Biểu hiện của bệnh sởi ở trẻ nhỏ

Bệnh sởi ở trẻ diễn biến vô cùng nhanh và nguy hiểm, vì khi mắc sởi trẻ sẽ bị suy giảm hệ miễn dịch. Nếu để xảy ra bội nhiễm biến chứng thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
20/10/2020 10:56

Sởi là một loại bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra và điểm đặc trưng là nổi phát ban sần trên cơ thể. Đây là một bệnh rất dễ lây lan thông qua giọt nước bột hô hấp khi người mắc bệnh ho hay hắt hơi. 

Virus gây sởi thuộc nhóm paramyxovirus, được gọi tên là Morbillivirus. Thông thường trẻ sơ sinh được bảo vệ bởi kháng thể truyền từ người mẹ đến lúc 6 tháng tuổi, với điều kiện là người mẹ đã được tiêm vắc-xin đủ 2 liều hoặc đã nhiễm bệnh sởi.

soi tre em

Hình minh họa.

Sởi lây trực tiếp từ người sang người bằng đường hô hấp, chủ yếu từ những giọt nước bọt nhỏ bắn ra từ người bệnh. Nếu không được chữa trị, sởi sẽ biến chứng  nguy hiểm như :

- Biến chứng nhiễm trùng: viêm thanh quản cấp sớm, viêm phế quản, viêm phổi. Ở trẻ suy dinh dưỡng có thể gặp biến chứng tràn mủ màng phổi + viêm phổi nặng, viêm tai giữa.

- Biến chứng thần kinh: viêm não do sởi.

- Do điều kiện dinh dưỡng và chăm sóc kém: viêm loét hoại tử hàm mặt (cam tẩu má), viêm loét giác mạc…

- Nhiễm trùng đường ruột.

Biểu hiện của sởi

Sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ là các dấu hiệu của bệnh sởi điển hình ở trẻ em. Cụ thể hơn, dấu hiệu của sởi ở trẻ thể hiện qua từng giai đoạn bệnh như sau:

Khoảng 10 tới 12 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi sởi, triệu chứng bệnh sởi sẽ là: Sốt, ho khan, chảy nước mũi; Mắt đỏ, khó chịu với ánh sáng; Xuất hiện các nốt nhỏ ở giữa có màu xanh trắng bên trong miệng (vùng gò má). Ngoài ra trên thân người phát những đốm đỏ lớn, phẳng, nối với nhau.

Ban mọc khởi đầu ở vùng sau tai, rồi trong vòng 24 - 48 giờ lan ra vùng đầu mặt, và lan xuống toàn thân, ban phát 1 đợt duy nhất kéo dài 3-4 ngày rồi thoái lui trong vòng 1 tuần theo trật tự khi nó xuất hiện. Sốt giảm dần khi ban bùng phát, nếu sốt trở lại khi ban bùng phát toàn thân là dấu hiệu bội nhiễm kèm theo.

Cách chữa trị bệnh sởi

Hiện nay trên thế giới chưa có loại thuốc nào đặc hiệu để điều trị bệnh sởi. Chỉ có thể thực hiện những phương pháp điều trị giảm triệu chứng, hỗ trợ:

Dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao, điển hình là các sản phẩm có chứa paracetamol theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Cách ly trẻ với những trẻ khác để phòng tránh virus lây lan tạo thành dịch.

Vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ, không nên nghe theo các quan niệm kiêng tắm, kiêng gió… Việc vệ sinh kém sẽ khiến bệnh nghiêm trọng hơn. Đồng thời, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, phòng ngừa virus còn tồn tại trên các đồ vật trẻ tiếp xúc.

Cho trẻ ăn nhiều bữa, lựa chọn các nhóm thực phẩm dễ tiêu hóa.

Bổ sung thêm vitamin A để bảo vệ đôi mắt. Thông thường, trẻ bị nhiễm sởi được bổ sung vitamin A liều cao 2 ngày liên tiếp theo chỉ định từ bác sĩ.

Nếu trẻ có các triệu chứng sốt cao, co giật, lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được sự điều trị từ các bác sĩ.

Cách phòng chống sởi hiệu quả nhất là tiêm phòng vaccine sớm cho trẻ, giữ vệ sinh cơ thể trẻ và vệ sinh môi trường sạch sẽ, tránh cho bé tiếp xúc với những trẻ đã bị nhiễm sởi để tránh lây lan.

lay lan soi

Hình minh họa.

Trước đó, dịch sởi năm 2014 dấy lên khiến nhiều các bậc cha mẹ hết sức lo ngại. Vào thời điểm đó, cả nước ghi nhận có hơn 35 ngàn ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó gần 6,000 ca ghi nhận mắc sởi, trong đó có 147 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi.

Trong 35 ngàn ca nhiễm sởi, phần lớn là trẻ từ 9 tháng đến 24 tháng. Đó là những trẻ không được tiêm chủng, điều đó chứng tỏ ý thức chủ động phòng ngừa bệnh cho con cái của các bậc phụ huynh còn rất kém. Các báo cáo sau dịch sởi ghi nhận dịch bùng phát tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi thấp trong những năm trước đó và những vùng có biến động dân cư cao, đối tượng chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi chưa được chủng ngừa.

Thùy Dương (tổng hợp)

 

 

comment Bình luận

largeer