Bảo quản thức ăn dịp Tết đúng cách để không bị ngộ độc thực phẩm

Vào dịp Tết, nhiều gia đình sẽ chuẩn bị thức ăn dôi ra để tiêu thụ trong những ngày Tết. Tuy nhiên, nếu bảo quản không đúng cách sẽ có thể gây ra ngộ độc thực phẩm, nguy hiểm đến sức khỏe con người.
09/02/2021 10:55

Trong dịp Tết, tủ lạnh là nơi bảo quản đồ của hầu hết tất cả mọi người. Tuy nhiên, việc quá nhiều thức ăn, để chung đồ ăn sống và chín trong đó cũng có thể gây ra ngộ độc thực phẩm nếu chúng ta không biết chế biến.

bao quan thuc an

Hình minh họa.

Các chuyên gia đã chỉ ra một số sai lầm khi bảo quản thức ăn trong tủ lạnh như:

Để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh: Các chuyên gia đã khuyến cáo chúng ta nên trữ thực phẩm ở trong tủ lạnh không quá 5 ngày, kể cả các thực phẩm đông đá như là các loại thịt, hải sản…, các loại rau xanh và hoa quả chỉ nên lưu lại ở trong ngăn mát tủ lạnh từ 4 đến 5 ngày. Bởi để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh có thể khiến chúng mất đi các chất dinh dưỡng, thậm chí còn là môi trường thuận lợi khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn.

Không đậy nắp đồ ăn thừa: không đậy nắp thức ăn mà để trong tủ lạnh thì thức ăn sẽ dễ dàng nhiễm các vi khuẩn kí sinh lan từ các loại thực phẩm với nhau gây nhiều bệnh nguy hiểm, là nguyên nhân gây ra các bệnh về đường tiêu hóa nếu chúng ta ăn phải.

Để đồ ăn đã rã đông vào lại ngăn đá:  Sau khi thịt dã đông, các tế bào của thực phẩm bị phá vỡ ít nhiều không còn được tươi ngon như là ban đầu. Sau khi chế biến, lúc ăn thừa, các bạn lại tiếp tục trữ đông tiếp thì các tế bào sẽ còn lại sẽ vẫn tiếp tục bị phá vỡ. Điều này là nguyên nhân khiến cho vi khuẩn sinh sôi thuận lợi hơn trong thực phẩm.

Để quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh cũng là một trong những sai lầm nhiều gia đình mắc phải. Tủ lạnh của bạn sẽ trở nên bừa bộn, đồ ăn sống chín để cùng nhau do diện tích tủ có hạn, là nguyên nhân dẫn đến các thực phẩm có thể nhiễm khuẩn chéo lẫn nhau.

Cách bảo quản thực phẩm đúng cách được khuyên dùng, đặc biệt là trong dịp Tết đã được các chuyên gia chỉ ra. Trả lời trên Lao động trước đó, bác sĩ Đinh Thị Kim Liên - Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng Bệnh viện Bạch Mai cho biết thực phẩm tươi sống trước khi đưa vào tủ lạnh cần làm sạch thực phẩm đấy. Phải sơ chế rau thật sạch giữ lại phần ăn được. Thực phẩm thịt rửa sạch để ráo nước.

Theo bác sĩ, chúng ta nên có kế hoạch về bữa ăn cụ thể để chuẩn bị thực phẩm. Dùng màng bọc thực phẩm kín, hoặc dập hút chân không để bảo vệ thực phẩm vì vi khuẩn phát triển trong môi trường không khí. Với thực phẩm chín cắt miếng, chia suất ra trước khi cho vào bảo quản.

Đồng thời, nên vệ sinh tủ lạnh một cách thường xuyên, bố trí thực phẩm trong tủ lạnh hợp lý, để riêng đồ ăn sống, chín và đậy nắp thức ăn thừa để tránh nhiễm khuẩn.

Ngoài ra, không nên để thức ăn quá lâu trong tủ lạnh. Các nghiên cứu chỉ ra, không nên để thức ăn dù đã nấu chín hay chưa nấu chín quá 3 ngày trong tủ lạnh, kể cả các loại trái cây và rau củ tươi sống. Đối với thức ăn để trong tủ đông thì phần lớn không nên để quá 3 tháng.

Nguy hại khi bảo quản thực phẩm không đúng cách

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, trong tủ lạnh cũng có thể xuất hiện vi khuẩn Listeria, đây là loài vi khuẩn có trong đất, nước và phân động vật. 

Listeria cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh nguy hiểm nhất và phổ biến nhất cho con người đến từ thức ăn. Chúng có khả năng gây rối loạn tiêu hoá, khiến bạn có những triệu chứng như người bị cúm, đi kèm ói mửa, tiêu chảy, sốt nóng và nặng hơn thì có thể dẫn đến listeriosis, chứng nhiễm khuẩn Listeria với tỷ lệ tử vong khá cao lên đến 30%. Listeria nguy hiểm nhất đối với phụ nữ có thai, người lớn tuổi, và người miễn dịch yếu (điển hình là người nhiễm HIV).

Dương Nhung (tổng hợp)

 

comment Bình luận

largeer