Bệnh tim to là gì? Có nguy hiểm hay không?
Bệnh tim to là gì?
Hình minh họa
Bệnh tim to hay bệnh cơ tim phì đại là tình trạng tim lớn hơn so với mức bình thường với thành tâm thất (các bắp thịt) ngày càng dày và lớn ra và các buồng tâm thất nhỏ lại. Lúc này, cơ tim gặp trở ngại khi làm nhiệm vụ co bóp tống đẩy máu.
Nếu không điều trị tốt, lâu dần sẽ dẫn đến các biến chứng như suy tim, đột quỵ.
Các triệu chứng của bệnh tim to
Tim là một cơ quan được cấu tạo chủ yếu từ các tế bào cơ, có kích thước gần bằng một nắm tay. Trong bệnh tim to hay còn gọi là bệnh cơ tim phì đại, cơ của tâm thất trái dày lên bất thường hoặc vách ngăn giữa hai tâm thất trở nên mở rộng, điều đó khiến tim ngày càng to ra và làm cản trở các chức năng bình thường của tim.
Cụ thể, bệnh sẽ ngăn chặn dòng máu từ tâm thất trái, khiến tim chứa ít máu hơn và làm suy giảm khả năng bơm máu để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng nuôi cơ thể. Từ đó dẫn đến một số các triệu chứng bao gồm:
- Khó thở khi hoạt động, khi nằm và khi ngủ
- Đau tức ngực
- Ngất xỉu và gần như ngất xỉu
- Tim đập nhanh
- Nhịp tim không đều, đập thình thịch hoặc nhịp tim rung
- Hoa mắt hoặc chóng mặt, choáng váng
- Cảm thấy thiếu năng lượng và mệt mỏi
- Phù nề chân và bàn chân
- Huyết áp tăng
Có thể nghe thấy tiếng thổi liên tục của tim do ma sát trong quá trình lưu thông máu và rối loạn nhịp tim
Các triệu chứng này có thể khác nhau ở mỗi trường hợp, nhiều người mắc bệnh tim to có thể không xuất hiện bất kỳ biểu hiện nào hoặc có rất ít. Đặc biệt các triệu chứng có xu hướng xuất hiện trong khi tập thể dục hoặc thực hiện các hoạt động gắng sức. Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng có thể thay đổi qua từng ngày, do đó cần phải theo dõi và kịp thời điều trị để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây ra bệnh tim to
Hình minh họa
Nguyên nhân gây bệnh tim to có thể xuất phát từ một dị tật bẩm sinh khiến cơ tim dày lên bất thường. Ngoài ra, một số bệnh lý tim mạch thường gặp khác khiến tim phải gắng sức nhiều hơn đều có thể gây ra chứng tim to. Nó giống như các bắp cơ tay và chân của chúng ta to ra khi tập luyện và làm việc chăm chỉ.
Các dị tật tim bẩm sinh
Chứng to tim bẩm sinh là một chứng rối loạn tim bẩm sinh. Dị tật tim bẩm sinh gây ra triệu chứng này bao gồm:
- Thông liên nhĩ: Khi bị thông liên nhĩ, máu từ nhĩ trái qua nhĩ phải và xuống thất phải. Thất phải nhận thêm một lượng máu nên dần dần sẽ giãn buồng tim này và có thể gây suy thất phải.
- Thông liên thất: Lỗ thông lớn làm tăng lưu lượng máu qua tim phải, lên phổi, làm cho tim phải làm việc nhiều hơn bình thường. Lâu ngày tim giãn, ứ máu dẫn đến suy tim.
- Còn ống động mạch: khi ống động mạch nối giữa động mạch chủ và động mạch phổi trong thời kỳ bào thai không đóng lại sau khi sinh ra. Do đó làm quá tải tuần hoàn phổi, tăng áp lực động mạch phổi và giãn động mạch phổi, giãn nhĩ trái, thất trái.
- Bệnh tim Ebstein (dị dạng van 3 lá): dị dạng làm các lá van của van ba lá nằm thấp hơn bình thường ở tâm thất phải, trở thành một phần của tâm nhĩ phải và khiến tâm nhĩ phải lớn hơn so với bình thường.
- Tứ chứng Fallot: sự kết hợp của 4 khuyết tật tim bẩm sinh làm thay đổi cấu trúc tim, khiến máu nghèo oxy được tim co bóp đi đến khắp mọi cơ quan của cơ thể.
Các bệnh lý tim mạch mắc phải
Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh phì đại cơ tim là do bệnh mạch vành, tăng huyết áp, bệnh van tim...
- Tăng huyết áp: Trái tim phải gồng lên bơm mạnh hơn để đưa máu đến phần còn lại của cơ thể. Lâu dần sẽ làm tâm thất trái to ra và dày lên, khiến cơ tim cuối cùng yếu đi.
- Bệnh mạch vành Khi có tắc hẹp mạch vành, mảng xơ vữa cản trở dòng máu lưu thông đến nuôi tim. Lúc này, tim phải gắng sức nhiều hơn để bơm đủ máu đến phần còn lại của cơ tim, khiến tim to ra.
- Bệnh cơ tim: Các bệnh làm tổn thương cơ tim làm thay đổi cấu trúc của tim, làm tim to ra. Cơ tim bị tổn thương càng nhiều, tim càng yếu và khả năng bơm máu càng kém.
- Bệnh van tim: Hẹp hở van tim làm máu chảy ngược lại buồng tim trước đó, tim cũng phải làm việc nhiều hơn để tống đẩy máu qua van.
- Rối loạn nhịp tim: Nhịp tim không đều khiến máu ứ lại tại tim gây giãn cơ tim.
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tim to
Bạn có nguy cơ mắc chứng tim to nếu có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Các yếu tố rủi ro gây ra các bệnh lý tim mạch bao gồm:
- Huyết áp cao
- Béo phì
- Lối sống ít vận động
- Rối loạn chuyển hóa, như bệnh tuyến giáp
- Sử dụng ma túy hoặc rượu quá mức
Bệnh tim to có nguy hiểm hay không?
Hình minh họa
Để trả lời cho câu hỏi bệnh tim to có nguy hiểm không, cần biết rằng phần lớn các bệnh lý liên quan đến tim nếu không được điều trị đúng cách đều có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và nguy cơ tử vong cao. Bệnh tim to cũng không ngoại lệ, một số biến chứng nguy hiểm mà bệnh lý này có thể gây ra đó là:
Ngừng tim và đột tử
Tình trạng này còn được gọi là “đột tử do tim”. Nguyên nhân là do cơ tim giãn rộng làm xuất hiện sự gián đoạn trong nhịp đập của tim hay còn gọi là rung nhĩ. Tim đập quá nhanh hoặc quá chậm có thể khiến người bệnh ngất xỉu hoặc thậm chí trong một số trường hợp tim có thể ngừng hoạt động. Nếu không được cấp cứu kịp thời, ngừng tim đột ngột có thể gây tử vong. Bệnh tim to là nguyên nhân hàng đầu gây đột tử ở người dưới 30 tuổi.
Nguy cơ đột tử do tim có thể cao hơn nếu bệnh nhân có một hoặc nhiều trong số các yếu tố sau:
- Tiền sử gia đình có người đột tử do tim
- Chức năng tim kém
- Các triệu chứng có biểu hiện nghiêm trọng
- Tiền sử nhịp tim không đều với nhịp tim nhanh
- Độ tuổi trẻ và có tiền sử ngất xỉu nhiều lần
- Huyết áp thay đổi bất thường khi có hoạt động thể chất
Suy tim
Đây là biến chứng phổ biến nhất ở người mắc bệnh tim to, đặc biệt là suy tim trái và suy tim sung huyết. Cơ tim bị giãn nở dẫn đến giảm khả năng co bóp, tim không thể bơm đủ lượng máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Khi đó, tim phải tăng cường hoạt động nhiều hơn để đảm bảo lưu lượng máu tới các cơ quan và vì thế ngày càng trở nên suy yếu.
Hình thành cục máu đông
Tim to ra khiến sự lưu thông máu bị cản trở, máu dễ bị ứ lại trong buồng tim tạo điều kiện hình thành cục máu đông. Tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa bởi cơn nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ nếu cục máu đông xâm nhập vào dòng máu, di chuyển đến mạch vành, mạch máu não hay các mạch máu khác và gây tắc nghẽn tại đó. Trường hợp cục máu đông hình thành ở buồng tim bên phải có thể đi đến phổi gây ra tình trạng thuyên tắc phổi cũng rất nguy hiểm.
Bệnh tim to được chuẩn đoán thế nào?
Ngoài thăm khám lâm sàng tìm ra các triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện kiểm tra cấu trúc và chức năng của tim qua các xét nghiệm khác nhau. Trong đó hình ảnh bóng tim to trên điện tâm đồ là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh tim to. Các xét nghiệm gồm:
- Nghiệm pháp gắng sức
- Siêu âm tim (ECG hoặc EKG)
- Điện tâm đồ
- Xét nghiệm máu
- Chụp cắt lớp vi tính
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Bệnh tim to có điều trị được không?
Đặc điểm chính của bệnh tim to là cấu trúc của tim bị thay đổi và rất khó có thể điều trị để tim trở về bình thường. Tuy nhiên người bệnh không nên quá lo ngại vì tình trạng bệnh vẫn có thể kiểm soát hoàn toàn được bằng cách sử dụng các thuốc điều trị.
Một số trường hợp nếu phì đại tim đã chuyển sang giai đoạn nặng và không còn đáp ứng với các thuốc điều trị, người bệnh có thể sẽ được chỉ định các biện pháp can thiệp như thủ thuật nong mạch, đặt stent mạch vành hoặc phẫu thuật van tim, ghép tim với mục đích cuối cùng là ngăn không cho tim to thêm nữa, đồng thời phục hồi sức mạnh của cơ tim.
Bên cạnh đó, việc duy trì lối sống khoa học và lành mạnh là một giải pháp có thể đem lại hiệu quả hỗ trợ điều trị bất ngờ đối với bệnh tim to. Do đó, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây:
- Chế độ dinh dưỡng: ăn giảm muối, hạn chế những thực phẩm giàu chất béo bão hòa và cholesterol, ưu tiên bổ sung chất xơ và các vitamin.
- Nên uống 6-8 cốc nước mỗi ngày, tránh uống quá nhiều thức uống chứa cồn (rượu, bia) và caffeine. Tránh xa thuốc lá.
- Tăng cường hoạt động thể chất với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội… Thời gian tập luyện khoảng 20 – 30 phút mỗi ngày và ít nhất là 5 ngày mỗi tuần.
- Theo dõi cân nặng thường xuyên.
- Kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp nếu bệnh nhân mắc bệnh lý đái tháo đường,…
- Hạn chế căng thẳng, áp lực. Ngủ đủ giấc mỗi ngày và thường xuyên thư giãn bằng cách nghe nhạc, thiền, yoga… có thể giúp điều hòa nhịp tim
Thanh Hằng (tổng hợp)
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm