Câu lạc bộ "Các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em" ra mắt: Đồng hành vì một tuổi thơ an toàn và hạnh phúc
Trong bối cảnh hiện nay, khi đời sống xã hội có nhiều biến động và trẻ em phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ như bạo lực học đường, xâm hại tình dục, bắt nạt mạng, tảo hôn, lao động sớm hay tai nạn thương tích… thì vai trò của báo chí không chỉ là thông tin, phản ánh mà còn là tiếng nói bênh vực, là tấm gương soi chiếu các bất cập trong chính sách, từ đó góp phần thay đổi nhận thức xã hội.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nhấn mạnh: “Báo chí chính là lực lượng tiên phong trong việc phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm quyền trẻ em, đồng thời lan tỏa những mô hình tích cực, góp phần thay đổi thái độ và hành vi của cộng đồng. Việc thành lập Câu lạc bộ là một bước đi đúng đắn, nhân văn và cần thiết”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phát biểu tại sự kiện
Trong khi đó, ông Phan Toàn Thắng, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam, đánh giá: “Bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục hay các tổ chức xã hội, mà là nhiệm vụ xuyên suốt của toàn thể hệ thống, trong đó báo chí đóng vai trò then chốt để truyền tải thông tin chính xác, phản biện lành mạnh, từ đó thúc đẩy việc xây dựng chính sách phù hợp và công bằng hơn với trẻ em”.
Với phương châm hành động “Chung tâm - Chung trí - Chung sức bảo vệ quyền trẻ em”, Câu lạc bộ tập hợp các nhà báo, phóng viên, biên tập viên từ nhiều cơ quan truyền thông khác nhau. Họ là những người đang hoặc từng thực hiện các tuyến bài về bảo vệ trẻ em, có tâm huyết, trách nhiệm và mong muốn chung tay kiến tạo một không gian truyền thông nhân văn, khoa học, định hướng đúng đắn trong công cuộc chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Quang cảnh sự kiện
Ban Chủ nhiệm của Câu lạc bộ được thành lập và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, phi lợi nhuận, hỗ trợ lẫn nhau trong việc nâng cao nghiệp vụ, chia sẻ nguồn lực và thông tin. Các hoạt động chủ yếu gồm:
Truyền thông, giám sát thực thi quyền trẻ em
Tổ chức các khóa tập huấn về kỹ năng tác nghiệp nhạy cảm với đối tượng trẻ em
Tọa đàm, hội thảo nâng cao nhận thức xã hội
Vận động chính sách và thúc đẩy mạng lưới truyền thông nhân đạo về trẻ em
Phối hợp cùng các tổ chức quốc tế, xã hội dân sự và các cơ quan chức năng nhằm xử lý, phòng ngừa các hành vi xâm hại trẻ
Đặc biệt, tại buổi ra mắt, đại diện các tổ chức quốc tế như WHO và Campaign for Tobacco-Free Kids đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn về các mô hình bảo vệ trẻ tại châu Á, trong đó nổi bật là chương trình phòng chống đuối nước – vấn đề đang khiến hàng nghìn trẻ em Việt Nam tử vong mỗi năm. Việc trang bị kỹ năng bơi an toàn, kỹ thuật cứu hộ cơ bản, kết hợp truyền thông bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ tiếp cận đã được đánh giá cao và khuyến nghị áp dụng rộng rãi tại Việt Nam.
Thành lập Câu lạc bộ không chỉ là một hoạt động nghiệp vụ, mà còn mang đậm tinh thần trách nhiệm xã hội của đội ngũ báo chí Việt Nam. Đây là nơi các nhà báo có thể nâng cao kỹ năng viết về trẻ em, tiếp cận kiến thức pháp luật, tâm lý, đạo đức tác nghiệp… để từ đó mỗi bài viết, mỗi thước phim, mỗi lời bình trở thành một hành động thiết thực góp phần bảo vệ trẻ.
Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc vi phạm quyền trẻ em từng được báo chí phát hiện và đưa tin đã dẫn đến sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thậm chí là thay đổi chính sách. Báo chí không chỉ giúp trẻ lên tiếng mà còn “giải cứu” trẻ khỏi những hoàn cảnh đáng thương, những im lặng kéo dài hoặc sự thờ ơ của cộng đồng.

Ra mắt Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ “Các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em”
Việc ra mắt Câu lạc bộ “Các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em” mang một thông điệp sâu sắc: trẻ em không thể tự bảo vệ mình, và xã hội – đặc biệt là báo chí – phải lên tiếng. Trong thời đại truyền thông số, nơi thông tin lan truyền nhanh chóng nhưng cũng dễ bị bóp méo hoặc gây tổn thương, báo chí càng cần giữ vai trò định hướng, phản ánh trung thực, khách quan và nhân văn về các vấn đề của trẻ em.
Câu lạc bộ chính là một mạng lưới kết nối những người làm báo có cùng tấm lòng, có kỹ năng và có trách nhiệm xã hội. Từ đây, có thể mở ra các diễn đàn chuyên sâu, các liên minh truyền thông vì trẻ em, đồng hành cùng các chương trình sức khỏe học đường, dinh dưỡng, phòng chống xâm hại, bảo vệ sức khỏe tinh thần cho trẻ em sau đại dịch…
Trẻ em hôm nay là tương lai của đất nước ngày mai. Bảo vệ trẻ em không chỉ là đảm bảo quyền cơ bản của con người, mà còn là tạo dựng nền móng cho sự phát triển bền vững, hài hòa và nhân văn của xã hội. Với sự đồng hành của báo chí – mà Câu lạc bộ là một hình thức tập hợp tiêu biểu – hành trình ấy chắc chắn sẽ mạnh mẽ, sâu sắc và hiệu quả hơn.
Thanh Tùng – Nguyễn Nghị

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Phát hiện thêm công dụng mới trong thuốc điều trị ung thư của Singapore
Các nhà nghiên cứu Singapore phát hiện ra rằng một loại thuốc điều trị ung thư do nước này phát triển có thể trở thành thuốc điều trị mới cho 2 nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu thế giới.July 16 at 8:04 am -
Thái Lan sản xuất thuốc điều trị ung thư nhắm đích đầu tiên được phát triển trong nước
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thái Lan đã sản xuất thuốc viên điều trị ung thư nhắm đích đầu tiên – có tên Imcranib 100 - hoàn toàn được phát triển trong nước. Đây là kết quả của tầm nhìn khoa học và sự lãnh đạo của Công chúa hoàng gia Thái Lan - Giáo sư Tiến sĩ Chulabhorn Krom Phra Srisavangavadhana.July 15 at 9:13 am -
Xác thực truy xuất nguồn gốc - 'thuốc đặc trị' chống hàng giả
Khi nền kinh tế số đang trở thành một trong những trụ cột phát triển của đất nước, thì yêu cầu về tính xác thực, minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của hàng hóa không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng cao niềm tin thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.July 9 at 8:25 am -
Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 02 cấp
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 6/7/2025 sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết định số 148/QĐ-TTg về việc phê duyệt Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).July 7 at 7:32 am