Để chống acid: liều thuốc cần để trung hoà acid dạ dày thay đổi tuỳ theo người bệnh, phụ thuộc vào lượng acid tiết ra và khả năng trung hào acid của các thể tích bằng nhau của các chất kháng acid và chế phẩm kháng acid biến thiên rất lớn. Dạng lỏng của các thuốc kháng acid được coi là hiệu lực lớn hơn dạng rắn hoặc dạng bột. Trong phần lớn trường hợp, phải nhai các viên nén trước khi nuốt nếu không thuốc có thể không tan hoàn toàn trong dạ dày trước khi đi vào ruột non. Dạng phối hợp thuốc kháng acid chứa hợp chất nhôm và hoặc calci cùng với muối magnesi có ưu điểm là khắc phục tính gây táo bón của nhôm và hoặc calci nhờ tính chất nhuận tràng của magnesi. Liều dùng tối đa khuyến cáo để chữa triệu chứng rối loạn tiêu hoá, khó tiêu, không nên dùng quá 2 tuần. Để dùng trong bệnh loét dạ dày tá tràng: để đạt đầy đủ tác dụng chống acid ở thời điểm tối ưu, cần uống thuốc kháng acid 1 đến 3 giờ sau bữa ăn và vào lúc đi ngủ để kéo dài tác dụng trung hoà. Vì không có mối liên quan giữa hết triệu chứng và lành vết loét, cần uống tiếp tục thuốc chống acid ít nhất 4 - 6 tuần sau khi hết triệu chứng. Liều dùng (uống): Điều trị loét dạ dày: Trẻ em: 5 - 15 ml, hỗn dịch nhôm hydroxyd, cứ 3 - 6 giờ một lần hoặc 1 đến 3 giờ sau các bữa ăn và khi đi ngủ. Phòng chảy máu đường tiêu hoá: Trẻ nhỏ: 2 - 5 ml/liều, cứ 1 - 2 giờ uống 1 lần. Trẻ lớn: 5 - 15 ml/liều, cứ 1 - 2 giờ uống 1 lần. Người lớn: 30 - 60 ml/liều, cứ 1 giờ 1 lần. Cần điều chỉnh liều lượng để duy trì pH dạ dày >5. Chứng tăng phosphat máu: Trẻ em: 50 - 150 mg/kg/24h, chia làm liều nhỏ, uống cách nhau 4 - 6 giờ, liều được điều chỉnh để phosphat huyết thanh ở mức bình thường. Người lớn: 500 - 1800 mg, 3 - 6 lần/ngày, uống giữa các bữa ăn và khi đi ngủ, tốt nhất là uống vào bữa ăn hoặc trong vòng 20 phút sau khi ăn. Để kháng acid: Người lớn uống 30 ml, hỗn dịch nhôm hydroxyd, vào lúc 1 đến 3 giờ sau bữa ăn và lúc đi ngủ. |