Bác Vũ Oanh: Người cha tinh thần của Giáo dục sớm Việt Nam

Chúng ta cần có một giải pháp sáng tạo, cách làm riêng nhằm rút ngắn thời gian để Việt Nam vượt lên, có được các sản phẩm, mô hình giáo dục sớm trẻ em tiên tiến, đẳng cấp quốc tế, góp phần có hiệu quả vào việc nâng cao chất lượng nòi giống, bồi dưỡng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước
02/01/2024 22:19
c1

Bác Vũ oanh (bên trái ảnh) cùng lãnh đạo cán bộ Viện IPD.

Tôi được gặp bác Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị lần đầu tiên tại Văn phòng Trung ương Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam trong buổi Lễ trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Nhân đạo năm 1997. Hôm đó đồng chí giáo sư, viện sĩ, Anh hùng Lao động Nguyễn Trọng Nhân, Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ đã đích thân trao tặng và gắn Huy chương lên ngực áo của bác Vũ Oanh, nhạc sĩ Văn Vượng (người nhạc sĩ mù chơi đàn ghi ta nổi tiếng) và tôi. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi được ngồi đối diện với bác Vũ Oanh, một đồng chí lão thành cách mạng và là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, mà sao gần gũi, chân tình đến vậy! Tôi thầm nghĩ đồng chí Vũ Oanh, người thanh niên đã được đại diện cho Mặt trận Việt Minh của Thủ đô Hà Nội đi dự Đại hội Tân Trào năm xưa, để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa, lật đổ chế độ thực dân Pháp, đúng là người học trò xuất sắc của Bác Hồ kính yêu. Sau khi tôi nghỉ hưu, được anh Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam vận động tôi về tham gia hoạt động ở Hội Khuyến học Việt Nam, nơi quy tụ nhiều Nhà giáo nhiệt huyết đã nghỉ hưu và do bác Vũ Oanh làm Chủ tịch. Tôi phấn khởi và tự nguyện tham gia. Ở đây, hằng tuần, hằng tháng, tôi lại được gặp bác Vũ Oanh, nghe Bác nói về tình hình đất nước, nhiệm vụ của người làm khuyến học là phải xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, để nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước. Với thế mạnh của mình vừa là thầy giáo, vừa là thầy thuốc, tôi đề nghị Trung ương Hội Khuyến học cho tôi thành lập Trung tâm Giáo dục Môi trường và Sức khỏe cộng đồng Việt Nam và được bác Vũ Oanh ký quyết định cho ra đời Trung tâm này. Trung tâm đã hợp tác với nhiều bộ, ngành, các đoàn thể, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, thực hiện nhiều dự án góp phần nâng cao dân trí cho cán bộ, hội viên của Hội Khuyến học và Nhân dân nhiều vùng miền trong cả nước, đặc biệt là các xã miền núi, nơi có nhiều dân tộc thiểu số. Mấy năm sau, bác Vũ Oanh chuyển qua làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam và năm 2009, bác Vũ Oanh, cùng một số vị vận động thành lập Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. Tôi được bác Vũ Oanh gọi điện nói về việc chuẩn bị thành lập Hội và mời tôi tham gia. Lúc này tôi vẫn đang là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Sức khỏe cộng đồng, nhưng tôi rất vui vẻ nhận lời mời của bác, với hai lý do: Tôi rất kính trọng và yêu quí bác, một Lão thành cách mạng suốt cuộc đời luôn lo cho dân, cho nước và luôn học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Đây là một Hội có nhiệm vụ giáo dục chăm sóc sức khỏe cho mọi người Việt Nam, từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi, góp phần bảo vệ sức khỏe, cải tạo nòi giống, đào tạo nhân tài cho đất nước. Đại hội lần thứ nhất, dưới sự lãnh đạo của bác Vũ Oanh - Chủ tịch Hội, các thành viên trong Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Hội đã đồng tâm hiệp lực, nhất trí xây dựng và phát triển Hội, với nhiều hoạt động phong phú trong lĩnh vực giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

c2

Cố lão thành cách mạng Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam.

Với mong muốn góp phần vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, tạo điều kiện cho trẻ em các vùng miền trên cả nước được bình đẳng trong chăm sóc và giáo dục, nhằm khai mở các tố chất, tiềm năng của trẻ nhỏ ngay từ khi còn là thai nhi, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước trong tương lai, tôi, anh Trịnh Vĩnh Pha, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội, cùng các chuyên gia giáo dục sớm đã đề xuất với Hội cho thành lập Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người (Institute ò Education for human Potential Development – IPD). Bác Vũ Oanh và tập thể Ban Thường vụ Trung ương Hội rất tâm đắc với chức năng, nhiệm vụ của Viện. Bác đã ký Quyết định thành lập Viện và Quyết định bổ nhiệm các thành viên trong ban lãnh đạo của Viện. Ngày 09 tháng 11 năm 2011, Viện đã làm lễ ra mắt với sự chứng kiến của nhiều đại biểu, khách quý của các bộ, ngành, đoàn thể và tập thể Ban Thường vụ Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. Từ đó, Viện chúng tôi vinh dự được bác Vũ Oanh đồng ý nhận làm Chủ tịch danh dự của Viện. Bác đã có nhiều ý kiến chỉ đạo rất sâu sát, để tiến hành Chương trình giáo dục sớm cho trẻ em mầm non, đặc biệt là giáo dục chăm sóc trẻ dưới 3 tuổi, kể cả trong thời gian người mẹ mang thai. Ngày từ ngày đầu mới thành lập Viện, bác Vũ Oanh đã có bài viết đăng trên Báo Nhân dân với tiêu đề “Thực hiện giáo dục sớm từ 0 đến 6 tuổi – Bước đột phá để nâng cao chất lượng nòi giống và đào tạo nhân tài cho đất nước”, được dư luận rất quan tâm và đồng tình. Bác cũng đã chỉ đạo chúng tôi viết bài và viết sách, để bác đích thân gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Mỗi lần có dịp tham dự họp, làm việc với các bộ, ngành, Bác đều nói về tầm quan trọng của Giáo dục sớm với tương lai của Nhân dân ta, nòi giống dân tộc ta. Bác đã nói “Việt Nam đã đi sau rất xa so với thế giới trong lĩnh vực chăm sóc và giáo dục trẻ em theo các phương pháp khoa học tiên tiến. Vì vậy, chúng ta cần có một giải pháp sáng tạo, cách làm riêng nhằm rút ngắn thời gian để Việt Nam vượt lên, có được các sản phẩm, mô hình giáo dục sớm trẻ em tiên tiến, đẳng cấp quốc tế, góp phần có hiệu quả vào việc nâng cao chất lượng nòi giống, bồi dưỡng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, để trong vòng vài chục năm sau, chúng ta có được một thế hệ công dân Việt Nam có chất lượng cao, có trí lực và thể lực vượt trội, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, đưa đất nước ta cùng sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong đợi”.

 Tôi và các chuyên gia của Viện vô cùng vinh dự và ngưỡng mộ bác Vũ Oanh, khi bác đi cùng chúng tôi đến gặp các đồng chí bí thư, chủ tịch một số tỉnh, thành phố, như Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh, để vận động tổ chức thực hiện Dự án nghiên cứu xây dựng mô hình Giáo dục sớm tại cộng đồng và tổ chức Hội thảo nâng cao nhận thức cho cán bộ các ngành, ban, đoàn thể xã hội về tầm quan trọng của giáo dục sớm đối với tương lai của đất nước. Tôi nhớ, khi làm việc ở tỉnh Thanh Hóa, bác nói với các đồng chí lãnh đạo tỉnh “Tôi đưa giáo dục  sớm về đây, vì mảnh đất này đã có nhiều kỷ niệm với tôi trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp và Thanh Hóa là nơi luôn sẵn sàng tiên phong thực hiện những cái mới và đã thành công”. Nhờ đó, Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người, đã thực hiện thành công ở đây Dự án Xây dựng Câu lạc bộ cộng đồng giáo dục sớm và là nơi Viện chúng tôi thành lập được cơ sở chuyển giao công nghệ giáo dục sớm đầu tiên trong cả nước, đó là Trung tâm Giáo dục phát triển tiềm năng con người IPD1. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi tham dự Hội thảo, bác bị ốm, phải vào bệnh viện cấp cứu. Chúng tôi mừng Hội thảo đã thành công, nhưng vô cùng lo lắng khi sức khỏe bác bị giảm sút. Rất may, sau mấy ngày, bác được ra viện và trở về Hà Nội an toàn. Nhờ có uy tín của bác, tôi đã có cơ hội trình bày về Giáo dục sớm với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và ở nhiệm kỳ II của Hội, tôi cũng đã được báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng nói: “Đồng chí Vũ Oanh đã chuyển tài liệu về Giáo dục sớm cho tôi đọc và tôi ủng hộ việc làm của Viện và Hội”. Thủ tướng đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam để triển khai nội dung này.

Để chuẩn bị có người thay thế bác Vũ Oanh làm Chủ tịch Hội ở nhiệm kỳ II, bác đã thăm dò các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, để mời tham gia Hội và bác rất vui thông báo với Ban Thường vụ Hội nhiệm kỳ I là đã mời được đồng chí Nguyễn Hồng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận lời về làm Chủ tịch Hội. Bác nói “Tôi rất yên tâm khi anh Nguyễn Hồng Quân đã nhận lời về làm Chủ tịch Hội và tin tưởng rằng Hội ngày càng vững mạnh”. Sau khi bác thôi hoạt động Hội, nhưng bác vẫn luôn gọi điện thoại cho tôi. Mỗi lần gọi, bác lại hỏi “Đồng chí Kỳ Anh đó à? Có khỏe không?” và sau khi nghe tôi trả lời “Dạ, em chào anh, thưa anh, em khỏe ạ” thì bác mới bắt đầu bàn đến công việc của Viện và của Hội. Những dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, ngày tết, anh em trong Viện được đến nhà riêng chúc mừng bác. Bác vui lắm và luôn nhắc chúng tôi “Phải tiếp tục lan tỏa giáo dục sớm, để con em Nhân dân được hưởng nền giáo dục tiên tiến, văn minh của thời đại, xứng đáng là con cháu của Bác Hồ kính yêu”. Bác hướng dẫn cho chúng tôi bài tập thể dục buổi sáng, mà bác đã kiên trì tập luyện hàng chục năm nay và nhờ vậy sức khỏe thể chất và tinh thần của bác mới được như thế này. Chúng tôi được ngồi cạnh bác, được chụp ảnh cùng bác và cầu mong bác trường thọ ngoài 100 tuổi! Bác vui lắm! Tuy sức khỏe yếu dần, nhưng lần nào bác cũng tiễn chúng tôi ra về. Ngày bác Vũ Oanh đi xa, trong lễ tang bác, thay mặt Viện, tôi ghi vào sổ tang mấy dòng ngắn ngủi đầy nước mắt đau thương “Các em, các cháu Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người – IPD vô cùng thương tiếc và biết ơn sâu sắc anh/ bác Vũ Oanh – Người cha tinh thần của Giáo dục sớm Việt Nam, Chủ tịch danh dự của Viện đã yên nghỉ. Cầu mong anh/bác an lạc ở cõi vĩnh hằng! Nhớ anh/bác vô cùng! Kính”.

Để xứng đáng với tình thương yêu của bác, niềm tin của bác với Giáo dục sớm, trong 13 năm qua, Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người ngày một trưởng thành và đạt được nhiều thành tích trong các hoạt động đổi mới và sáng tạo, góp phần thực hiện đổi mới giáo dục mầm non ở nước ta.

Tôi viết bài này để bày tỏ lòng tri ân và báo công đến Bác Vũ Oanh, Chủ tịch đầu tiên của Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, Chủ tịch danh dự của Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người – Người đã luôn truyền lửa nhiệt tình và sự say mê cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nói chung và sự nghiệp giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng nói riêng, đến các thế hệ tiếp nối hoạt động trong Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam và ở Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người.

Kính gửi bác bài viết này như một nén nhang thơm, một lẵng hoa tươi thắm dâng lên anh linh bác nhân dịp sắp đến ngày Giỗ đầu của bác Vũ Oanh kính yêu và Kỷ niệm 15 năm Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam!

  PGS.TS.NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh 

Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD)

comment Bình luận

largeer