Bài thuốc điều trị bệnh từ gừng (phần 1)

Gừng là món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Gừng không chỉ là loại gia vị quen mặt trong các món ăn, mà còn là nguyên liệu xuất hiện thường xuyên trong các bài thuốc của y học cổ truyền.
24/04/2024 17:39

Đông y cho rằng, gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng phát biểu, tán hàn, ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc.

Các thầy thuốc của y học cổ truyền quan niệm: Tứ mùa ăn gừng đều phòng được bệnh, tuy nhiên ăn gừng vào mùa hè là tốt nhất. Bởi vậy mới có câu nói nổi tiếng: "Mùa đông ăn củ cải, mùa hạ ăn gừng sẽ không bao giờ bị bệnh”. Gừng còn có tên gọi là Khương - Zingiber officinale Roscoe, thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).

Từ lâu, gừng trở thành hương liệu ẩm thực nổi tiếng trên khắp thế giới, đồng thời là một trong những vị thuốc quan trọng của y học cổ truyền ở nhiều quốc gia.

Trong Y học cổ truyền, sử dụng gừng để chữa bệnh dưới nhiều dạng khác nhau như gừng tươi (sinh khương), gừng khô (can khương), tiêu khương (gừng khô thái lát dày, sao sém vàng, đang nóng vẩy vào ít nước, đậy kín, để nguội), bào khương (củ gừng đồ cho chín rồi để trong mát cho đến khô, sao lửa to cho xém đen) hoặc thán khương (gừng khô thái lát dày, sao cháy đen tồn tính), sinh khương bì (vỏ gừng tươi, phơi khô).

Gừng tươi có vị cay, tính hơi ấm, có tác dụng chống lạnh, tiêu đàm, chặn nôn, giúp tiêu hóa. Gừng khô vị cay nóng, tính hàn. Gừng nướng có vị cay ấm, chữa đau bụng lạnh dạ đi ngoài. Vỏ gừng tiêu phù thũng.

GUNG

(Ảnh minh họa: Dongy)

Những bài thuốc trị bệnh từ gừng

Bài thuốc 1: Phòng trị cảm mạo, phong hàn

Chuẩn bị: Gừng tươi băm nhuyễn, đường đen. Mỗi thứ vừa đủ, hãm với nước sôi để uống.

Bài thuốc 2: Cảm lạnh sợ rét, người đau mỏi, không ra mồ hôi

Chuẩn bị: Gừng tươi 10g, kinh giới 10g, lá chè 6g, tía tô 10g, đường đỏ 30g. Tất cả cho vào ấm, đổ vừa nước. Đun sôi 15-20 phút rồi cho đường đỏ vào, hòa tan. Uống khi còn nóng, ngày 2 lần.

Bài thuốc 3: Cảm cúm lây nhiễm, đau đầu phát sốt, sợ lạnh, không ra mồ hôi, buồn nôn

Chuẩn bị: Gừng tươi 15g, tỏi 6 nhánh, đường một ít. Cho cả 3 thứ này vào sắc nước uống, tranh thủ uống lúc nóng, uống xong lên gường nằm đắp chăn kín. Mỗi ngày uống 1 thang như trên. Tác dụng giải cảm.

Hoặc là:

Gừng tươi 15g, hành củ 15g, trứng gà 2 quả. Cho gừng hành vào nấu đến khi sôi thì đập trứng gà vào. Ăn nóng xong nằm đắp chăn cho ra mồ hôi.

Bài thuốc 4: Giải độc, trị giun chui ống mật

Trước hết, cho người bệnh uống giấm thanh, độ 10ml, một lát sau cho uống nước cốt của gừng, độ 10ml.

Bài thuốc 5: Hen suyễn mãn tính, người suy hô hấp, thở gấp

Chuẩn bị: Đào nhân 30g, hạnh nhân 15g.

Nghiền nát đào nhân và hạnh nhân, trộn với nước gừng, mật ong liều lượng thích hợp cho ăn. Dùng tốt cho người suy hô hấp, thở gấp, hen suyễn mạn tính.

Bài thuốc 6: Dầm mưa bị hạ đường huyết

Nếu phải dầm mưa dãi gió nhiều, bị hạ đường huyết, bủn rủn chân tay, toát mồ hôi, chân không đứng vững chỉ cần một nhánh gừng nhỏ đập giập vào cốc nước đường uống ấm.

Bài thuốc 7: Trị co thắt ống tiêu hoá do lạnh

Chuẩn bị: Gừng tươi vừa đủ (cắt lát), đại táo 10 quả, sắc uống.

Bài thuốc 8: Hen suyễn nhiều đờm

Chuẩn bị: Gừng tươi 3 lát, hạt tía tô (sao) 10g, hạt rau cải trắng (sao) 10g, hạt đình lịch (sao) 6g. Tất cả tán bột, uống trước khi lên cơn, mỗi lần 1 thìa cà phê.

Chú ý: Tăng hoặc giảm liều tùy bệnh lâu mau, người khỏe hay yếu.

Bài thuốc 9: Trúng hàn

Các trường hợp trúng hàn, tức hàn nhập vào phần lý, nhập sâu vào phần dinh, phần huyết, vào tạng phủ. Biểu hiện: dương khí thoát, người lạnh toát, chân tay co quắp, đờm bít tắc cổ họng, nặng thì không nói được.

Chuẩn bị: Can khương 5g, phụ tử (chế) 10g, cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài thuốc 10: Trị ho có đàm loãng do lạnh

Chuẩn bị: Gừng tươi 15g (cắt lát), thêm mật ong 40ml sắc uống.

Bài thuốc 11: Nôn khan

Chuẩn bị: Nước gừng tươi, nước mía, hai thứ lượng bằng nhau, trộn đều, hâm nóng, uống.

Bài thuốc 12: Phụ nữ có thai, bị đau bụng, tiêu chảy

Chuẩn bị: Gừng nướng khô tán bột, uống mỗi lần 12g với cháo.

Bài thuốc 13: Khó tiêu, chán ăn, trúng lạnh

Chuẩn bị: Chỉ cần một nhánh gừng băm nhỏ với 2 – 3 củ sả, 1 quả ớt (chín hoặc xanh đều được) gia vị vừa đủ đánh lẫn với trứng gà, vịt, tráng hoặc hấp cơm. Ăn liên tục 2 – 3 ngày.

Bài thuốc 14: Trị sản hậu suy nhược, đau bụng râm râm

Chuẩn bị: Gừng tươi 10g (cắt lát), đương quy 60g, thịt dê 100g. Nấu canh.

Bài thuốc 15: Ho do cảm lạnh, nhiều đờm, nhức mỏi, sợ lạnh

Chuẩn bị: Gừng tươi 15g, hành 6 củ, củ cải 1 củ. Củ cải sạch thái miếng cho vào nồi, đổ 3 bát nước sắc còn 2 bát, cho gừng và hành đã thái vào sắc tiếp còn 1 bát. Ăn và uống khi còn nóng.

Bài thuốc 16: Trị đau dạ dày, ruột, đau bụng tiêu chảy do lạnh

Chuẩn bị: Gừng tươi cắt lát đặt ngay rốn, thêm ngải cứu ở trên đốt hơn 5 phút.

Bài thuốc 17: Hen suyễn lâu, thở dốc, thở khò khè

Chuẩn bị: Gừng tươi 250g, bán hạ 120g, phèn chua 60g, đường đỏ 250g.

Gừng rửa sạch thái lát, bán hạ và phèn chua tán nhỏ. Cho gừng vào bát, rắc bột bán hạ, phèn chua lên, đem hấp để cho thuốc ngấm vào gừng; cứ rắc như thế từ 8-9 lần cho hết bột. Sau khi hấp chín đem gừng nghiền nhỏ rồi cho đường vào trộn đều, cho vào lọ dùng dần. Mỗi ngày uống 6g, vào sáng và tối.

Chú ý: Trẻ em dưới 5 tuổi uống từ 0,5-1,5g.

Bài thuốc 18: Tăng sinh lý phái nam

Chuẩn bị: Hãy sử dụng gừng làm gia vị nấu ăn hàng ngày.

Hoặc là: Lấy gừng tươi ép lấy 1 thìa nước cốt trộn chung với 2 thìa mật ong và 1 đến 2 quả trứng luộc dùng ăn hằng ngày.

Chú ý:

- Thời điểm sử dụng tốt nhất vào buổi tối trước khi “yêu” khoảng 30 phút sẽ thấy rõ tác dụng.

- Dùng bài thuốc này thường xuyên sẽ giúp cải thiện chứng xuất tinh sớm và khả năng sinh lý của nam giới.

Ngoài ra, tăng cường sử dụng các đồ ăn thức uống chế biến từ gừng cũng là cách tốt nhất để tăng cường sinh lý nam mạnh mẽ và ổn định hơn.

Bài thuốc 19: Lạnh rét

Nếu vừa ngâm mình dưới nước lâu, lạnh rét, nhấm một miếng gừng nhai rồi chiêu với một cốc nước nóng, người sẽ ấm lên.

Bài thuốc 20: Dùng đắp chỗ chấn thương, té ngã

Chuẩn bị: Gừng tươi vừa đủ, băm nhuyễn trộn với bột mì dạng hồ, thêm rượu trắng để chế biến.

Bài thuốc 21: Ho lâu ngày không khỏi

Chuẩn bị: Gừng tươi, trần bì, thần khúc, 3 thứ lượng bằng nhau. Các vị sấy khô tán nhỏ, trộn mật ong giã nhuyễn làm viên bằng hạt đậu xanh. Tối trước khi đi ngủ uống 30-50 viên với nước ấm.

Bài thuốc 22: Trị trúng gió

Lấy gừng để đánh gió cũng có tác dụng bởi gừng tính ấm, việc đánh gió bằng gừng giúp người bệnh gia tăng sức đề kháng, mau hết bệnh.

Bài thuốc 23: Nhức răng

Chuẩn bị: Gừng tươi 1 lát, đặt và cắn ngay tại răng đau, giây lát sẽ giảm đau.

Bài thuốc 24: Sốt rét cách nhật

Chuẩn bị: Gừng tươi 50g, đậu đỏ 100g, táo tàu 10 quả, trần bì 5g, cá chép 1 con. Làm sạch cá chép. Thuốc và cá cho vào nồi, nước vừa đủ, thêm chút muối đun chín nhừ. Ăn cá và uống nước thuốc.

Bài thuốc 25: Đau khớp gối

Đau khớp gối (khớp gối sưng to, đau, đi lại khó).

Chuẩn bị: Nước gừng tươi nửa bát, bồ kết bỏ hạt 1 quả, mang tiêu 30g, ngũ vị tử 30g, rượu 1 lít. Các vị thuốc nghiền nhỏ, cho nước gừng vào trộn đều rồi lại cho rượu vào trộn tiếp, bôi chỗ đau.

Bài thuốc 26: Lội nước bị cảm lạnh

Lấy một nhánh gừng giã với tóc rối, trộn với rượu bọc vào miếng vải thưa, đánh gió. Khi đánh gió nhớ đánh xuôi từ trên xuống và tránh các hạch bạch huyết (mang tai, nách, háng, bên trong khuỷu tay, kheo chân) sẽ nhanh chóng được giải cảm.

Chú ý: Nếu có đồng tiền bạc cổ hoặc trang sức bằng bạc gói lẫn vào thì càng tốt. Bạc sẽ thu liễm các axít độc ra khỏi cơ thể (đồng tiền bạc bị chuyển màu đen) người sẽ càng nhanh khỏi...

Bài thuốc 27: Trị đau khớp

Chuẩn bị: Hàng ngày ngậm gừng tươi lát 5g, hay bột gừng phơi khô 1,5g, dùng trong 3 tháng. Cơn đau và hoạt động của khớp được cải thiện thấy rõ. Giúp giảm tình trạng khớp sưng đau, kéo căng. Có thể dùng nước gừng tươi thoa tại chỗ, phòng trị đau khớp do phong thấp.

Bài thuốc 28: Nấc liên tục

Chuẩn bị: Gừng tươi 30g, mật ong 30g.

Gừng giã vắt lấy nước cho mật ong vào trộn đều thêm ít nước ấm, uống.

Bài thuốc 29: Trị đau dạ dày do lạnh

Chuẩn bị: Gừng tươi rửa sạch cắt lát, ngâm trong giấm một ngày đêm. Khi dùng, lấy gừng tươi lát vừa đủ thêm đường thẻ, nước sôi hãm, dùng thay trà.

Bài thuốc 30: Đầy bụng, tiêu hoá kém

Chuẩn bị: Gừng tươi 10g, hành củ 10g, chè xanh 5g, ngô thù du 5g. Sắc 2 lần hòa chung nước, uống.

Bài thuốc 31: Cổ gáy đau

Cổ gáy đau do tư thế ngủ, do cảm gió gây cứng đơ khó cử động.

Chuẩn bị: Gừng tươi 12g, cát căn 20g, bồ công anh 20g. Tất cả giã nát nhuyễn cho ít rượu trộn đều sền sệt đắp chỗ đau.

Bài thuốc 32: Bị cảm lạnh

Bị cảm lạnh, bất tỉnh nhân sự, miệng sùi bọt mép, chân tay không co duỗi được.

Chuẩn bị: Nước cốt gừng (khương trấp) 1 chén nhỏ, nước vòi măng tre (trúc lịch) 2 chén nhỏ. Hòa cùng nhau uống (Nam dược thần hiệu).

Bài thuốc 33: Trị thủy thũng, bế niệu

Chuẩn bị: Vỏ gừng tươi, vỏ bí đao, vỏ rễ cây dâu mỗi thứ vừa đủ, sắc uống.

Bài thuốc 34: Đau dạ dày kèm nôn

Chuẩn bị: Gừng tươi 100g, sa nhân 5g. Gừng rửa sạch giã nát vắt lấy nước, cho sa nhân vào, thêm nửa bát nước đem hấp 30 phút. Uống nóng.

Bài thuốc 35: Tiêu chảy do nhiễm lạnh

Chuẩn bị: Gừng tươi 3 lát, lá ngải cứu 1 nắm. Hai thứ rửa sạch cho vào ấm sắc uống khi còn nóng. Ngày 1 thang.

Bài thuốc 36: Trị bệnh cảm nóng, cảm lạnh cảm gió hoặc sốt

Chuẩn bị: 7 lát gừng tươi, 7 củ hành, một bát nước sắc, uống nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi.

Bài thuốc 37: Phòng ngừa sự hình thành của sỏi túi mật

Chuẩn bị: Gừng tươi có tác dụng lợi mật rất mạnh. Giúp làm giảm hàm lượng đạm dính trong mật. Ăn nhiều gừng giúp phòng ngừa sự hình thành của sỏi túi mật.

Bài thuốc 38: Huyết áp cao

Chuẩn bị: Gừng tươi 3g, ngô thù du 30g, rượu trắng một ít. Cả hai giã nhỏ cho rượu trắng vào rồi đem sao nóng, trước khi đi ngủ đắp vào huyệt dũng tuyền ở 2 lòng bàn chân. Tác dụng thanh nhiệt hạ huyết áp.

Hoặc là: Khi huyết áp tăng cao đột ngột, có thể dùng nước gừng tươi nóng ngâm chân khoảng 15 - 20 phút. Nước gừng nóng mặc dù tiếp xúc bên ngoài chân nhưng thông qua các huyệt đạo ở lòng bàn chân sẽ khiến huyết quản giãn nở, theo đó, huyết áp sẽ từ từ hạ xuống.

Bài thuốc 39: Trị bệnh mất ngủ, tốt cho tiêu hoá và hô hấp

Chuẩn bị: Thái lát 200g gừng tươi cả vỏ. Đổ khoảng 500ml nước vào đun sôi 5 phút, có thể cho thêm thìa đường phèn để giúp dễ uống. Rồi đun tiếp khoảng 10 phút cho tan đường.

Lưu ý: Không uống nước gừng này vào buổi tối, sẽ gây mất ngủ.

Bài thuốc 40: Trị mất ngủ

Thái lát gừng và xoa vào lòng bàn chân. Gừng có vị cay tính ấm giúp kích thích lưu thông khí huyết, đả thông huyệt đạo. Tác động vào lòng bàn chân giúp rất dễ ngủ.

Hoặc là: Ngoài xoa bóp, có thêm gừng xao vào giúp nóng nhanh hơn nên hiệu quả nhanh hơn. Khi ngủ thì đặt vài miếng gừng dưới gối giúp thư giãn tinh thần và dễ ngủ hơn.

Hoặc là: Gừng tươi thái lát hoặc đập dập, đun sôi, có thể thêm chút muối hoặc dấm để ngâm chân vào buổi tối trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng.

Bài thuốc 41: Trị dạ dày

Dạ dày đầy cứng, ăn uống không ngon, cồn cào, oẹ mửa

Chuẩn bị: Gừng khô (can khương), giềng ấm (lương khương). Hai thứ bằng nhau, sắc uống. Tán bột, khuấy hồ làm viên bằng hạt ngô uống dần, lần đầu 15 viên, lần sau 20 viên.

Bài thuốc 42: Trị đau khớp do phong thấp

Chuẩn bị: Gừng tươi, đầu hành mỗi thứ vừa đủ, băm nhuyễn, xào nóng, dùng vải bọc lại, thoa nóng tại chỗ. Sau khi nguội, thay mẻ khác, một ngày 3 lần.

Bài thuốc 43: Trúng gió méo miệng

Chuẩn bị: Nước gừng một ít, thiên nam tinh tươi vừa đủ. Hai thứ trộn đều, giã đắp.

Chú ý: Méo mồm lệch bên trái thì đắp bên phải và ngược lại.

Bài thuốc 44: Lở loét khoang miệng

Chuẩn bị: Dùng nước gừng tươi thay trà để uống và súc miệng thường xuyên, khoảng 2 - 3 lần mỗi ngày, sẽ có tiến triển tốt.

Bài thuốc 45: Nếu cảm mà mình nóng, muốn nôn

Chuẩn bị: Gạo nếp (1/3 bát) sao vàng, gừng 1 củ đập giập. Nấu cháo ăn nóng bất kể giờ giấc.

Bài thuốc 46: Ngộ độc

Ngộ độc do cá, tôm, cua… nếu xuất hiện các triệu chứng nôn ói, đau bụng tiêu chảy.

Chuẩn bị: Gừng tươi 30g, lá tía tô 30g, thêm đường thẻ vừa đủ sắc uống, một ngày 2 lần dùng sạch, giúp giải độc. Nếu ngộ độc do ăn khoai, miệng lưỡi tê rần thì lập tức ngậm nhai gừng tươi giúp trì hoãn bệnh trạng, sau đó đến bệnh viện cấp cứu.

Bài thuốc 47: Trúng gió cấm khẩu

Chuẩn bị: Gước gừng, trúc lịch (nước đọt tre non) hai thứ lượng bằng nhau; thiên ma 12g, khương hoạt, phòng phong, nhục quế, cam thảo, mỗi vị 6g. Tất cả cho vào ấm sắc uống ngày 2 lần vào sáng và tối.

Hoặc là: Dịch cốt gừng tươi 12g, kinh giới 12g (sắc nước riêng, khoảng 12ml), trúc lịch 6ml (lấy măng vòi hơ nóng, vắt lấy nước), rượu trắng 6ml. Trộn đều 4 dịch trên, dùng thìa cho người bệnh uống.

Bài thuốc 48: Trị ho lâu ngày cho trẻ

Chuẩn bị: Nấu nước gừng, chọn gừng già 200 gram, giã nát gừng với 2-3 lít nước, sau đó pha với nước lạnh, còn ấm và tắm cho trẻ, cho trẻ ngâm cả người (cho trẻ nằm hay bế đỡ lưng cho con để ngâm đến qua phần ngực luôn) trong nước trong vòng 5 – 7 phút. Sẽ có tác dụng giải cảm, trị ho lâu ngày rất tốt.

Bài thuốc 49: Thông kinh hoạt huyết, khử phong tán hàn, trừ tê thấp

Chuẩn bị: Nước gừng tươi, nước hành, nước tỏi, nước lá hẹ, dầu vừng, mỗi thứ 120g, nước lá ngải cứu 30g, rượu trắng 600g.

Trước tiên cho nước gừng, hành, tỏi, hẹ, lá ngải vào ấm, trộn đều, rồi cho rượu trắng vào đun to lửa cho sôi. Sau đó rót dầu vừng vào, khuấy đều, rồi đun nhỏ lửa, cho đến khi thật sánh, cho thêm ít tùng hương, hồng đơn vào khuấy đều thành cao, cho vào lọ dùng dần. Khi dùng phải hâm nóng, bôi vào khăn đắp vào chỗ tê, đau. Cứ 1 - 2 ngày thay 1 lần.

Bài thuốc 50: Đắp vết thương chảy máu

Chuẩn bị: Gừng tươi giã nát băng vào vết thương, vừa chống nhiễm khuẩn, nhanh lên da non và không để lại sẹo lồi, lõm.

Bài thuốc 51: Thiếu máu sau khi bệnh, người gầy yếu

Chuẩn bị: Nước gừng tươi 20ml, thịt lươn 150g, gạo tẻ 100g. Lươn làm sạch bỏ xương thái nhỏ, trộn nước gừng. Gạo tẻ vo sạch nấu cơm, khi cơm cạn nước cho thịt lươn rắc lên trên mặt, đun chín, khi ăn thêm gia vị.

Bài thuốc 52: Viêm nha chu

Thường xuyên dùng nước trà gừng tươi nóng để súc miệng hoặc uống đều có hiệu quả chữa trị bệnh viêm nha chu. Nên uống hoặc súc miệng mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và tối.

Bài thuốc 53: Bị cảm, miệng lập cập, tay run rẩy không cầm nắm gì được

Chuẩn bị: Gừng khô (can khương) 1 phần (khoảng 3g), nhục quế (cạo bỏ vỏ) 2 phần, thạch hộc 6 phần, ngưu tất 8 phần, ngũ gia bì 10 phần. Đun với 2 bát nước lấy 1 bát (8 phân).

Bài thuốc 54: Phòng trị chứng hôi nách

Chuẩn bị: Dùng gừng tươi chà xát ngay hố nách, ngày 1-2 lần.

Bài thuốc 55: Trúng hàn dẫn đến thổ tả

Chuẩn bị: Lấy gừng nướng khô tán bột, ăn mỗi lần 12g với cháo.

Bài thuốc 56: Trị cảm, ho, khó thở

Chuẩn bị: 7 lát gừng tươi, một thìa trà tầu, một quả chanh tươi, một thìa rượu mạnh, một thìa mật ong. Sắc uống.

Bài thuốc 57: Bí tiểu

Chuẩn bị: Gừng tươi 1 lát, ngải cứu 3-6g. Gừng đặt dưới rốn 4-5cm, trên đặt lá ngải cứu đã hơ nóng, làm nhiều lần đi tiểu được.

Hoặc là: Sử dụng điếu ngải cứu đốt cháy như điếu thuốc rồi hơ nóng trên gừng.

Bài thuốc 58: Phụ nữ sau sinh

Phụ nữ sau khi đẻ bị cảm lạnh, khí huyết ứ trệ, đầy bụng, mặt nặng, chân lạnh. Trường hợp đau bụng dữ dội do hàn, đau lan ra lưng, sườn.

Chuẩn bị: Sinh khương 8g, ngải diệp 12g, quế chi 12g, giấm ăn 15ml, sắc uống.

Chú ý: Khi sử dụng gừng, cần lưu ý do tính có nóng, vị đắng, cay nên các bệnh thuộc chứng âm hư nội nhiệt, mắt đỏ họng lở loét, ho hen do sởi nhiệt, thai sản bị đầy trướng đều không nên dùng gừng.

- Ăn gừng lâu sẽ tích nhiệt, làm tổn âm hại mắt, gây biểu hư (da kém) dễ đổ mồ hôi, ra mồ hôi trộm. Dùng gừng tươi giã nhỏ đắp ngoài da nhất thiết phải bôi thêm mỡ lợn hoặc kem dưỡng ẩm lên chỗ da rồi mới đắp để tránh tổn thương do nóng bỏng.

- Gừng là loại gia vị tính tân ôn. Do đó không hợp dùng lượng nhiều, dùng dài ngày vì có thể làm tổn thương phế khí.

- Người có tạng nóng, hay lở miệng, táo bón… không nên tiêu thụ gừng vì có thể khiến tình trạng nặng hơn.

- Gừng hư thối có thể tạo ra độc tố vì vậy không nên dùng.

- Gừng tốt nhất chỉ nên dùng vào ban ngày, lúc này khí trong dạ dày nhiều, ăn một chút gừng vào sẽ kiện tì ôn vị, khích lệ cho dương khí bốc lên, đem lại tác dụng tăng cường và thúc đẩy tuần hoàn máu, tốt cho tiêu hóa.

- Lượng gừng tươi nên dùng mỗi ngày được khuyến cáo là ít hơn 5gr, các đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai, người bị cao huyết áp, tiểu đường.

Lưu ý: Những bài thuốc trên đây chỉ là những bài thuốc căn bản, nó còn tùy thuôc vào giai đoạn, thể trạng và vị trí đau của mỗi người khác nhau. Do đó, tốt nhất bệnh nhân nên liên hệ trực tiếp với ông Rum qua trang cá nhân để được tư vấn và kê đơn cho phù hợp với tình trạng bệnh của bản thân.

Đối với những bệnh nhân nghèo, không có điều kiện để điều trị, có thể liên lạc với địa chỉ dưới đây để được bốc thuốc hoàn toàn miễn phí:

Địa chỉ nơi khám 1: Trụ trì Chùa Pháp Tạng Thầy Thích Trí Tuệ cũng là Thầy thuốc.

Phòng thuốc nam từ thiện "Thiện Pháp"

Địa chỉ: C3/8 Lê Đình Chi, xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (028) 3877 3777 - 0918.270.732 - 0912120412

Địa chỉ nơi khám 2: Lương y Nguyễn Văn Tư (còn gọi là Thầy Tư Ngoan) - Trưởng Phòng khám từ thiện Hương Sen.

Địa chỉ: Số 188 ấp Vĩnh Bảo, xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Điện thoại: 0976636304 - 0905931109

Địa chỉ nhà trọ 1:

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=2713370755341588&id=100000060709416

Địa chỉ nhà trọ 2:

https://www.facebook.com/groups/507402229444333/permalink/2295667667284438/

Nên liên lạc đặt giờ trước khi đến.

Góc sưu tầm tổng hợp và bổ sung
Ông Trần Văn Rum - Chuyên gia tư vấn cho bệnh nhân ung thư của nhóm "Chiến thắng ung thư"

comment Bình luận

largeer