Bé trai bị suy tuyến yên, phải tiêm hormone để tăng chiều cao

Cậu bé 14 tuổi ở Bình Phước bị suy tuyến yên nên chỉ nặng 33 kg, cao 135 cm, thấp hơn 28 cm so với chuẩn trung bình.
15/12/2020 13:58

Mẹ bé cho biết mỗi năm con trai chỉ tăng 1-2 cm, có năm không cao thêm. Thấy con quá thấp bé so với bạn cùng lớp, mẹ đưa đến bệnh viện địa phương khám, bác sĩ tư vấn cho bé sử dụng thêm các loại sữa bổ sung canxi cùng thực phẩm chức năng giúp tăng chiều cao. Sau một thời gian, chiều cao của bé không cải thiện. Mẹ đưa con đến Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM khám tìm nguyên nhân, đầu năm 2019.

Các bác sĩ liên chuyên khoa Nội tiết, Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Dinh dưỡng - Tiết chế... phối hợp đánh giá các nguyên nhân có thể gây chậm tăng trưởng chiều cao ở bé. Họ phát hiện cậu bé bị thiếu hụt hormone tăng trưởng trầm trọng, do suy tuyến yên toàn bộ.

tuyen yen

Bác sĩ Chi tư vấn cho mẹ con bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Tháng 2/2019, các bác sĩ bắt đầu tiến hành tiêm hormone tăng trưởng, đồng thời bổ sung các hormone tuyến yên cho bé. Hơn 18 tháng sau, cuối tháng 11, kết quả tái khám cho thấy chiều cao của bé tăng hơn 18 cm, đạt 153 cm.

Theo bác sĩ Hoàng Khánh Chi, khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, tình trạng trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi gọi là chậm tăng trưởng chiều cao. Thấp lùn có thể gây mặc cảm, tự ti và ảnh hưởng đến một số hoạt động xã hội của trẻ.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ, như thể tạng kém, suy dinh dưỡng, các bệnh lý dị tật bẩm sinh, rối loạn di truyền hoặc nhiễm sắc thể. Trẻ bị suy thận mạn, các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hormone tăng trưởng, suy tuyến yên... cũng có thể là nguồn cơn. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể do chấn thương đầu nặng, u não, nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não. Một số trường hợp không xác định được nguyên nhân.

Trong đó, yếu tố thiếu hormone tăng trưởng là nguyên nhân khiến khoảng 1/4.000-1/10.000 trẻ không tăng trưởng chiều cao. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến chậm tăng trưởng. Để điều trị và cải thiện chiều cao hiệu quả, trẻ cần được phát hiện thiếu hormone tăng trưởng ngay khi tuổi còn nhỏ. Tầm soát, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ở "giai đoạn vàng" sẽ giúp cải thiện quá trình thúc đẩy tăng chiều cao cho trẻ.

Bác sĩ Chi cho hay, trên thực tế, không ít phụ huynh thấy con thấp còi thường tự ý mua các thực phẩm chức năng, sữa bổ sung canxi và các chất dinh dưỡng cho con mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ.

"Tình trạng này có thể dẫn đến mất cân bằng các chất dinh dưỡng, trẻ béo phì mà chiều cao vẫn không được cải thiện", bác sĩ Chi nói.

Bác sĩ Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết, chia sẻ tốc độ tăng trưởng chiều cao sẽ dừng khi tuổi xương được 14-15 tuổi ở bé trai và 15-6 tuổi ở bé gái. Lúc này các sụn xương sẽ đóng lại, việc điều trị hormone tăng trưởng sẽ không còn tác dụng. Do đó, việc tầm soát sớm các yếu tố gây chậm tăng trưởng chiều cao rất quan trọng, giúp chẩn đoán đúng nguyên nhân và điều trị đúng phương pháp nhằm đạt hiệu quả phát triển chiều cao tối ưu cho trẻ.

Ở giai đoạn đầu, trẻ điều trị bằng hormone tăng trưởng. Khi đến độ tuổi thiếu niên, trẻ sẽ được đánh giá lại tình trạng rối loạn hormone tăng trưởng. Nếu rối loạn hormone tăng trưởng vẫn tiếp diễn, cần điều trị lâu dài cho bé.

"Bỏ qua giai đoạn vàng phát triển, việc điều trị sẽ không còn tác dụng, trẻ sẽ thấp hơn nhiều so với chiều cao lẽ ra có thể sẽ đạt được khi trưởng thành", bác sĩ Nam khẳng định.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên liên tục theo dõi tốc độ tăng trưởng chiều cao, cân nặng của con theo biểu đồ tăng trưởng. Nếu chiều cao của con thấp hơn trung bình, nên đưa đến khám chuyên khoa Nội tiết và chuyên khoa Nhi để được tầm soát, điều trị sớm.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer