Bắc Giang: Tập trung ứng phó với diễn biến bão số 2 và khả năng xảy ra mưa lớn diện rộng

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn số 3972/UBND-KTN yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và địa phương tập trung ứng phó với diễn biến bão số 2 và khả năng xảy ra mưa lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh.
23/07/2024 11:36

Theo tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 22/7/2024, vị trí tâm bão số 2 ở khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ. Trong những ngày tới bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn kéo dài.

Do ảnh hưởng của Bão số 2, từ chiều tối ngày 22/7 đến hết ngày 24/7/2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có khả năng xảy ra mưa vừa đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 80 - 120mm/đợt, riêng huyện Sơn Động, Lục Ngạn lượng mưa có thể từ 100 - 150mm/đợt.

bacgiang

(Ảnh: Bacgiang.gov)

Để chủ động ứng phó với diễn biến của Bão số 2 và mưa lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể từng địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.

Triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân trong khu vực chịu ảnh hưởng.

Kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn. Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, đập; bảo vệ trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu, các vị trí đã bị xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đang thi công dở dang hoặc đã thi công xong nhưng chưa qua thử thách với lũ.

Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định. Bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, đập, kịp thời xử lý các sự cố đê điều, hồ đập ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê, hồ chứa nước.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến của bão và công tác chỉ đạo, ứng phó để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều, hồ đập, các tình huống đột xuất về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thống nhất chỉ đạo thực hiện.

Quang Huy

comment Bình luận

largeer