Bình quân mỗi người cao tuổi mắc 2,69 bệnh

“Bình quân, mỗi người cao tuổi mắc 2,69 bệnh, thường là bệnh mãn tính”, Bác sĩ Trần Thị Dung – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chia sẻ.
14/12/2020 08:00

Theo thống kê, năm 2020, thế giới có khoảng 727 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 9,3% tổng dân số; năm 2050, con số này sẽ tăng gấp đôi, đạt hơn 1,5 tỷ NCT và chiếm 16% dân số. Dự báo đến giữa thế kỉ này, cứ 6 người sẽ có một người trên 65 tuổi.

Dân số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Hiện nay có khoảng 10,1% người cao tuổi chiếm 11% dân số. Trong số người cao tuổi từ 80% là 2 triệu người và theo dự báo dân số đến năm 2030 người cao tuổi sẽ là 18%, đến năm 2050 sẽ là 26% dân số là người cao tuổi.

Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Sự già hóa dân số là một thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế.

Với mục tiêu “Chăm sóc và phát huy vai trò NCT trong gia đình và cộng đồng xã hội” là một mục tiêu quan trọng của Đảng và nhà nước ta. Chính phủ đã ban hành rất nhiều các văn bản, nghị quyết, quyết định … Gần đây nhất, ngày 13/10/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2020 - 2030.

kham benh

Hình minh họa.

Mục tiêu chính của Quyết định là đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho NCT để thích ứng với giai đoạn Già hóa dân số Việt Nam khi: 

1. Những thay đổi trong tâm sinh lý NCT 

Người cao tuổi là đối tượng yếu thế, mang tâm sinh lý rất đặc biệt. Để chăm sóc người cao tuổi hiệu quả, chúng ta cần có những kiến thức cơ bản về những thay đổi trong tâm sinh lý của họ.

Trước vấn đề này, PV Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng đã có buổi phỏng vấn Bác sĩ Trần Thị Dung – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe NCT trực thuộc Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam.

Theo Bác sĩ Dung, con người ai cũng phải trải qua quy luật “sinh lão bệnh tử” và vấn đề già đi cũng là một quy luật tự nhiên của cơ thể. 

bs dung

Bác sĩ Trần Thị Dung - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe NCT.

Bản chất của NCT là sống lương thiện, luôn lo lắng cho người khác, sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội và cộng đồng; có kiến thức trong cuộc sống và xã hội, tính kiên trì và ổn định, cẩn thận và luôn có nhu cầu về yếu tố “tinh thần cao”, “lời chào cao hơn mâm cỗ”…

“Khi con người ta già đi, các cơ quan trong cơ thể trải qua các giai đoạn khác nhau do tác động của tuổi tác, của môi trường, gen di truyền và rất nhiều yếu tố khác làm cho cơ thể thay đổi như: Tóc bạc, lưng gù, bệnh tình tăng cao.. Theo một thống kê của Bộ Y tế, bình quân mỗi người cao tuổi mắc 2,69 bệnh, thường là bệnh mãn tính. Sự thay đổi về sinh học của cơ thể xảy ra không đồng bộ, không đồng đều và tốc độ già hóa cũng khác nhau, suy giảm hệ thống miễn dịch, bệnh tật tăng cao, tự ti, khó tính trong giao tiếp do trí nhớ giảm sút, nghe kém…”, bác sĩ Dung chia sẻ. 

2. Những điều cần quan tâm khi chăm sóc sức khoẻ NCT

Những thay đổi về sinh lý trong cơ thể, sự già hóa của các bộ phận, sự già hóa của cơ thể và những thay đổi đó là tất yếu nên NCT và người chăm sóc họ cần nắm vững những kiến thức liên quan.

Theo đó, già không phải là một bệnh mà nó chỉ là điều kiện để bệnh tật phát triển. Do tế bào thần kinh giảm khiến chúng ta hoạt động chậm chạp hơn và các bệnh hay xảy ra bất thường. Trong đó, khi các bệnh chậm phục hồi, các cơ quan nội tạng, đặc biệt là các tuyến nội tiết làm cho cơ thể hấp thu các chất dinh dưỡng kém hơn.

Đặc biệt, bác sĩ Trần Thị Dung nhấn mạnh 3 cái thiếu mà NCT hay gặp phải đó là: thiếu ăn, thiếu vận động, thiếu bạn. Thiếu ăn, ăn ít do các tạng. Thiếu vận động vì cho là yếu nên không vận động. Thiếu giao tiếp là do mặc cảm với sự già đi và môi trường sống… Chính điều này khiến cho cuộc sống của NCT trở nên nhàm chán, yếu ớt và tẻ nhạt.

Để khắc phục tình trạng này và bảo vệ sức khỏe cho bản thân, NCT cần xây dựng chế độ ăn hợp lý: giảm muối, mỡ và đường, ăn tinh không ăn thô; tập luyện thường xuyên để giúp lưu thông máu; giữ tinh thần luôn vui vẻ (hãy tha thứ, hãy lãng quên, ít giận hờn, không oán trách..), sử dụng thêm các thực phẩm chức năng để bù đắp sự thiếu hụt các chất trong cơ thể và đặc biệt phải kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

3. Xu hướng làm việc của NCT

Trên thực tế hiện nay, nhiều NCT vẫn có nhu cầu và khả năng làm việc, kể cả ở thành phố lẫn nông thôn.

Theo báo cáo của Tổng cục dân số năm 1979, NCT chỉ có 3,7 triệu người, nhưng đến năm 2019 NCT đã tăng lên đáng kể 10,5 triệu người chiếm 10,95% dân số. Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc nhóm nhanh nhất thế giới và đáng chú ý hơn là sự già hóa dân số này NCT chiếm tỷ trọng rất cao.

- Nhóm 60 – 69 tuổi chiếm 47%, cứ 1 cụ ông thì có 1,3 cụ bà.

- Nhóm 70 – 79 tuổi chiếm 47%, cứ 1 cụ ông thì có 1,5 cụ bà.

- Nhóm >80 tuổi chiếm %, cứ 1 cụ ông thì có 2 cụ bà.

Người cao tuổi Việt Nam phần lớn sống ở nông thôn chiếm tới  hơn 65%. Do sống ở nông thôn nên NCT vẫn phải tham gia làm việc, đặc biệt là nhóm 60 – 69 tuổi, có những nơi NCT vẫn là lao động chính, nhóm 70 – 80 tuổi cũng tham gia làm việc nhiều. Số những nhà khoa học, cán bộ, những tri thức, những doanh nhân tuổi 70 – 80 vẫn làm việc hiệu quả.

Vùng nông thôn NCT tham gia tích cực và việc chăn nuôi, trồng trọt, nhưng ở thành phố nhiều NCT vẫn mong muốn có việc làm phù hợp với sức khỏe như: Làm việc văn phòng, đi làm thêm như nấu ăn cho các gia đình, trông trẻ, đưa trẻ đi học…Họ muốn lao động không những để đỡ buồn chán, mà còn có thể đóng góp xây dựng đất nước, xã hội ngày càng giàu đẹp hơn.

4. Quan niệm về nhà dưỡng lão của NCT

Bác sĩ Trần Thị Dung đánh giá, đây là một chính sách an sinh xã hội rất lớn trong nghị quyết 1579 của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến. Với các nước phát triển thì NCT xác định rõ là khi già thì vào nhà dưỡng lão để có điều kiện phúc lợi xã hội chăm sóc, không cần đến con cháu.

Nhưng ở Việt Nam 65 – 70% NCT sống ở nông thôn mức sống còn nghèo, 69,5% sống dựa vào con cái, chưa xác định cho mình để đóng góp vào quỹ phúc lợi và với quan niệm là “vào khu dưỡng lão là một điều chưa chấp nhận được, con cái bỏ mặc, con không báo hiếu bố mẹ”.

"Tôi cho rằng điều quan trọng là yếu tố kinh tế hình thành khu dưỡng lão, ngoài các trung tâm chăm sóc người có công, thì các khu nghỉ dưỡng của NCT là của tư nhân, giá tiền thu cao không phù hợp với kinh tế, mức sống của từng gia đình. Phúc lợi xã hội đầu tư cho các khu nghỉ dưỡng chưa có, mới tập trung cho các bệnh viện chăm sóc NCT khi ốm đau, bệnh tật, còn khu nghỉ dưỡng, để NCT có chỗ giao lưu, vui chơi giải trí phục hồi sức khỏe giúp tăng tuổi thọ thì còn chưa có.

Tôi đi các nước, ngoài các khu dưỡng lão họ còn có các nhà dưỡng lão tự phát là nơi tập trung một nhóm người cùng sở thích đến sinh hoạt, vui chơi, ca hát, tập luyện và một số tổ chức xã hội của các tình nguyện viên đến giao lưu hỗ trợ. Nếu ta có được sự hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức xã hội, các đoàn thể, để xây dựng khu nghỉ dưỡng có sân chơi, tạo việc làm giúp phục hồi chức năng thì người cao tuổi chắc sẽ sẵn sàng ủng hộ và cùng tham gia. Đó chính là hình thức những “Câu lạc bộ chăm sóc sức khoẻ NCT”, bác sĩ Dung cho biết".

Như vậy, đối với NCT hiện nay, việc chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng luôn là vấn đề nóng được cả xã hội quan tâm. Chăm sóc tốt cho NCT chính là thể hiện sự biết ơn, hiếu thuận đối với các thế hệ đi trước đã cống hiến cho đất nước. Chúng ta cần tiếp tục triển khai và phát huy hiệu quả các chương trình chăm sóc người cao tuổi, học tập các tiến bộ nước ngoài, để ứng dụng trong hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng được tốt hơn.

Thùy Dương

comment Bình luận

largeer