Viện Đông Y Việt Nam: Đào tạo đặc thù truyền nghề Lương y – Bảo tồn tinh hoa y học cổ truyền dân tộc
Y học cổ truyền là di sản văn hóa quý báu của dân tộc, là kết tinh trí tuệ, kinh nghiệm và tâm huyết của biết bao thế hệ danh y đi trước. Từ những ngày đầu thành lập nước, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để gìn giữ và phát triển nền Y học cổ truyền. Cụ thể, Nghị định số 337 NV-PC ngày 22/8/1946 của Bộ Nội vụ về việc thành lập Nghiên cứu Nam dược Hội và Nghị định số 399/NV-DC-NĐ ngày 03/06/1957 về việc thành lập Trung ương Hội Đông y Việt Nam đã đặt nền móng cho hệ thống tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của ngành Đông y tại Việt Nam.

Theo quy định tại Luật Khám chữa bệnh năm 2023 có hiệu lực từ ngày 9/1/2023, ba lực lượng được phép tham gia khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền gồm: bác sĩ y học cổ truyền, y sĩ y học cổ truyền và Lương y. Trong đó, Lương y là một lực lượng đặc thù – những người không qua đào tạo theo hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng có kiến thức, kỹ năng thực hành và được truyền nghề trực tiếp từ các thầy thuốc kinh nghiệm.
Việc đào tạo Lương y truyền nghề khác biệt rõ rệt so với các ngành học có mã ngành đào tạo chính quy. Hình thức đào tạo này mang tính đặc thù, chú trọng truyền dạy tay nghề qua hình thức "cầm tay chỉ việc", thay vì giảng dạy lý thuyết theo kiểu hàn lâm. Mặc dù đã được thực hiện từ nhiều năm, nhưng trước đây chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để công nhận đào tạo Lương y là một hình thức chính thức.
Một bước tiến quan trọng đã đến vào ngày 25/10/2024, khi Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế ban hành Công văn số 2128/K2ĐT-ĐT, chính thức công nhận chương trình đào tạo thường xuyên đặc thù truyền nghề Lương y và Lương dược cho Hội viên Hội Đông y Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 20/01/2025, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng ban hành Văn bản số 270/BLĐTBXH-TCGDNN, công nhận chương trình đào tạo thí điểm của Viện Đông Y Việt Nam là loại hình đào tạo thường xuyên đặc thù truyền nghề. Văn bản này đã mở ra hành lang pháp lý rõ ràng cho những ai theo đuổi con đường trở thành Lương y, hiện thực hóa ước mơ hành nghề hợp pháp trong lĩnh vực Y học cổ truyền.
Viện Đông Y Việt Nam hiện là đơn vị duy nhất được cơ quan chức năng công nhận đủ điều kiện tổ chức chương trình đào tạo đặc thù truyền nghề Lương y. Viện đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và cơ sở thực hành theo quy định pháp luật.
Chương trình học tại Viện Đông Y Việt Nam được thiết kế dựa trên ba trụ cột chính: thực hành, truyền thống và y đức. Học viên không chỉ được học lý thuyết nền tảng về Y học cổ truyền mà còn được tham gia thực hành trực tiếp tại các phòng khám, nhà thuốc. Nội dung giảng dạy bao gồm chẩn đoán bệnh, kê đơn, bốc thuốc, châm cứu, cứu ngải, xoa bóp bấm huyệt, cũng như tiếp cận các bài thuốc cổ phương và kinh nghiệm dân gian quý hiếm được truyền dạy bởi các Lương y gia truyền.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Sơn – nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), đồng thời là giảng viên của khóa học – chia sẻ: “Viện không đào tạo đại trà. Chúng tôi đào tạo ít nhưng chắc, chú trọng thực hành và đạo đức nghề nghiệp. Mỗi học viên sau khi tốt nghiệp đều có khả năng hành nghề độc lập và giữ trọn y đức người thầy thuốc.”
Sau khi hoàn tất khóa học, học viên sẽ được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo truyền nghề Lương y theo quy định. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các bước như đăng ký hành nghề khám chữa bệnh y học cổ truyền tại địa phương, gia nhập Hội Đông y, mở nhà thuốc hay phòng chẩn trị theo đúng pháp luật. Viện Đông Y Việt Nam cũng cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý và thủ tục hành nghề cho các học viên sau tốt nghiệp.
Không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy chuyên môn, Viện còn đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo đạo đức nghề nghiệp cho học viên, đúng với tinh thần “Lương y như từ mẫu”. Với đội ngũ giảng viên là những thầy thuốc ưu tú, Lương y có hàng chục năm kinh nghiệm, Viện Đông Y Việt Nam đang góp phần xây dựng một thế hệ thầy thuốc Đông y kế thừa vừa giỏi tay nghề vừa giàu lòng nhân ái.
Viện cũng hợp tác với các tổ chức khoa học và Hội Đông y tại các tỉnh, thành phố để tổ chức các lớp học lưu động, hỗ trợ đào tạo hàng trăm học viên trên toàn quốc mỗi năm. Theo ông Nguyễn Thành Vinh – đại diện lãnh đạo Viện, đây là một phần trong sứ mệnh lớn lao của Viện: góp phần bảo tồn, phát triển và lan tỏa tinh hoa Y học cổ truyền Việt Nam đến với cộng đồng.
Đồng Mão

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Xác thực truy xuất nguồn gốc - 'thuốc đặc trị' chống hàng giả
Khi nền kinh tế số đang trở thành một trong những trụ cột phát triển của đất nước, thì yêu cầu về tính xác thực, minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của hàng hóa không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng cao niềm tin thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.July 9 at 8:25 am -
Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 02 cấp
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 6/7/2025 sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết định số 148/QĐ-TTg về việc phê duyệt Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).July 7 at 7:32 am -
Lấy lại nụ cười tự tin với dịch vụ bọc răng sứ tại TCI
Hàng nghìn khách hàng đã tìm lại nụ cười tự tin nhờ dịch vụ bọc răng sứ tại Khoa Răng Hàm Mặt bệnh viện Đa khoa Quốc tế (ĐKQT) Thu Cúc TCI.July 3 at 12:01 pm -
Đau họng, ợ hơi, tức ngực: Người đàn ông ngỡ ngàng phát hiện ung thư đại tràng sớm qua nội soi
Người đàn ông 37 tuổi khỏe mạnh bàng hoàng phát hiện có tổn thương nguy cơ ung thư nhờ công nghệ nội soi hiện đại tại Bệnh viện Thu Cúc. Câu chuyện của anh là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều người trẻ còn đang chủ quan, thờ ơ với sức khỏe tiêu hóa.July 2 at 10:13 am