Biến chứng chết người của não úng thủy

Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vừa tiếp nhận bệnh nhi nữ, 6 tuổi, nhà ở Đắk Lắk, được phẫu thuật đặt ống dẫn lưu cách đây 5 năm và không theo dõi tái khám.
14/01/2021 08:28

Bệnh nhi chậm phát triển do hậu quả của bệnh đầu nước bẩm sinh nên người ngoài khó có thể biết được những biểu hiện khác lạ của bé.

Đợt này, bệnh nhi thường chỉ tay vào đầu than đau, kèm ói sau ăn. Vốn chăm cháu thường xuyên, ông bé nghi ngờ có chuyện nên cho bé đi bệnh viện.

nao ung thuy

Hình minh họa.

Ngay khi tới bệnh viện, Khoa Cấp cứu và Khoa Ngoại thần kinh đánh giá ống nghẹt, bệnh nhi đang lơ mơ và phải phẫu thuật ngay để thay ống trước khi quá muộn.

Ca mổ được tiến hành ngay trong đêm, xác định đường ống bị nghẹt và áp lực nước trong đầu rất cao. Ngay buổi sáng sau mổ, bệnh nhi đã tỉnh táo trở lại.

Theo các bác sĩ, dẫn lưu não thất hay còn gọi là đặt ống, là phương pháp mổ đơn giản, hiệu quả, được sử dụng nhiều nhất để điều trị cho các bé bên cạnh phương pháp mổ nội soi. Mặc dù vậy, ống thường bị biến chứng tắc nghẽn hoặc nhiễm trùng, gây ảnh hướng tới quá trình điều trị, đặc biệt là tắc ống.

Vai trò của ống là dẫn nước ứ đọng từ trong não để giảm áp lực. Nên khi ống này bị tắc, áp lực sẽ tăng đột ngột và rất nhanh, trẻ sẽ có biểu hiện khác lạ: mệt mỏi, đau đầu, lấy tay đánh (chỉ) vào đầu, ói, ngủ nhiều... Việc quan trọng nhất là phải nhận diện được dấu hiệu của tắc ống và thay ống kịp thời trước khi áp lực tăng quá cao gây chết não.

Đầu nước là bệnh lý điều trị được và có thể đạt chất lượng cuộc sống tốt. Mặc dù vậy, khi trẻ phục hồi tốt, chúng ta thường chủ quan mà không đi tái khám để theo dõi định kỳ. Vì vây, các bác sĩ khuyến cáo: Tất cả các bệnh nhi đầu nước nên được điều trị sớm nhất có thể để đạt được sự phục hồi tốt nhất. Nhưng bệnh nhi đã điều trị, cần tái khám ít nhất 1 lần mỗi năm tại các trung tâm phẫu thuật thần kinh trẻ em.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer