Bệnh sởi: Dấu hiệu nhận biết và phòng tránh

Với trẻ nhỏ, sởi không chỉ gây khó chịu mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc cha mẹ sớm nhận biết các dấu hiệu đặc trưng và cách ly trẻ đúng cách là biện pháp quan trọng để bảo vệ con và cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm.
23/05/2025 19:02

Sởi là gì?

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Polinosa Morbillarum gây ra. Virus này lây lan mạnh qua đường hô hấp thông qua các hạt nhỏ bắn ra khi ho, khi nói chuyện hoặc tiếp xúc với người bệnh. Nếu không tiêm phòng đầy đủ, bệnh dễ trở thành dịch, đặc biệt tại các khu vực dân cư đông đúc có điều kiện vệ sinh kém.

Empty

Nổi ban đỏ ở da (Ảnh minh họa)

Các giai đoạn của bệnh sởi

Giai đoạn ủ bệnh (7 - 21 ngày): Người bệnh không có biểu hiện rõ rệt và cũng chưa lây lan.

Giai đoạn khởi phát (2 - 4 ngày): Là thời kỳ bệnh bắt đầu biểu hiện rõ ràng và có khả năng lây lan cao, cụ thể sốt cao đột ngột 39 đến 40°C kèm các triệu chứng ho, hắt hơi, chảy mũi, khàn tiếng, mắt sưng. Ngoài ra còn có dấu hiệu đặc trưng là các đốm trắng có viền đỏ trong niêm mạc má. 

Giai đoạn toàn phát (2 - 5 ngày): Trong thời gian này người bệnh bắt đầu phát ban theo trình tự từ tai, mặt, cổ, thân và chân tay. Nổi ban dạng dát sẩn, màu đỏ tía, sờ mịn, không ngứa và khi ban lan đến chân, nếu không có biến chứng, người bệnh sẽ hạ sốt.

Giai đoạn phục hồi: Ban biến mất theo thứ tự mọc, để lại vết thâm vằn kiểu “da hổ” rồi biến mất. Một số người có thể ho kéo dài thêm 1 - 2 tuần sau khỏi bệnh.

Thời gian cách ly người bệnh sởi

Virus sởi có thể lây lan mạnh nhất từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau khi phát ban. Do đó, bệnh nhân cần được cách ly trong ít nhất 8 ngày kể từ thời điểm phát ban để tránh lây sang người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ, người chưa tiêm phòng hoặc người có hệ miễn dịch yếu.

Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, tiêu chảy cấp tính và viêm não, trong đó, trẻ em suy dinh dưỡng phải chịu nhiều biến chứng hơn những người khỏe mạnh.

 Điều trị và phòng ngừa bệnh sởi

z6631298770733_8fbb7af81bc5623c5bd55f7620816d30

Điều trị bệnh sởi ở trẻ (Ảnh minh họa) 

Hiện chưa có thuốc đặc trị sởi, việc điều trị chủ yếu là chăm sóc, nghỉ ngơi và xử lý triệu chứng. Người bệnh cần được cách ly ít nhất 4 ngày sau khi phát ban, nghỉ ngơi cho đến khi hết sốt và phát ban biến mất.

- Hạ sốt bằng phương pháp vật lý hoặc thuốc (tránh dùng aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi).

- Giảm ho, chảy mũi bằng thuốc an thần nhẹ, long đờm.

- Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch kháng sinh nhỏ mắt, nhỏ mũi.

- Không dùng kháng sinh trừ khi có bội nhiễm do vi khuẩn.

- Trường hợp biến chứng như viêm não, sởi ác tính… cần nhập viện điều trị.

- Bổ sung nước và chế độ ăn dễ tiêu, nhiều rau quả, vitamin giúp tăng đề kháng.

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh bệnh. Trẻ cần được tiêm hai liều vắc xin: liều đầu lúc 12 - 15 tháng tuổi, liều hai khi 4 - 6 tuổi (hoặc sớm hơn, cách liều 1 tối thiểu 4 tuần). Với trẻ chưa đủ tuổi tiêm, bú mẹ đầy đủ để nhận kháng thể thụ động. Ngoài ra, cần giữ vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc người bệnh và tăng cường dinh dưỡng để hỗ trợ miễn dịch.

Khả Bích (tổng hợp)

comment Bình luận