6 yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ ba trên thế giới. Trước đây, người trên 50 tuổi là đối tượng có nguy cơ ung thư đại trực tràng cao nhất, nhưng gần đây tỷ lệ mắc bệnh này đang gia tăng ở người trẻ, một phần là do các yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa.
20/06/2022 15:17

Theo Anjee Davis - Chủ tịch Tổ chức Chống ung thư đại trực tràng (Fight CRC), việc sớm thực hiện những thay đổi có lợi trong lối sống hằng ngày có thể giúp kiểm soát rủi ro mắc bệnh. Dưới đây là 6 yếu tố nguy cơ chính gây bệnh chúng ta cần biết:

Lối sống tĩnh tại

Nghiên cứu cho thấy ngồi một chỗ quá lâu là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh ung thư - gồm cả ung thư đại trực tràng. Ngược lại, vận động thể chất có lợi ích bảo vệ, giảm nguy cơ mắc bệnh. Sức khỏe tim mạch tốt hơn cũng giúp giảm nguy cơ mắc và tử vong vì loại ung thư này. Theo khuyến cáo, mọi người nên dành 150 phút vận động với cường độ vừa phải hoặc 75 phút vận động với cường độ mạnh mỗi tuần. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chế độ ăn thiếu chất xơ, trái cây và rau củ

Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa chế độ ăn thiếu chất xơ và thực phẩm thực vật với nguy cơ ung thư cao hơn. Trong khi đó, ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt giúp cơ thể dung nạp đủ chất xơ - dưỡng chất quan trọng để ngăn ngừa các bệnh mãn tính, gồm cả ung thư, thậm chí là nâng cao cơ hội đánh bại ung thư nếu chẳng may mắc bệnh.

Theo chuyên gia Davis, dù chọn chế độ ăn nào, mục tiêu tốt để ngăn ngừa ung thư là lượng thực phẩm thực vật nên chiếm khoảng 2/3 khẩu phần.

Ăn quá nhiều thịt đỏ và chất béo bão hòa

Tiêu thụ thịt chế biến sẵn liên tục có thể làm tăng nguy cơ khởi phát nhiều bệnh, bao gồm ung thư đại trực tràng. Song, bạn không cần phải cắt bỏ thịt hoàn toàn, mà nên hạn chế tiêu thụ ở mức không quá 510gr thịt đỏ mỗi tuần, luôn nhớ là ăn thịt chế biến sẵn càng ít càng tốt.

Uống nhiều rượu

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, rượu là một chất có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư. Mặc dù một số chuyên gia khuyên không nên uống nhiều hơn 1 ly/ngày đối với nữ và không quá 2 ly/ngày đối với nam, nhưng nhiều nghiên cứu khẳng định không uống rượu mới là giải pháp bảo toàn sức khỏe.

Hút thuốc

Thói quen gây hại sức khỏe này làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, bao gồm cả ung thư đại trực tràng. Tốt nhất là ngưng ngay việc hút thuốc và tránh xa khói thuốc.

Chỉ số khối cơ thể (BMI) cao

Nhiều nghiên cứu cho thấy BMI trên 25 (được coi là "thừa cân") hoặc 30 (tức "béo phì") liên quan tới nguy cơ ung thư đại trực tràng cao hơn. Một số bằng chứng cho thấy nguy cơ mắc bệnh này cao gần gấp đôi ở những người có chỉ số BMI cao hơn.

Mắc bệnh nền, như tiểu đường tuýp 2 và các vấn đề đường tiêu hóa

Sức khỏe tổng thể - đặc biệt là sức khỏe tiêu hóa - cũng ảnh hưởng nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, bệnh viêm ruột, Crohn và viêm loét đại tràng đều ảnh hưởng đường ruột và có thể dẫn tới ung thư đại trực tràng. Mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cũng làm tăng nguy cơ này, bất kể BMI và thói quen tập thể dục như thế nào.

Di truyền

Đây là yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được của ung thư đại trực tràng. Nói cách khác, nếu gia đình có tiền sử ung thư đại trực tràng hoặc polyp ruột kết, thì thế hệ sau có nguy cơ cao khởi phát bệnh này. Điều quan trọng là những người có nguy cơ mắc bệnh do di truyền cần nhận thức rõ nguy cơ của bản thân để cải thiện lối sống và tầm soát bệnh kỹ hơn để có phương án ứng phó càng sớm càng tốt.

Theo Insider

comment Bình luận

largeer