Bà đỡ mát tay của người dân miền biển

32 năm đỡ đẻ hàng trăm ca đẻ với tinh thần trách nhiệm và sự tân tâm, quan tâm tỉ mỉ, luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc của các sản phụ trên địa bàn xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Chị Nguyễn Thị Thương, Trạm trưởng trạm Y tế xã Diễn Thành (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) được mệnh danh là "bà đỡ mát tay" của không biết bao nhiêu "mẹ bầu" nơi đây.
16/10/2024 17:07

32 năm là “bà đỡ mát tay”

Nghề Y bắt đầu đến với chị Nguyễn Thị Thương từ năm 1992, khi đó chị về nhận công tác tại Trạm Y tế xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trong 23 năm cùng ăn cùng ở cùng chăm sóc sức khỏe với Nhân dân xã Diễn Thái chị đã được người dân nơi đây yêu thương, đặc biệt là các bà bầu đã từng được chi giúp vượt cạn thành công. Chị Thương tâm sự: "Khi đó cuộc sống của người dân nơi đây còn vất vả, lương hàng tháng của chị cũng không đủ nuôi nổi gia đình, tôi nhận được hàng tháng không phải là tiền mặt mà là 20 kg thóc". Tuy cuộc sống thiếu thốn, công việc vất vả nhưng chị vẫn luôn tin yêu, gắn bó với công việc, với Nhân dân. Vì vậy người dân nơi đây ví von chị là “cô con gái nuôi của Nhân dân xã Diễn Thái”.

1

32 năm bám nghề tận tâm của nữ Trạm trưởng trạm Y tế xã Diễn Thành

Để có thêm chuyên môn phục vụ tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, chị đã mạnh dạn xin cấp trên đi học các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức về nghề. Năm 2007, chị tốt nghiệp Đại học Điều dưỡng ở Đại học Y dược Huế và tiếp tục cống hiến cho đam mê của cuộc đời mình dưới vai trò là một nữ hộ sinh.

Đến năm 2015, chị được cấp trên chuyển công tác về Trạm Y tế xã Diễn Thành. Vẫn với vai trò là một nữ hộ sinh, chị phụ trách lĩnh vực chăm sóc bà mẹ trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, giúp đỡ nhiều bà mẹ và trẻ trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giúp nhiều bà mẹ mang thai sinh nở an toàn, giúp nhiều chị em được tiếp cận với các dịch vụ tránh thai hiện đại. Chị luôn nhận được sự tin yêu của bà con Nhân dân nơi đây. Đến tháng 6/2022 chị được bổ nhiệm Trưởng trạm Y tế xã Diễn Thành. Nhận thêm nhiệm vụ, vừa tham gia công tác quản lý Nhà nước, vừa thực hiện công việc chuyên môn của một nữ hộ sinh. Tuy nhiên, dù công việc có nhiều hơn, có khó khăn nhưng chị vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

05

Chị luôn là người luôn ân cần gần gũi với các sản phụ, động viên, khích lệ họ để tiếp thêm sức lực, thêm ý chi vượt cạn

Chị Thương tâm sự, công việc nhiều lúc cũng rất vất vả, những đêm trực có ca sinh tại trạm thì hầu như là phải trắng cả đêm, nhưng sáng hôm sau vẫn phải dậy đi làm bình thường. Tuy nhiên, khi nhìn thấy các sản phụ mạnh khỏe sau khi vượt cạn thành công, nhìn thấy những ánh mắt hôn nhiên thơ ngây, những tiếng cười, tiếng khóc chào đời của những em bé thì mọi mệt mỏi đều tan biến.

Nhận xét về chị Thương, một người nhà của sản phụ tại xã Diễn Thành cho biết: "Khi có chị ấy (chị Thương) bên cạnh người thân mình khi chuyển dạ, sinh con chúng tôi luôn yên tâm, không chỉ vì chị Thương là người giỏi chuyên môn, có kinh nghiệm mà còn là người luôn ân cần gần gũi với các sản phụ, động viên, khích lệ họ để tiếp thêm sức lực, thêm ý chi vượt cạn. Chị Thương là người nhiệt tình, chu đáo và trách nhiệm".

32 năm làm bà đỡ, 32 năm là người bạn thân của các sản phụ, 32 năm gắn với biệt danh “bà đỡ mát tay” là khoảng thời gian hạnh phúc và yêu người của chị Thương.

Những kỷ niệm đẹp của đời nữ hộ sinh

Đêm khuya thanh vắng khi mọi người đã chìm trong giấc ngủ ngon. Tại trạm Y tế bỗng có tiếng người gọi thất thanh: "Có ai trực trong trạm không? Có người đẻ ở ngoài đường cần được giúp đỡ". Ngay lập tức, chị Thương bật dậy lao thẳng về phòng dụng cụ y tế chuẩn bị tất cả những vật dụng cần thiết và chạy ngay ra đường để hỗ trợ sản phụ. Ngay sau khi có mặt tại nơi sản phụ, chị đã kịp thời cấp cứu cho cả mẹ và con, rồi nhanh chóng cùng gia đình đưa họ về trạm theo dõi và chăm sóc an toàn. Em bé năm đó giờ đã thành một thanh niên đi làm xa, tuy nhiên mỗi lần về quê vẫn tìm đến tận nhà chị để hỏi thăm chị, bởi đó với em ấy chị như là người mẹ thứ 2 của mình.

03

"Bà đỡ mát tay" của hàng trăm sản phụ miền biển

Năm 1993, có một sản phụ ở Diễn Thái mang thai đôi. Chị Thương nhớ lại, cái thời chưa có siêu âm phổ biến như hiện nay, việc phụ sản có thai đôi, có khi không biết rõ được. Có một lần đỡ cho một phụ sản đẻ xong, khoảng nửa tiếng sau đó phụ sản lại thấy đau, gọi chị đến thì tiếp tục một cháu khác chào đời. Lúc đó chị và mọi người mới biết sản phụ mang thai đôi. Đó là ca đỡ đẻ ấn tượng nhất trong đời cô đỡ của chị. Không chỉ 2 ca đỡ đẻ ấy, mà còn rất nhiều ca đỡ khác đã để lại cho chị Thương những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên, hồi hộp có, lo lắng có, vất cả có, xong tất cả đều kết thúc trong vui vẻ hân hoan bởi những tiếng khóc chào đời của những thiên thần bé nhỏ. Hơn 50 tuổi đời và hơn 32 tuổi nghề là quãng thời gian đẹp đẽ nhất của chị Thương.

Trung bình mỗi năm, có khoảng 200 phụ nữ mang thai đến thăm khám và quản lý thai sản với khoảng 150 trẻ sinh ra trên địa bàn xã Diễn Thành. Sau khi các sản phụ sinh nở, chị kịp thời động viên, chị ôm, vuốt tóc và xoa lưng để chia sẻ, an ủi các sản phụ, giúp họ xoa dịu cơn đau, sự mệt mỏi sau khi sinh con. Những đứa trẻ sinh ra tại trạm y tế, trong những phút đầu tiên trong đời, được chị trò chuyện và đặt bé nằm trên bụng mẹ để gắn kết tình cảm mẹ con. Chính sự gần gũi đó mà hiện nay vẫn có nhiều thai phụ tìm đến Trạm Y tế Diễn Thành để sinh con, để được cô Thương “đỡ đẻ”.

Nữ Trạm trưởng giỏi việc nước, đảm việc nhà

Hiện nay, chị đang có một gia đình hạnh phúc, một người chồng yêu thương thấu hiểu và sẻ chia với chị trong công việc chuyên môn và gia đình. Con trai đầu của chị đã tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Vinh, con trai thứ hai là học sinh giỏi nhiều năm liền của trường THCS Cao Xuân Huy, huyện Diễn Châu. Gia đình là hậu phương vững chắc để chị yên tâm công tác và tham gia công tác xã hội

Chị còn là một tình nguyện viên hăng say, nhiệt tình trong công tác làm từ thiện. Chị đã tham gia vận động và thành lập Đội thiện nguyện “Vòng tay nhân ái – Chung tay vì cộng đồng” huyện Diễn Châu, do chị làm đội Trưởng. Hơn 8 năm qua, Đội thiện nguyện thường xuyên tổ chức phát cơm, cháo miễn phí cho hàng trăm bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viên Đa khoa Diễn Châu. Đội thiện nguyện cũng thường xuyên tổ chức thăm tặng quà cho những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện, với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

02

Chị Thương luôn tích cực tham gia công tác thiện nguyện, chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn

Với vai trò Trạm trưởng trạm Y tế, chị đã tích cực điều hành quản lý hoạt động của Trạm, nhiều năm liền Trạm Y tế xã Diễn Thành luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Diễn Thành là xã ven biển, dân số hơn 14.000 người. Người dân nơi đây chủ yếu theo nghề truyền thống đánh bắt, chế biến thủy hải sản và làm nông nghiệp. Dân cư đông đúc, vì vậy hàng năm dịch sốt xuất huyết thường xảy ra. Chị đã chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền xã, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo và nguồn lực của địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết; Thực hiện tốt các chương trình hoạt động Y tế như chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình; Chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Dự phòng lây truyền Viêm gan B, HIV và giang mai từ mẹ sang con... Nhờ sự nỗ lực của chị và tập thể cán bộ viên chức, Trạm Y tế xã Diễn Thành là trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế, nhiều năm liền được sở Y tế khen thưởng về thành tích xuất sắc nhiệm vụ công tác Y tế.

06

Chị Thương đón và làm việc cùng đoàn chuyên gia Quỹ phòng chống viêm gan, đại diện Quỹ tài trợ ZeShan và đại diện dự án Path, đại diện CDC tỉnh Nghệ An, và đại diện TTYT huyện Diễn Châu tại Trạm Y tế xã Diễn Thành

Nhờ những nỗ lực của bản thân mà trong quá trình công tác chị Thương đã được Sở Y tế tỉnh tặng thưởng nhiều giấy khen về thành tích xuất sắc trong công tác y tế; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động Nghệ An khen thưởng về thành tích xuất sắc trong công tác công đoàn. Chị cũng đạt giải cao trong cuộc thi "Nét đẹp của người lao động" do Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An tổ chức. Tuy vẫn còn đó những tâm tư, trăn trở với nghề, nhưng với đam mê cháy bỏng, chị luôn nỗ lực hết mình, tâm huyết với nghề, luôn được Nhân dân tin tưởng, yêu mến, giữ mãi hình ảnh là một tấm gương y đức, vì sức khỏe Nhân dân, đem lại sức khỏe tốt nhất cho các bà mẹ và các bé sơ sinh và mang đến niềm vui, hạnh phúc cho mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng xã hội.

 Hoàng Quân

comment Bình luận
  • Sản phẩm vì sức khỏe
  • Sữa hạt Codoca – Năng lượng từ tinh chất hạt, dưỡng dáng khỏe mạnh

    Việc duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và khoa học đóng vai trò rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt đối với những ai mong muốn cải thiện và giữ gìn vóc dáng. Trong số các sản phẩm dinh dưỡng, sữa hạt Codoca đã trở thành một lựa chọn hàng đầu cho nhiều người nhờ nguồn năng lượng tự nhiên từ tinh chất hạt và khả năng dưỡng dáng, tăng cường sức khỏe toàn diện.
    October 14 at 9:41 am
    Sữa hạt Codoca – Năng lượng từ tinh chất hạt, dưỡng dáng khỏe mạnh
  • Bộ ba vi dưỡng chất giúp người cao tuổi khỏe mạnh

    Sức khỏe người cao tuổi luôn là vấn đề quan trọng, không chỉ đối với bản thân họ mà còn đối với gia đình và cộng đồng. Khi cơ thể bắt đầu lão hóa, khả năng hấp thụ dinh dưỡng giảm sút, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như suy giảm trí nhớ, loãng xương và suy yếu hệ miễn dịch. Để giúp người cao tuổi sống khỏe mạnh và năng động, việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng là điều cần thiết.
    October 14 at 9:41 am
    Bộ ba vi dưỡng chất giúp người cao tuổi khỏe mạnh
  • Quà tặng sức khỏe ý nghĩa ngày 20/10 từ thương hiệu dinh dưỡng Codoca

    Ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10 là dịp đặc biệt để chúng ta bày tỏ tình yêu thương và tri ân đến những người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời – mẹ, vợ, chị gái hay người bạn đời. Thay vì những món quà quen thuộc như hoa hay mỹ phẩm, năm nay hãy cùng Codoca gửi tặng món quà đặc biệt và ý nghĩa hơn sức khỏe.
    October 14 at 9:41 am
    Quà tặng sức khỏe ý nghĩa ngày 20/10 từ thương hiệu dinh dưỡng Codoca
  • Bước qua mãn kinh nhẹ nhàng với liệu pháp cân bằng hormone

    Mãn kinh là thời điểm nữ giới không có kinh nguyệt trong 12 tháng liên tục. Trung bình phụ nữ mãn kinh ở độ tuổi 51. Quá trình chuyển sang thời kỳ mãn kinh được gọi là tiền mãn kinh, sự thay đổi nội tiết tố xảy ra, kéo theo các triệu chứng khó chịu về thể chất lẫn tinh thần. Điều này khiến nhiều người lo lắng và đặt ra nghi vấn: Liệu rối loạn nội tiết tố mãn kinh có nguy hiểm không?
    October 14 at 7:36 am
    Bước qua mãn kinh nhẹ nhàng với liệu pháp cân bằng hormone

largeer