.

Lý giải điều này, ông Đặng Hồng Anh cho hay: "Tôi có đầu tư trong lĩnh vực y tế, vì vậy trước nay tôi vẫn thường có thói quen tham khảo giá cả các thiết bị y tế, thuốc ở nhiều kênh khác nhau, cả trên mạng internet. Trong đợt dịch lần này cũng vậy, tôi vẫn thường lên mạng để tham khảo giá thuốc điều trị COVID-19, các bộ kit test, máy thở... Tôi thấy rất nhiều công ty tại châu Âu quảng bá sản phẩm này với giá như vậy và tôi nêu ra tại buổi đối thoại với Thủ tướng như một ví dụ để chúng ta cùng tham khảo, làm sao mua được các sản phẩm y tế với giá có lợi nhất.

giakitvn

Hiện Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 kit test COVID-19, trong đó 35 loại kit test nhanh và 39 loại test PCR. Ngoài 3-4 doanh nghiệp sản xuất kit test nhanh trong nước, hiện có thêm khoảng 30 doanh nghiệp được bộ này cho phép nhập khẩu. Giá sinh phẩm xét nghiệm được các doanh nghiệp đăng ký công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế khoảng 53.500 - 200.000 đồng cho test nhanh; 300.000 - 600.000 đồng cho xét nghiệm PCR.

Trên thực tế, vào trước tháng 7, giá chi phí xét nghiệm được Bộ Y tế công bố với test nhanh là 238.000 đồng một mẫu; 734.000 đồng (với PCR). Sau tháng 7, khi Bộ Y tế cho phép các cơ sở y tế thanh toán theo hình thức thực thanh thực chi dựa trên kết quả đấu thầu kít của các địa phương, chi phí test nhanh tại các cơ sở y tế dao động 150.000 - 300.000 đồng. Chi phí xét nghiệm PCR là 700.000 - 800.000 đồng một mẫu đơn; mẫu gộp 10 dao động 200.000 đồng một mẫu...

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã từng phải trả chi phí xét nghiệm cao hơn so với mức quy định của Bộ Y tế (238.000 đồng một xét nghiệm test nhanh). Không chỉ vậy, theo nhiều hiệp hội doanh nghiệp, xét nghiệm là khoản lớn trong chi phí phòng, chống dịch họ đang phải "gánh" hàng tháng nếu muốn duy trì hoạt động trong bối cảnh COVID-19. Chưa kể việc yêu cầu xét nghiệm ở mỗi địa phương lại khác nhau khiến doanh nghiệp thêm khó. Chẳng hạn quy định của Bộ Y tế chỉ yêu cầu doanh nghiệp phải test nhanh, nhưng địa phương lại yêu cầu phải có xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ... Việc phục hồi sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do thiếu lao động trầm trọng và việc yêu cầu xét nghiệm mỗi nơi mỗi khác đang làm khó doanh nghiệp.

Trong khi đó, từ tháng 7, giá kit test nhanh giảm liên tục. Có loại kit test trong vòng một tháng giảm vài chục nghìn đồng. Chẳng hạn giá bán kit Antigen Test Kit (Colloidal Gold)" (Trung Quốc) của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiệp Hùng Phát hồi cuối tháng 7 có giá 185.000 đồng một kit, nhưng tới cuối tháng 9 giá giảm còn 53.500 đồng...

kitxn

Ngay tại Đồng Nai, giá test nhanh tại các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn dao động từ 180.000 - 350.000 đồng/người, tùy thuộc vào loại kit test. Trong đó kit test của từng nước sản xuất, chẳng hạn Việt Nam: 180.000 đồng, Hàn Quốc: 280.000 - 300.000 đồng, Nhật Bản: 350.000 đồng.

Còn tại Bình Dương, các cửa hàng thiết bị vật tư y tế đang bán giá lẻ từ 130.000 -150.000 đồng/bộ kit test (tùy loại). Các điểm test nhanh dịch vụ tại các chốt kiểm soát COVID-19 (trục đường chính) có giá 300.000 đồng/người và cấp giấy xác nhận tại chỗ. Còn các cơ sở y tế tư nhân giá khoảng 400.000 đồng, cơ sở y tế công lập (trung tâm y tế huyện, thị) giá 238.000 đồng/người.

Trong khi đó, khi người dân đến test tại các cơ sở cũng mỗi nơi một giá khác nhau, đơn cử như tại Hà Nội, khi liên hệ số hotline trên Ứng dụng đặt khám online isofhcare, đặt lịch xét nghiệm COVID-19, người dân nhận được mức giá đưa ra là 250.000 đồng/người đối với test nhanh; xét nghiệm PCR là 750.000 đồng/người tại một cơ sở khám chữa bệnh trên phố Tôn Đức Thắng.

Tại phòng khám MediPlus Tân Mai, Hoàng Mai, giá test nhanh COVID-19 là 350.000 đồng/người; xét nghiệm PCR mẫu riêng là 1,5 triệu đồng/người; mẫu gộp là 680.000 đồng/người. Ở Bệnh viện Hồng Ngọc, giá xét nghiệm PCR là 1,2 triệu đồng/người; xét nghiệm test nhanh đối với kit do Việt Nam sản xuất có giá 280.000 đồng/người; kit test nhập khẩu giá xét nghiệm 360.000 đồng/người. Còn tại Bệnh viện đa khoa Phương Đông, quận Bắc Từ Liêm để đăng ký xét nghiệm PCR, nhân viên của bệnh viện thông báo giá xét nghiệm là 734.000 đồng/người, mẫu gộp 3 người 350.000 đồng/người.

Bộ Y tế thông tin về việc phản ánh giá xét nghiệm COVID-19 hiện nay

Theo thông tin đưa ra tại Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, giá xét nghiệm phụ thuộc vào các yếu tố cấu thành như: Giá của các test kit, vật tư xét nghiệm, chi phí thực hiện xét nghiệm...

Có thể thấy, giá các loại test xét nghiệm khác nhau phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, thời điểm và diễn biến của dịch bệnh cũng như sự khan hiếm của thị trường, giá tại thời điểm mua. Ví dụ như các loại test xét nghiệm đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, Châu Âu, Hoa Kỳ hoặc có xuất xứ từ Châu Âu hay từ Hoa Kỳ thường có giá cao hơn mặt bằng chung giá test kit của các nước khác, việc mua test kit vào thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp, căng thẳng ở nhiều nước, thị trường khan hiếm thì giá test kit xét nghiệm thường cao, số lượng mua càng lớn thì giá càng giảm... Vì vậy nên không thể đánh đồng tất cả các loại test kit với nhau, cũng như không thể so sánh giá test kit xét nghiệm ở các thời điểm khác nhau và phải phụ thuộc cả vào các yếu tố chất lượng (độ nhạy, độ đặc hiệu), tình hình diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu mua sắm test xét nghiệm trong nước và quốc tế.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với chức năng quản lý nhà nước của mình, Bộ Y tế đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quan trọng để điều chỉnh giá xét nghiệm theo hướng ngày càng giảm chi phí xét nghiệm để phù hợp với tình hình thực tế như: Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị y tế công lập thực hiện xét nghiệm điều chỉnh giá xét nghiệm theo từng giai đoạn; Triển khai các giải pháp nhằm tăng nguồn cung test xét nghiệm; Đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký tạo cạnh tranh giảm giá; Yêu cầu các đơn vị sản xuất, phân phối, nhập khẩu và kinh doanh test xét nghiệm thực hiện công khai giá, cập nhật giá để các đơn vị và người dân dễ dàng tra cứu; Bộ Y tế mới chỉ tiếp nhận vật tư, sinh phẩm y tế, test kit xét nghiệm nhanh, test Real- time PCR qua các nguồn tài trợ, viện trợ hợp pháp; Bộ Y tế đã thực hiện tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra, thanh tra để phát hiện các trường hợp vi phạm, trục lợi ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cũng trong ngày 28/9/2021, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 8151/BYT-TTrB yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ khẩn trương, nghiêm túc triển khai đúng các văn bản của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 79, 86. Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch COVID-19.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer