Bạn có biết: Nọc độc ong có thể tiêu diệt tế bào ung thư

Nghiên cứu mới được công bố của một nhà khoa học Úc đã chỉ ra rằng, nọc độc của ong mật có tiềm năng lớn để trở thành thuốc điều trị ung thư vú.
04/09/2020 20:20

TS Ciara Duffy đến từ Đại học Tây Úc đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm tác động của nọc độc ong lên các loại ung thư vú khác nhau. Chuyên gia này cho biết, đây là lần đầu tiên, một nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này được thực hiện.

“Mục đích của tôi là tìm hiểu tác động của nọc độc ong mật, nhất là thành phần melittin chứa trong đó lên các loại tế bào ung thư vú khác nhau”, TS Ciara Duffy cho biết. 

Nhà khoa học này cũng chia sẻ thêm rằng, vì nọc độc ong có những tác hại lên cơ thể, nên cần có một phương pháp đặc biệt để đưa chúng vào người một cách an toàn nhất.

Trong nghiên cứu này, TS Ciara Duffy đã sử dụng nọc độc của 312 con ong mật, được thu thập tại Tây Úc, Ireland và Anh.

Lượng nọc độc này được thử nghiệm trên tế bào vú khỏe mạnh và các loại tế bào ung thư vú khác nhau. Song song với đó, các thí nghiệm cũng được lặp lại với một loại peptide mang điện tích dương có trong nọc độc ong mật mang tên melittin.

noc doc cua ong tri ung thu

Kết quả cho thấy, cả nọc độc ong mật và melittin có hiệu quả rõ rệt và nhanh chóng trong việc làm giảm số lượng tế bào ung thư vú.

“Với một hàm lược nọc độc ong mật chính xác, chúng tôi có thể khiến 100% các tế bào ung thư bị chết đi, trong khi đó tế bào khỏe mạnh lại chịu rất ít tác động. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan sát thấy rằng, melittin có thể phá hủy lớp màng của tế bào ung thư chỉ trong 60 phút” - TS Ciara Duffy phân tích.

Giải thích về điều này, theo TS Ciara Duffy, nọc độc ong cũng như melittin có thể ức chế các hóa chất làm nhiệm vụ truyền tín hiệu, vốn đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển và nhân đôi của tế bào ung thư.

“Chỉ trong vòng 20 phút, melittin đã có thể giảm đáng kể số lượng tín hiệu hóa học của tế bào ung thư. Để làm được điều này, melittin đã ức chế khả năng hoạt động của các thụ thể, vốn vẫn biểu hiện quá mức ở tế bào ung thư. Khả năng này cũng được quan sát thấy ở nọc độc ong mật” - TS Ciara Duffy cho hay.

Một điều quan trọng nữa, theo TS Ciara Duffy là melittin có thể được tổng hợp trong phòng thí nghiệm. Phiên bản nhân tạo này cũng cho thấy các đặc tính chống ung thư như melittin trong nọc độc ong.

Cùng với đó, vì melittin có khả năng tạo ra các lỗ nhỏ trên màng tế bào ung thư vú, nên nó rất có tiềm năng để phối hợp cùng các phương pháp điều trị ung thư sẵn có.

TS Ciara Duffy cho biết: “Những lỗ trên màng tế bào do melittin tạo ra cũng giống như cánh cửa giúp các loại thuốc điều trị thâm nhập sâu hơn vào bên trong. Chúng tôi đã thử phối hợp melittin và một số loại thuốc hóa trị trên chuột. Kết quả cho thấy hiệu quả điều trị tăng lên rõ rệt so với hóa trị liệu đơn thuần”.

comment Bình luận

largeer