Bài 2: Viện thẩm mỹ Helen Swiss Cells có đang coi thường pháp luật và đe dọa phóng viên?

Sau bài báo phản ánh về dịch vụ "truyền trắng" không phép của Viện thẩm mỹ Helen Swiss Cells, phóng viên nhận được tin nhắn hàm ý đe dọa.
15/03/2023 16:03

Như Sức Khỏe Cộng Đồng đã đưa trong bài: “Viện thẩm mỹ Helen Swiss Cells tư vấn thực hiện dịch vụ không được cấp phép” liên quan đến việc Viện thẩm mỹ Helen Swiss Cells đang quảng cáo, tư vấn thực hiện phương pháp truyền trắng qua tĩnh mạch tại cơ sở khi chưa được Sở Y tế Hà Nội cấp phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Empty

Những lời quảng cáo "có cánh" về truyền trắng của Viện thẩm mỹ Helen Swiss Cells

Sau khi bài viết đăng tải, theo ghi nhận Viện thẩm mỹ Helen Swiss Cells vẫn đang quảng cáo rầm rộ, tràn làn về dịch vụ ‘truyền trắng’ trên các Website: http://helenswisscells.com/, https://swissrevitalisation.vn/ và trang Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100085419893182.

Để làm rõ và tiếp tục có thêm thông tin liên quan đến phương pháp truyền trắng qua đường tĩnh mạch. Sau nhiều lần liên hệ với Viện thẩm mỹ Helen Swiss Cells thì chúng tôi nhận được lịch hẹn làm việc từ số điện thoại 0963699999. Ngày 8/3/2023, tại Viện thẩm mỹ Helen Swiss Cells địa chỉ số 19 phố Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Phùng Quang Thảo – Giám đốc và ông Tuấn Anh – Phó Giám đốc Công ty TNHH Helen Swiss Cells Việt Nam.

Empty

Trên Facebook của Viện thẩm mỹ Helen Swiss Cells đăng tải tràn lan những video truyền trắng trực tiếp tại cơ sở

Trong buổi làm việc ngày 8/3/2023, khi phóng viên đề cập đến giấy phép lưu hành và các văn bản chứng minh sự an toàn, hiệu quả… của sản phẩm dùng để "truyền trắng" như đơn vị này đã quảng cáo, ông Tuấn Anh cho biết: "Hiện tại tôi vẫn chưa thể cung cấp được cụ thể và chính xác nhất thông tin, tôi sẽ trả lời trong buổi làm việc tiếp theo".

Ngoài ra, trong buổi làm việc ông Tuấn Anh cũng đã thừa nhận đơn vị này hiện tại vẫn chưa được Sở Y tế Hà Nội cấp phép là phòng khám, chưa được phép thực hiện các dịch vụ khám, chữa bệnh.

Tiếp đó, ngày 10/3/2023 phóng viên tiếp tục liên lạc với số điện thoại: 0963699999 trao đổi các nội dung còn chưa rõ tại buổi làm việc trước đó như ông Tuấn Anh đã trao đổi. Nhưng người này tỏ ra không có thiện chí hợp tác, không muốn trao đổi thông tin với báo chí. Đặc biệt, phóng viên đã nhận được tin nhắn từ số điện thoại này với hàm ý đe dọa: “Chúng mày đừng để tao cho người săn tìm chúng mày! Đừng trêu điên tao lên!”.

Picture11

Nội dung tin nhắn ngày 11/3/2023 (ảnh chụp màn hình)

Căn cứ Điều 9 Luật Báo chí 2016, thì những hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp… đều là những hành vi bị nghiêm cấm.

Trước những thông tin trên, để bảo vệ sự an toàn của phóng viên, chúng tôi đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận Hai Bà Trưng nhanh chóng vào cuộc làm rõ vụ việc và có biện pháp xử lý.

Các cơ sở làm đẹp, spa, thẩm mỹ viện hoạt động dịch vụ “chui” là những cơ sở thẩm mỹ hoạt động không có giấy phép, hoặc có giấy phép nhưng thực hiện dịch vụ làm đẹp vượt phạm vi chuyên môn, không tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành. Tùy theo mức độ vi phạm, spa, thẩm mỹ viện “chui” có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 9 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP).

Theo đó, về trách nhiệm của cơ sở thẩm mỹ, việc cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trái phép có thể bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng, đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 - 24 tháng.

Ngoài ra, hành vi thực hiện dịch vụ thẩm mỹ nếu gây ra các biến chứng nghiêm trọng, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì nhân viên trực tiếp thực hiện phẫu thuật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo quy định tại Điều 315 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 và có thể phải đối diện với mức phạt cao nhất lên tới 15 năm tù.

Nhóm PV

comment Bình luận

largeer