Việt Nam đã mở rộng các dịch vụ phòng chống bệnh không lây nhiễm ở cơ sở

Việt Nam đã tăng cường các chính sách can thiệp về thuốc lá và rượu bia, dinh dưỡng lành mạnh và hoạt động thể chất, đồng thời mở rộng các dịch vụ phòng chống bệnh không lây nhiễm ở cấp cơ sở...
27/10/2024 09:43

Tiếp theo chương trình của Kỳ họp lần thứ 75 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương tại Manila, Philippines, cuộc họp ngày 24/10, nội dung tập trung vào Báo cáo tiến độ của các Chương trình kỹ thuật gồm An ninh y tế, kháng kháng sinh; Một sức khỏe và nỗ lực hướng tới một Thỏa thuận toàn cầu về phòng ngừa, an ninh và ứng phó với đại dịch; Các bệnh không lây nhiễm, già hóa; Biến đổi khí hậu, môi trường và sức khỏe; Báo cáo tiến độ của các chương trình đa ngành - Hướng tới tầm nhìn Vì tương lai.

Tại cuộc họp, Việt Nam đã có bài tham luận ghi nhận mạnh mẽ các hoạt động của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các Quốc gia thành viên trong việc phát hiện và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trong năm qua, cũng như tăng cường hệ thống an ninh y tế cốt lõi phù hợp với yêu cầu của Điều lệ Y tế quốc tế và bày tỏ mong muốn WHO khu vực Tây Thái Bình Dương tiếp tục hỗ trợ cho các ưu tiên sau:

Tăng cường sự chuẩn bị, sẵn sàng và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, bao gồm cả AMR.

Điều phối sự tham gia của các đầu mối IHR quốc gia vào quá trình sửa đổi IHR.

Tăng cường hệ thống quản lý quốc gia để tạo điều kiện ứng phó hiệu quả với các trường hợp Y tế công cộng khẩn cấp.

Phổ biến và áp dụng các hướng dẫn về kế hoạch hành động an ninh y tế quốc gia, an toàn thực phẩm và kháng thuốc.

who-25-1729829179762322505962

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì Phiên họp ngày 24/10/2024

Về ưu tiên Phòng chống bệnh không lây nhiễm (NCDs), Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng ngày càng tăng về các bệnh không lây nhiễm. Năm 2019, các bệnh không lây nhiễm chiếm gần 80% tổng số ca tử vong. Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về NCD và Chương trình sức khỏe Việt Nam, phù hợp với Kế hoạch hành động toàn cầu của WHO về NCD.

Dựa trên khuyến nghị của WHO, Việt Nam đã tăng cường các chính sách can thiệp về thuốc lá và rượu bia, dinh dưỡng lành mạnh và hoạt động thể chất, đồng thời mở rộng các dịch vụ NCD ở cấp cơ sở. Dữ liệu gần đây cho thấy Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc giảm các yếu tố nguy cơ và cải thiện việc quản lý tăng huyết áp ở tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Đối với chủ đề ưu tiên Tiếp cận những người chưa được tiếp cận. Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ gần đây của WHO dành cho Việt Nam trong việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh Lao, HIV, sốt rét, các bệnh nhiệt đới bị lãng quên và các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine.

Việt Nam là quốc gia tiên phong trong việc tiếp cận những đối tượng chưa được tiếp cận thông qua các dịch vụ xét nghiệm đổi mới sử dụng nền tảng ảo, xét nghiệm trên mạng xã hội và xét nghiệm dựa vào cộng đồng, với sự hợp tác chặt chẽ với các cộng đồng bao gồm các nhóm đối tượng đích.

Việc lồng ghép các dịch vụ viêm gan vào các chương trình HIV đã tạo điều kiện chăm sóc cho những người có thể chưa được chẩn đoán và điều trị viêm gan C, đặc biệt là những người tiêm chích ma túy và những người nhiễm HIV.

Kiểm soát sốt rét toàn diện đã làm giảm đáng kể bệnh sốt rét và đang giúp Việt Nam đi đúng hướng loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030. Việt Nam cũng đang lồng ghép Chương trình tiêm chủng thiết yếu và chăm sóc NCD để phục vụ người dân ở các vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn.

Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác với WHO và các đối tác quốc tế khác để tăng cường an ninh y tế, giảm gánh nặng về các bệnh không lây nhiễm và mở rộng khả năng tiếp cận cho những người chưa được chăm sóc y tế hoặc chưa được tiếp cận.

Tại cuộc họp ngày 24/10, các quốc gia thành viên đã thông qua 2 Nghị quyết gồm Nghị quyết về Tài chính Y tế và Nghị quyết về Y tế số.

Theo Bộ Y tế

comment Bình luận

largeer