Bất ngờ công trình vi phạm Mã Pì Lèng Panorama sau xử lý còn đồ sộ hơn

Những bức ảnh mới nhất về công trình gây tranh cãi Panorama Mã Pì Lèng (Hà Giang) cho thấy, sau những xử lý, vi phạm công trình này còn bề thế hơn.
By N.N/ Sức Khỏe Cộng Đồng
22/12/2020 06:12
Mã Pì Lèng Panorama trước và sau khi bị xử lý.

Mã Pì Lèng Panorama trước và sau khi bị xử lý.

Sau vi phạm Mã Pì Lèng Panorama còn bề thế hơn xưa

Công trình khách sạn khách sạn Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang) gây phẫn nộ dư luận trong thời gian dài bởi những vi phạm xây dựng, đất đai.

Đáng chú ý, sau thời gian dài vào cuộc, cuối tháng 3/2020 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang chủ trì cuộc họp lấy ý kiến Hội Di sản Văn hóa, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Viện Bảo tồn Di tích, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL), Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Tại cuộc họp này, UBND tỉnh Hà Giang để chủ đầu tư công trình là bà Vũ Ngọc Ánh trình bày đề xuất cải tạo thành điểm dừng chân ngắm cảnh không lưu trú qua đêm. Về kiến trúc, công trình được cải tạo cảnh quan phù hợp với môi trường xung quanh và đồng điệu với kiến trúc truyền thống của người Mông.

Hồi tháng 8, tỉnh Hà Giang chỉ đạo cải tạo công trình. Theo đó, Panorama Mã Pì Lèng chỉ bị phá dỡ một phần mái nhô ra phía sông Nho Quế, các góc che khuất tầm nhìn người đi đường. Về cơ bản quy mô công trình không thay đổi. Từ một công trình sai phạm, chủ đầu tư nay được phép quyền quản lý công trình này để khai thác phục vụ thành điểm dừng chân ngắm cảnh.

Mặt tiền công trình trước khi cải tạo.

Mặt tiền công trình trước khi cải tạo.

Tuy nhiên, mới đây những hình ảnh lan truyền trên mạng do các du khách chụp lại một lần nữa gây tranh cãi lớn xung quanh công trình được ví như chiếc răng sâu tọa lạc trên một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc.

Theo đó, sau cải tạo, phần nổi công trình còn to, thậm chí hoành tráng và bề thế hơn xưa, khác biệt ở chỗ màu sắc công trình được sử dụng bằng màu đá, đất. Bức ảnh gây ra nhiều tranh cãi trong đó không ít bình luận cho rằng, việc công trình bị xử lý như không, chẳng có gì khác biệt, thậm chí còn được xây dựng lớn hơn nhiều so với lúc chưa xử lý.

Bộ nhiều lần nhắc nhở nhưng.... không thành!

Phản ánh về công trình này, báo Tiền Phong đưa tin: Với trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản, Bộ VHTTDL nhiều lần gửi văn bản nhắc nhở UBND tỉnh Hà Giang kiểm tra, giám sát và tuân thủ Luật Di sản Văn hóa.

Sau khi phát hiện công trình sai phạm, Cục Di sản Văn hóa từng nhiều lần gửi văn bản nhắc nhở, đề nghị UBND tỉnh Hà Giang xử lý. Công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng mặc dù được xây dựng ngoài khu vực bảo vệ II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng nhưng lại nằm trong công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn – di sản được UNESCO ghi danh (công viên cao nguyên đá Đồng Văn) với 03 quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.

Và sau khi cải tạo.

Và sau khi cải tạo.

Theo quy định tại điều 36 Luật Di sản văn hóa: “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường, sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”.

“Như vậy, việc xây dựng công trình Panorama không đảm bảo đúng các nội dung yêu cầu tại quy định nêu trên, không thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh công viên cao nguyên đá Đồng Văn theo quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng văn đã được Thủ tướng phê duyệt”, lãnh đạo Bộ nhắc trong văn bản số 4141 ngày 14/10/2019.

Cách công trình Panorama không xa, một ngôi nhà khác cũng đang được triển khai xây dựng. (Ảnh: Báo Xây dựng).

Cách công trình Panorama không xa, một ngôi nhà khác cũng đang được triển khai xây dựng. (Ảnh: Báo Xây dựng).

Dù Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL nhiều lần gửi văn bản nhắc nhở, tuy nhiên UBND tỉnh Hà Giang vẫn kiên quyết bảo lưu quan điểm giữ lại công trình sai phạm này.

comment Bình luận

largeer