6 nguyên nhân đổ mồ hôi nhiều mà phụ nữ sau 40 tuổi cần chú ý

Khi bước vào tuổi trung niên, sự biến động nội tiết tố khiến chị em bắt đầu trải qua các triệu chứng khó chịu của tiền mãn kinh, bao gồm những cơn bốc hỏa gây đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm. Nhưng ngoài biểu hiện tiền mãn kinh, tình trạng tăng tiết mồ hôi (Hyperhidrosis) còn có thể là một nguyên nhân ẩn giấu nào đó mà phụ nữ sau tuổi 40 cần lưu ý, chẳng hạn như:
26/07/2023 17:54

Tác dụng phụ của thuốc

Bác sĩ Lauren Streicher - Giám đốc y khoa của Trung tâm Y tế về Sức khỏe tình dục và Mãn kinh Northwestern (Mỹ) cho biết, có rất nhiều loại dược phẩm có khả năng gây đổ mồ hôi quá mức, bao gồm các loại thuốc kê đơn phổ biến như thuốc giảm đau, chống trầm cảm, thuốc chữa bệnh tim và huyết áp. Do vậy, phụ nữ trên 40 tuổi cần lưu ý đến danh mục thuốc đang dùng nếu đổ mồ hôi nhiều bất thường.

Bệnh tiểu đường

Theo bác sĩ Hratch Karanoukian - một chuyên gia về chứng tăng tiết mồ hôi, đường huyết thấp là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đổ mồ hôi. Tuy không phải mọi trường hợp đường huyết thấp đều mắc bệnh tiểu đường, nhưng đây là một yếu tố nguy cơ nếu bước qua tuổi 40. Theo đó, phụ nữ trung niên ít vận động và béo bụng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng kháng insulin và phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 (chứ không chỉ bị thừa cân mới đổ mồ hôi nhiều). Do vậy, bằng cách giám sát sức khỏe, phụ nữ trên 40 tuổi có thể bình ổn đường huyết và đẩy lùi tình trạng tăng tiết mồ hôi.

Ảnh: ICL

Ảnh: ICL

Bệnh cường giáp

Bệnh cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) đẩy nhanh tốc độ trao đổi chất trong cơ thể, dẫn tới sút cân, loạn nhịp tim và tăng tiết mồ hôi. Bệnh thường khởi phát khi phụ nữ bước qua tuổi 40 và gây ra các triệu chứng mãn kinh, thậm chí đẩy nhanh thời kỳ mãn kinh - theo tài liệu y khoa của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).

Nhiễm trùng

Bác sĩ Lauren Streicher cho biết nhiễm trùng cũng có thể gây đổ mồ hôi quá mức. Đơn cử, bệnh nhân lao thường đổ nhiều mồ hôi mà họ không biết đó là do ảnh hưởng của bệnh. Trong khi đó, các chuyên gia tại Bệnh viện Cleveland (Mỹ) cho biết bệnh viêm tủy xương (osteomyelitis - một dạng nhiễm khuẩn ảnh hưởng đến xương sống hoặc xương chậu) cũng làm tăng tiết mồ hôi. Tình trạng nhiễm khuẩn còn có thể dẫn đến viêm van tim với triệu chứng phổ biến là đổ mồ hôi ban đêm.

Rối loạn giấc ngủ

Tăng tiết mồ hôi là dấu hiệu phổ biến của chứng ngừng thở khi ngủ. Dù phụ nữ ít mắc bệnh này, song nguy cơ mắc bệnh của họ thường gia tăng khi chuẩn bị bước sang giai đoạn mãn kinh. Do đó khi đổ mồ hôi quá nhiều, chị em cần cân nhắc đến khả năng bản thân có thể mắc chứng ngừng thở khi ngủ.

Ung thư hạch bạch huyết

Ở một số phụ nữ, đổ mồ hôi đêm có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh ung thư hạch bạch huyết (lymphoma - một dạng ung thư hệ miễn dịch, xuất phát từ hệ bạch huyết trong cơ thể). Một số triệu chứng khác của căn bệnh nguy hiểm này gồm sưng hạch, sút cân, đau ngực và khó thở. Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào nói trên, hãy đến gặp bác sĩ để tầm soát bệnh kịp thời.

Theo Prevention

comment Bình luận

largeer