Việt Nam sẵn sàng thực hiện các cam kết khí hậu
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp đón ông Alok Kumar Sharma, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26)
Quyết tâm cao, hành động nhanh
Không khó để hiểu tại sao Chủ tịch COP 26 tiếp tục quay lại Việt Nam trong vòng chỉ chưa đầy 1 năm sau chuyến thăm đầu tiên. Lãnh đạo Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã tạo ấn tượng về một “Việt Nam hành động”, như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Với cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và hành động nhanh chóng, mạnh mẽ, tổng thể, toàn diện, Việt Nam đang tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và coi đây là cơ hội để chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, carbon thấp.
Ngay sau COP 26, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và thành lập ngay Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 (Ban chỉ đạo), do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban. Trong quý I/2022, các thành viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo các Bộ phải hoàn thành xây dựng Kế hoạch hành động để gửi Bộ TN&MT tổng hợp thành Đề án thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26. Đến nay, dự thảo đề án đã bước đầu đề ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong thời gian tới bao gồm: Đổi mới thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; Chuyển đổi năng lượng và công nghiệp; Hạ tầng xây dựng và giao thông; Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; Tài nguyên và môi trường; Thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức; An sinh xã hội, chuyển đổi công bằng; Ngoại giao khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam đang tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu
Nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cần thiết để thực hiện tốt các cam kết đã đưa ra tại COP26, các Bộ đang khẩn trương rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực, kinh nghiệm quản trị và tổ chức triển khai. Trước đó, Việt Nam đã đưa vấn đề thực hiện Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành Nghị định về thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn và phê duyệt Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.
Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư thực hiện ứng phó với BĐKH và đang xây dựng kế hoạch thực hiện giảm phát thải khí mê-tan. Chiến lược quốc gia về BĐKH đến 2050 cũng đang được hoàn thiện, bao gồm hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng về “0” đến 2050… Bộ KH&ĐT cũng đang nghiên cứu để rà soát, điều chỉnh lại các mục tiêu và các chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh phù hợp các cam kết của COP26 theo hướng cao hơn và mạnh hơn.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp đón Chủ tịch COP 26
Riêng lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương đang rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 như mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và Tuyên bố chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Trong đó, thúc đẩy phát triển mạnh các nguồn năng lượng điện tái tạo, chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch một cách bền vững.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, tuyên bố của Việt Nam tại COP 26 đã được cụ thể hóa bằng việc sửa đổi Luật Điện lực và được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 1/2022. Theo đó, cho phép mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong từng thời kỳ. Sửa đổi then chốt này mở ra nhiều đổi mới trong thu hút đầu tư, giải tỏa công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh hệ thống điện.
Chủ động tiếp cận các nguồn lực quốc tế
Tại Hội nghị COP 26, các quốc gia đã đạt được thỏa thuận Hiệp ước Khí hậu Glasgow để giữ mức nhiệt độ nóng lên toàn cầu không quá 1,5 độ C. Trong năm 2022, các quốc gia cần thực hiện những cam kết đã đưa ra trong Hiệp ước Khí hậu Glasgow, đồng thời, củng cố và đưa ra các mục tiêu giảm phát thải tham vọng hơn đến năm 2030.
Nhấn mạnh các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP 26 đã thể hiện vai trò tiên phong trong khu vực, Chủ tịch COP26 Alok Sharma khẳng định, đây cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việt Nam cần xác định quy mô vốn đầu tư công để thực hiện quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch, cũng như nhu cầu tài chính để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết đầy tham vọng về khí hậu.
Chủ tịch COP 26 Alok Kumar Sharma tham dự buổi lễ ký kết tài trợ các dự án năng lượng tái tao của Ngân hàng HSBC tại Việt Nam
Thực tế, ngay sau COP 26, các đối tác phát triển đã gửi thư tới Thủ tướng đề cập đến cơ hội tiếp cận với các tổ chức tài chính quốc tế, đồng thời, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để thu hút nguồn lực quốc tế. Việc đón đầu các dòng vốn tín dụng, đầu tư cho ứng phó BĐKH và chuyển đổi năng lượng đã được Ban chỉ đạo quán triệt ngay từ cuộc họp đầu tiên. Theo đó, Thủ tướng giao lãnh đạo các Bộ, ngành phải đề xuất các chương trình, dự án cụ thể cũng như nhu cầu về vốn, chuyển giao khoa học, công nghệ, nhân lực… nhằm chuẩn bị cho một hội nghị đối thoại hợp tác với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển về nhu cầu hợp tác hỗ trợ, dự kiến sẽ diễn ra trong quý II/2022.
Thực hiện chỉ đạo, bên cạnh việc tổng hợp nhu cầu từ các Bộ, ngành, Bộ TN&MT đang chủ động nghiên cứu định hướng ứng phó BĐKH từ các đối tác phát triển, các quỹ, các định chế tài chính để từ đó, kết nối với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhằm triển khai các dự án phù hợp. Đồng thời, xác định các vướng mắc pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong các lĩnh vực biển và hải đảo, môi trường, đất đai; nghiên cứu liên thông các quy trinh, thủ tục giữa các lĩnh vực của Bộ để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư thuộc danh mục triển khai thực hiện thỏa thuận tại COP 26… Việc cập nhật báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cũng đang đươc đẩy nhanh hơn để cập nhật các cam kết của Việt Nam tại COP 26
Dù quốc tế “bật đèn xanh” nhưng theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, chi phí vay cho tăng trưởng xanh của các định chế tài chính còn rất cao. Việt Nam cần kết nối với các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng có khả năng cung cấp hỗ trợ ưu đãi hơn cho các nước đang phát triển, tương đương như các dự án ODA. Bên cạnh đó, cần cải cách thủ tục đơn giản hơn để các quốc gia có thể tiếp cận các nguồn vốn này một cách nhanh nhất.
Chủ tịch COP 26 khẳng định sẵn sàng tích cực hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam để hỗ trợ triển khai các cam kết, nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng là chìa khóa cho các cam kết khí hậu của Việt Nam bởi 70% lượng khí thải của Việt Nam là từ ngành năng lượng. "Vương quốc Anh sẽ nỗ lực hỗ trợ Việt Nam tiếp cận và huy động các nguồn tài chính cần thiết trong quá trình này" - ông Sharmar cho biết.
Với những nỗ lực của mình, Việt Nam có quyền kỳ vọng sẽ trở thành một hình mẫu trong công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, dù nguồn lực hạn chế và là một trong những quốc gia tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu.
Theo TNVMT
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm