Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện rà soát công tác phòng, chống dịch và tiêm chủng

Bác sĩ Nguyễn Văn Thái - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chủ trì cuộc họp rà soát công tác phòng, chống dịch và công tác tiêm chủng trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
12/07/2023 17:28

Số liệu báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/6 về công tác phòng, chống dịch bệnh cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) của tỉnh đứng thứ 15/20 các tỉnh khu vực phía Nam. Có tổng 536 ca mắc SXH trên toàn tỉnh giảm 88,2% so với cùng kì năm ngoái (4524 ca) và giảm 65,4% (1554 ca) so với trung bình 5 năm từ 2016 – 2021.

Đối với bệnh Tay Chân Miệng, thành phố Vũng Tàu đứng đầu toàn tỉnh về số lượng ca mắc, có 150 ca nhiễm chiếm 49,01%. Ngoài ra, ghi nhận thêm số liệu ca mắc tại các địa phương khác cho thấy, huyện Châu Đức 26 ca,huyện Đất Đỏ 11 ca, huyện Long Điền 33 ca, huyện Xuyên Mộc 29 ca, huyện Côn Đảo 14 ca. Số ca mắc Tay chân miệng có xu hướng tăng, đáng lo ngại hơn nữa là sự xuất hiện của chủng vi rút EV71.

Cùng với đó, số ca mắc COVID 19 trên toàn tỉnh là 1.425 ca trong đó có 1.355 ca mắc mới và 70 ca tái nhiễm, có 2 trường hợp tử vong, tỷ lệ chết/mắc là 0,14. Thành phố Vũng Tàu cũng là địa phương có số ca nhiễm COVID 19 cao nhất chiếm 42,0%, thấp nhất là huyện Côn Đảo chiếm 1.9%. Số người bệnh đều là người dân trong tỉnh, không ghi nhận ca mắc nào là người nhập cảnh hay trở về từ địa phương khác Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng ghi nhận thêm 335 ca bệnh Thủy đậu, 22 ca bệnh Quai bị, 1 ca lỵ trực trùng và 1 ca Viêm não vi rút.

Cuộc họp rà soát công tác phòng, chống dịch và công tác tiêm chủng trong 6 tháng đầu năm 2023

Cuộc họp rà soát công tác phòng, chống dịch và công tác tiêm chủng trong 6 tháng đầu năm 2023

Công tác phòng chống dịch trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gặp phải khá nhiều khó khăn, thách thức như thiếu hóa chất diệt muỗi, máy phun ULV hóa chất diệt muỗi ở một số trung tâm y tế bị hư hỏng nhưng chưa được sữa chữa hay mua mới, kinh phí hoạt động cho phòng chống SXH bị hạn chế do chưa được phê duyệt định mức chi thuê nhân công phun hóa chất, nhân công diệt lăng quăng nên công tác xử lý ổ dịch bị chậm trễ không đảm bảo được tiến độ và hiệu quả phòng dịch.

Về công tác tiêm chủng, đến hết ngày 30/6 đạt 10/12 chỉ tiêu (chiếm 83,33%), không đạt 2/12 chỉ tiêu (chiếm 16,67%). Được biết lý do không đạt là vì thiếu vaccine DPT-VGB-Hib (5 trong 1) trong nhiều tháng liên tục, do đó chỉ tiêu tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine cho trẻ dưới 1 tuổi không đạt kế hoạch. Thêm vào đó, việc thiếu nhân lực do nhiều cán bộ y tế ở địa phương xin nghỉ dẫn đến các cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng ở các tuyến phải kiêm thêm nhiều công việc khác,…

Giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch và tiêm chủng

Tại cuộc họp các đơn vị đã cùng thảo luận đưa ra các phương hướng nhằm tháo gỡ những khó khăn và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch cho 6 tháng cuối năm 2023.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thái - PGĐ Sở Y tế đưa ra chỉ đạo đối với công tác phòng chống dịch, yêu cầu các đơn vị tuyến huyện phải chủ động trong công tác tham mưu cho UBND huyện, thành phố, thị xã để đảm bảo đủ hóa chất chống dịch. Đối với các máy móc phục vụ phòng chống dịch như máy phun ULV hóa chất diệt muỗi đã hư hỏng cần phải nhanh chóng sửa chữa hoặc thanh lý để mua mới, đáp ứng nhu cầu chống dịch trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện và xử lý sớm ổ dịch sốt xuất huyết Dengue (SXHD) theo hướng dẫn tại Quy trình chống dịch SXHD. Giám sát chặt chẽ các ca bệnh, xử lý các ổ dịch nhanh chóng trong vòng 24 giờ, tổ chức dập dịch diện rộng trên các quy mô ấp, xã, phường, không để dịch bệnh lan ra phạm vi rộng. Chủ động điều tra, đánh giá dịch tễ, côn trùng những xã, phường có nguy cơ bùng phát dịch SXH để tham mưu kịp thời các biện pháp xử lý dịch nhằm hạn chế số ca mắc, tử vong do SXH.

Đối với công tác tiêm chủng, bác sĩ Nguyễn Văn Thái yêu cầu phải thực hiện tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi và tiêm chủng các vaccine khác cho các đối tượng tiêm chủng mở rộng khi được Bộ Y tế cung ứng đủ vắc xin. Tiếp tục tăng cường công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng mở rộng như liệt mềm cấp (LMC), chết sơ sinh/uốn ván sơ sinh, sởi – rubella,… Ngay sau khi được cung ứng vaccine phải vận động ngay người dân đưa trẻ đi tiêm chủng.

Về kinh phí phòng chống dịch, Phó Giám đốc Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế phải bám sát theo các hướng dẫn của chuyên môn, chương trình hoặc nhanh chóng liên hệ các phòng chuyên môn của Sở Y tế để được hướng dẫn thực hiện đảm bảo đúng tiến độ.

Ngọc Nguyễn 

comment Bình luận

largeer