16 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, phải có "luồng xanh" cho nông sản

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo hơi ở các tỉnh phía Nam đã có dấu hiệu nhích lên trong 1 - 2 ngày trở lại đây sau khi những điểm nghẽn tiêu thụ được tháo gỡ. Dù 16 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì việc tiêu thụ nông sản sẽ cải thiện.
17/07/2021 21:46

Trước thông tin thêm 16 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 19/7, trao đổi với Dân Việt chiều 17/7, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân vẫn sẽ được ngành chức năng đảm bảo, hiện, giá heo hơi trên địa bàn đã nhích nhẹ sau khi điểm nghẽn tiêu thụ dần được tháo gỡ.

Ông Đoán thông tin, đúng là những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội ở TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, nhất là khi 3 chợ đầu mối nông sản lớn ở TP.Hồ Chí Minh buộc phải đóng cửa, các thương lái chuyên thu mua heo đến các chợ đầu mối dương tính với virus SARS-Cov-2 thì giá heo hơi rơi vào khủng hoảng.

"Nhiều thương lái dương tính với virus SARS-CoV-2 do liên quan đến các chợ đầu mối, đầu ra trở lên bế tắc do không có người thu mua, giết mổ, giá cả hỗn loạn, thậm chí có lúc giá heo hơi chỉ còn khoảng 50.000 - 51.000 đồng/kg. Nhưng một vài ngày trở lại đây, giá heo hơi đã nhích lên sau khi có chủ trương cho tiêu thụ thịt heo tại các chợ, giá heo hơi đã đạt 54.000 - 55.000 đồng/kg" - ông Đoán nói.

b1

Giá heo hơi tại các tỉnh phía Nam đã nhích lên trong một vài ngày gần đây sau khi điểm nghẽn tiêu thụ được tháo gỡ. Việc 16 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ít nhiều ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản nhưng các địa phương đều có phương án cho lưu thông hàng hóa. Trong ảnh: Một điểm phân phối thịt heo đi tiêu thụ tại Đồng Nai. Ảnh: Thanh Huy.

Tuy nhiên, theo ông Đoán, với giá này, người chăn nuôi heo vẫn chịu thua lỗ "kép", nhất là với những người không chủ động được con giống và phải mua với giá rất đắt trước đây.

"Từ tháng 11 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 8 lần, mỗi lần thêm 300 - 400 đồng/kg, nên hiện mỗi con heo bán ra phải chịu thêm 400.000 đồng tiền cám. Như vậy, nếu không chủ động được con giống, giá thành chăn nuôi heo lên đến 70.000 đồng/kg, còn tự sản xuất được con giống thì giá thành cũng lên đến 60.000 đồng/kg, với giá heo hơi như hiện nay thì nông dân lỗ nặng" - ông Đoán phân tích.

Về việc thêm 16 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 19/7, ông Đoán cho rằng, ít nhiều sẽ có ảnh hưởng đến việc phân phối, tiêu thụ nông sản nhưng Chính phủ, các bộ ngành chức năng, các địa phương cũng đã và đang có các giải pháp để phân phối, lưu thông nông sản.

"Nhờ đó, giá heo hơi đã được cải thiện sau khi những điểm nghẽn trong tiêu thụ dần được tháo gỡ, tôi tin không những giá heo mà những loại nông sản khác cũng sẽ được cải thiện" - ông Đoán nhận định.

Tuy nhiên, ông Đoán cũng cho rằng, khi 16 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì các chốt kiểm dịch cần thống nhất biện pháp tạo điều kiện cho các xe chở nông sản hàng hóa được lưu thông khi đáp ứng đủ yêu cầu, nói cách khác là cần "tạo luồng xanh" cho nông sản.

Bên cạnh đó, theo ông Đoán, đang có một nghịch lý là, trong khi giá heo hơi nông dân bán ra đang ở mức thấp thì tại nhiều siêu thị, điểm bán thịt heo của TP.Hồ Chí Minh, người tiêu dùng phải mua thịt heo với giá quá cao.

"Qua khảo sát, chúng tôi thấy 1kg thịt heo đùi ở nơi sản xuất đến siêu thị đã chênh nhau tới 100.000 đồng. Tất nhiên, trong điều kiện dịch bệnh các chi phí vận chuyển, kiểm dịch tăng nhưng việc chênh quá lớn là không công bằng cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng" - ông Đoán khẳng định.

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với 16 tỉnh, thành phía Nam trong 14 ngày, từ 0 giờ ngày 19/7.

 Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, cần bảo đảm tốt nhất an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn trong nội bộ tỉnh, thành phố và với các địa phương khác.

Chỉ cho phép hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở đáp ứng yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch; không để thừa, thiếu hàng hóa, ách tắc giao thông.

(Theo Danviet)

comment Bình luận

largeer