Vĩnh Long: Cứu sống bệnh nhi 2 tháng tuổi bị xuất huyết giảm tiểu cầu mức độ nặng

Mới đây, Khoa Nhi, Bệnh viện Xuyên Á Vĩnh Long vừa tiếp nhận một bệnh nhi là bé N.T.K. (2 tháng tuổi), ngụ tỉnh Vĩnh Long trong tình trạng xuất huyết da rải rác toàn thân, kèm xuất huyết vòm họng.
02/10/2024 16:12

Tại bệnh viện, xét nghiệm ban đầu cho thấy số lượng tiểu cầu của bệnh nhi giảm còn 5.000/mm³ máu (bình thường tiểu cầu từ 150.000 – 400.000/mm³). Qua thăm khám, các bác sĩ Khoa Nhi nhận định đây là trường hợp xuất huyết giảm tiểu cầu mức độ nặng, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn và quyết định điều trị đặc hiệu theo phác đồ, theo dõi sát tình trạng xuất huyết. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhi đáp ứng tốt, số lượng tiểu cầu tăng lên ngưỡng an toàn, các mảng xuất huyết giảm dần. Hiện tại, bệnh nhi đã được xuất viện và sẽ tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.

461903715_863590149242351_1054219969112164174_n

Bệnh nhi ổn định sức khỏe sau khi điều trị

Theo các bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Xuyên Á Vĩnh Long, xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát, hay còn gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, là căn bệnh thể hiện sự rối loạn đông cầm máu, có thể khiến cơ thể người bệnh bầm tím hoặc chảy máu. Sự xuất huyết xảy ra khi số lượng tiểu cầu (thành phần giúp đông máu và cầm máu) thấp một cách bất thường.

Bệnh lý này rất thường gặp ở trẻ em, nhất là trong giai đoạn từ 2 - 9 tuổi, với các nguyên nhân có thể bao gồm:

- Bẩm sinh hoặc di truyền.

- Giảm tiểu cầu do kháng thể đồng chủng.

- Nhiễm trùng nặng, nhiễm siêu vi trùng (cúm, sởi, quai bị, viêm gan siêu vi), nhiễm ký sinh trùng (sốt rét).

- Tiền sử tiêm vaccine và sử dụng thuốc trong thời gian 2 tuần.

- Độc chất và tác dụng của một số loại thuốc như thuốc hạ nhiệt, thuốc an thần, thuốc cảm cúm, kháng sinh.

- Đa số nguyên nhân xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ dưới 6 tháng đều liên quan đến bệnh lý huyết học hoặc sử dụng thuốc ở mẹ.

Khuyến cáo từ các bác sĩ: Người bệnh cần chủ động kết hợp giữa phác đồ điều trị của bác sĩ với việc xây dựng chế độ sinh hoạt và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn chín, uống sôi để phòng ngừa nhiễm trùng. Chế độ ăn ít muối, ít đường vì thuốc điều trị bệnh có tác dụng phụ tăng huyết áp, đái tháo đường; bổ sung canxi để đảm bảo phát triển xương và không làm bệnh tiến triển nặng thêm. Điều quan trọng nhất là người bệnh phải tái khám ít nhất trong 3 tháng và tuân thủ điều trị vì tính chất nguy hiểm và dễ tái phát của bệnh.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer