Bị chó cắn nhiều lần không tiêm phòng, người đàn ông nguy kịch vì bị bệnh dại

Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng bệnh dại sau khi bị chó nhà hàng xóm cắn.
Ông Đ.H.B (62 tuổi, làm nghề lái xe, trú tại Bắc Ninh) từng nhiều lần bị chó cắn. Lần gần nhất cách đây khoảng ba tháng, ông bị chó nhà hàng xóm cắn vào phía ngoài cẳng chân phải nhưng ông không tới cơ sở y tế để xử trí hay tiêm phòng dại. Con chó được theo dõi khoảng mười ngày, sau đó con chó xuất hiện biểu hiện hung dữ và bị chủ nhà bán đi.
Khoảng ba ngày trước khi nhập viện, ông B. đột ngột xuất hiện tình trạng kích thích, hoảng loạn, ăn uống kém, cảm giác nghẹn họng, sợ nước và sợ gió. Tại bệnh viện tuyến dưới, ông được chẩn đoán mắc bệnh dại và lập tức chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Ths.BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Khi chuyển đến Bệnh viện, bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của bệnh dại thể hung dữ như: Kích động, hốt hoảng, tăng tiết đờm dãi, mắt đỏ, tai thính. Những biểu hiện này cho thấy bệnh đã bước sang giai đoạn toàn phát – giai đoạn cực kỳ nguy hiểm, tiên lượng rất xấu và hầu như không còn khả năng điều trị khỏi. Hiện bệnh nhân đang được theo dõi sát và chờ kết quả xét nghiệm khẳng định mắc bệnh dại, tuy nhiên dựa trên biểu hiện lâm sàng, tiền sử bị chó có biểu hiện nghi dại cắn, các bác sĩ chẩn đoán có thể ông đã mắc bệnh dại”.
BS. Nguyễn Nguyên Huyền, Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch và Tiêm chủng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng phân tích: "Bệnh dại là một bệnh viêm não tủy cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra. Bệnh lây truyền sang người chủ yếu qua vết cắn, vết cào xước sâu hoặc khi nước bọt của động vật bị dại tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc (mắt, mũi, miệng) hay vùng da bị tổn thương, trầy xước của người.
Theo đó, virus dại tồn tại trong nước bọt của động vật mắc bệnh. Với những vật nuôi đã được tiêm phòng vaccine dại đầy đủ, hiệu quả sẽ có kháng thể bảo vệ và không lây truyền virus dại.
Ở người, khi bệnh dại đã phát ra các triệu chứng lâm sàng, bệnh biểu hiện bằng những dấu hiệu thần kinh đặc trưng như sợ nước (chứng sợ nước), sợ gió (chứng sợ không khí), kèm theo co giật, rối loạn tri giác, liệt… Ngay sau khi bị con vật cắn/cào, người bệnh cần được xử trí dự phòng kịp thời bằng cách tiêm vaccine hoặc huyết thanh kháng dại, nếu không, bệnh dại ở người hầu như dẫn đến tử vong.
BS. Nguyễn Nguyên Huyền cũng khuyến cáo: Khi bị chó, mèo hoặc bất kỳ động vật nào cắn hoặc cào, người dân cần thực hiện xử trí bằng cách:
- Rửa sạch vết thương ngay lập tức dưới vòi nước chảy với xà phòng trong 15 phút, tuyệt đối không chà xát vết thương, không đắp lá hay dùng thuốc dân gian.
- Đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vắc-xin dại, huyết thanh kháng dại (nếu cần) càng sớm càng tốt.
- Không đợi theo dõi vật nuôi nếu không có khả năng theo dõi chắc chắn hoặc vật nuôi có biểu hiện bất thường.
Bác sĩ cũng nhấn mạnh, hiện vẫn có người e ngại tiêm vaccine phòng dại vì sợ “độc” hay tác dụng phụ, nhưng đó là hiểu lầm. Hiện tất cả vaccine phòng dại lưu hành đều đã qua quy trình kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn và khả năng sinh miễn dịch; chúng không chứa virus sống gây bệnh và hoàn toàn an toàn khi tiêm đúng liều, đúng lịch. Việc chần chừ sau phơi nhiễm có thể khiến người bệnh đánh mất cơ hội sống của mình.
“Một mũi tiêm phòng dại kịp thời có thể cứu cả cuộc đời, người dân không nên để sự chủ quan phải trả giá bằng tính mạng”, BS. Nguyễn Nguyên Huyền khuyến cáo.

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Phát hiện thêm công dụng mới trong thuốc điều trị ung thư của Singapore
Các nhà nghiên cứu Singapore phát hiện ra rằng một loại thuốc điều trị ung thư do nước này phát triển có thể trở thành thuốc điều trị mới cho 2 nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu thế giới.July 16 at 8:04 am -
Thái Lan sản xuất thuốc điều trị ung thư nhắm đích đầu tiên được phát triển trong nước
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thái Lan đã sản xuất thuốc viên điều trị ung thư nhắm đích đầu tiên – có tên Imcranib 100 - hoàn toàn được phát triển trong nước. Đây là kết quả của tầm nhìn khoa học và sự lãnh đạo của Công chúa hoàng gia Thái Lan - Giáo sư Tiến sĩ Chulabhorn Krom Phra Srisavangavadhana.July 15 at 9:13 am -
Xác thực truy xuất nguồn gốc - 'thuốc đặc trị' chống hàng giả
Khi nền kinh tế số đang trở thành một trong những trụ cột phát triển của đất nước, thì yêu cầu về tính xác thực, minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của hàng hóa không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng cao niềm tin thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.July 9 at 8:25 am -
Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 02 cấp
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 6/7/2025 sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết định số 148/QĐ-TTg về việc phê duyệt Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).July 7 at 7:32 am