“Vua phá bom” Cao Xuân Thọ tỏa sáng tinh thần thanh niên xung phong giữa thời bình

Dũng cảm trong thời chiến, kiên trung giữa đời thường, “vua phá bom” Cao Xuân Thọ luôn giữ trọn nghĩa tình đồng đội, không ngừng tiếp lửa cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
04/04/2024 14:06
Cựu thanh niên xung phong với biệt danh “vua phá bom” Cao Xuân Thọ, ông vinh dự được gặp Bác Hồ 4 lần và 3 lần được tặng Huy hiệu của Người

Cựu thanh niên xung phong với biệt danh “vua phá bom” Cao Xuân Thọ, ông vinh dự được gặp Bác Hồ 4 lần và 3 lần được tặng Huy hiệu của Người

Ký ức hào hùng

Ở cái tuổi 98, trong câu chuyện của cựu thanh niên xung phong với biệt danh “vua phá bom” Cao Xuân Thọ (trú xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) có lúc nhớ, lúc quên, nhưng tâm trí của người lính năm xưa vẫn còn vẹn nguyên một thời khói lửa. Từng tấc đất, từng ngả đường, vị trí, hình dáng mỗi quả bom... vẫn hiện lên trong ông một cách rành rọt như những ngày đứng trên đỉnh Cò Nòi.

Như bao thanh niên cùng trang lứa, 18 tuổi chàng trai Cao Xuân Thọ xung phong vào đội tự vệ. Hai năm sau, ông lại tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Đại đoàn 308, Trung đoàn 108 phục vụ Chiến dịch Thu – Đông.

Tháng 3/1949, ông được cử sang Giang Đông, Trung Quốc học quân báo. Sau khi về nước, ông trở thành đội trưởng đội phá bom Đại đội 404, đội thanh niên xung phong 40 phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, với nhiệm vụ gác đài quan sát bom ở ngã ba chảo lửa Cò Nòi. Đây được xem là cửa ngõ tiến vào Tây Bắc, là tuyến đường nối đồng bằng Bắc bộ, Chiến khu Việt Bắc, khu IV với chiến trường Điện Biên. Mọi hoạt động chi viện lên chiến trường Điện Biên đều phải qua nút thắt quan trọng này, vì vậy địch đã tìm mọi cách nhằm chặt đứt sự chi viện của quân dân ta với chiến dịch.

Ít ai ngờ, cụ già tóc bạc phơ, có vẻ ngoài gầy gò, chính là người thanh niên xung phong mưu trí, anh dũng, từng phá hàng trăm quả bom ở chiến trường Điện Biên năm nào

Ít ai ngờ, cụ già tóc bạc phơ, có vẻ ngoài gầy gò, chính là người thanh niên xung phong mưu trí, anh dũng, từng phá hàng trăm quả bom ở chiến trường Điện Biên năm nào

Trong căn nhà ấm cúng, giản dị, nhớ về những ngày tháng gian khổ, hào hùng ấy, đôi mắt rực sáng, ông kể: “Tốp máy bay này vừa rời đi, tốp máy bay khác lại kéo đến, chưa phá xong loạt trước, loạt sau lại rải xuống. Bom chồng bom, thi nhau phát nổ, khói lửa ngập trời, đất đá tung tóe, núi rừng rung chuyển, hòa lẫn trong đó không ít máu xương của những người lính mở đường.

Chỉ trong một thời gian ngắn, khu vực ngã ba Cò Nòi đã không còn màu xanh, tất cả bị xới lên tơi tả. Số lần đánh phá ngày một dầy đặc hơn, quy mô bán kính ngày một lớn, cứ 13 phút, địch lại ném bom bắn phá một lần. Có ngày chúng ném xuống đây khoảng 300 quả, đủ các loại: Bom phá, bom nổ chậm, bom bươm bướm với trọng lượng khoảng 69 tấn thuốc nổ. Vì vậy, công việc phá bom lúc này là nhiệm vụ hết sức nặng nề, cần kíp mà vô cùng phức tạp”.

Ngoài những kỷ niệm chiến đấu trong mưa bom bão đạn, những khoảnh khắc gặp Bác Hồ được ông Thọ xem như báu vật tinh thần của cuộc đời mình. Không những vinh dự được gặp Bác, ông còn được gặp Bác 4 lần và 3 lần được tặng Huy hiệu của Người, được Bác trực tiếp gắn Huân chương Lao động hạng 3. Ông Thọ tự hào, cái hạnh phúc ấy chẳng mấy ai có được.

Ông kể, năm 1946, trong những lần tham gia chiến dịch Thu Đông, Hòa Bình, Thượng Lào, ông Thọ cùng 2 đồng đội được bầu làm chiến sỹ thi đua xuất sắc nhất của toàn đoàn thanh niên xung phong. Vì vậy, tháng 12/1953, cả 3 được về chiến khu Việt Bắc để dự đại hội chiến sỹ thi đua. Tại đại hội này, lần đầu tiên ông Thọ được vinh dự gặp Bác Hồ.

Căn nhà ấm cúng, giản dị của ông Cao Xuân Thọ tại xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa

Căn nhà ấm cúng, giản dị của ông Cao Xuân Thọ tại xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa

“Khi Bác bước vào, cả hội trường mừng vui, reo to ‘Bác đến, Bác đến’, ‘Hồ Chủ tịch muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm’. Mọi người im phăng phắc khi Bác nói chuyện và sau đó Bác để dành thời gian trò chuyện, căn dặn các chiến sỹ. Rồi Bác nhờ đồng chí Vũ Kỳ gắn huy hiệu Bác tặng cho ba chúng tôi” – ông Thọ nhớ lại.

Truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ

Hơn nửa đời người làm việc nơi đất khách, năm 2010, ông Thọ trở về quê nhà Hoằng Giang, sống giản dị trong một ngôi nhà nhỏ. Thời điểm khỏe mạnh, ông thường tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Khi rảnh rỗi, ông chăn thêm con lợn, con gà, trồng luống rau,... an hưởng những ngày tháng bình yên của tuổi già.

Trở về từ chiến trận, mang trên mình những di chứng của chiến tranh, tai ông Thọ đã không còn nghe rõ. Ít ai ngờ, cụ già tóc bạc phơ, có vẻ ngoài gầy gò, dáng lưng hơi còng này chính là người lính, người thanh niên xung phong mưu trí, anh dũng, đã bao lần cảm tử, phá hàng trăm quả bom ở chiến trường Điện Biên năm nào.

Trở về thời bình, người cựu thanh niên xung phong không ngừng tiếp lửa cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ

Trở về thời bình, người cựu thanh niên xung phong không ngừng tiếp lửa cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ

Anh Cao An Khánh, con trai cả ông Thọ bộc bạch, ở cương vị nào, ông Thọ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội cụ Hồ, người Đảng viên mẫu mực, được bà con địa phương yêu quý. “Trong cuộc sống thường nhật, đối với xã hội, bố tôi luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền phẩm chất cao quý của người lính, thanh niên xung phong thời chiến cũng như thời bình. Đối với gia đình, ông luôn là người cha, người ông mẫu mực, sống yêu thương, chan hòa, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo”.

Nói về ông Thọ, chị Đỗ Thị Thu, Bí thư đoàn xã Hoằng Giang tự hào cho biết: “Chiến tranh đã lùi xa, ông Cao Xuân Thọ vẫn luôn phấn đấu, ra sức xây dựng quê hương đất nước trong thời bình, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học hỏi, noi theo. Vào mỗi dịp lễ lớn của đất nước, ông thường được mời đến các trường học trên địa bàn, để nói chuyện lịch sử với thầy cô và học sinh. Những lúc này, ông thường kể cho con cháu, thế hệ trẻ về sự khốc liệt của chiến tranh, tinh thần quả cảm của bộ đội ta. Góp phần giáo dục, tiếp thêm tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ”.

Với những cống hiến to lớn của mình, năm 2014, ông Cao Xuân Thọ vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer