Bộ Y tế giám sát công tác phòng chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngày 14/7 vừa qua, Đoàn công tác số 3 của Bộ Y tế do Tiến sĩ Vương Ánh Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với ngành Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về công tác phòng, chống sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM).
17/07/2023 14:57

Đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác có BS Phạm Minh An – Giám đốc Sở Y tế, BS Trần Ngọc Triệu – Phó Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo các phòng chuyên môn Sở Y tế, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Vũng Tàu và lãnh đạo các Trung tâm Y tế (TTYT) huyện/thị xã/thành phố và TYT phường 11-TP. Vũng Tàu.

Trong buổi làm việc, BS Hà Văn Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh SXH, TCM trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo, tính đến ngày 9/7 toàn tỉnh ghi nhận 574 ca mắc SXH, giảm 88,4% so với cùng kì năm ngoái và không có trường hợp tử vong. Riêng thành phố Vũng Tàu có là 289 ca, là địa phương có số ca mắc nhiều nhất chiếm 50,3%. Kế tiếp là huyện Châu Đức 102 ca chiếm 17,8% và thị xã Phú Mỹ 69 ca chiếm 12,0%, đặc biệt không có ca mắc SXH nào ở huyện Côn Đảo.

Đoàn công tác có buổi làm việc với ngành Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về công tác phòng, chống sốt xuất huyết và tay chân miệng

Đoàn công tác có buổi làm việc với ngành Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về công tác phòng, chống sốt xuất huyết và tay chân miệng

Đối với bệnh TCM, đến ngày 9/7 đã ghi nhận 496 ca mắc trên toàn tỉnh giảm 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên do sự xuất hiện của chủng virus EV71 gây nhiều biến chứng làm tăng tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, đáng lưu ý là đã có 1 trường hợp tử vong. Số ca mắc cao nhất ở các địa phương lần lượt là TP Vũng Tàu chiếm 40,3%; huyện Long Điền chiếm 14,1% và huyện Xuyên Mộc chiếm 13,1%.

Bệnh TCM đang có dấu hiệu gia tăng, từ ngày 29/5 đến nay trung bình mỗi tuần toàn tỉnh ghi nhận khoảng hơn 60 ca mắc và vẫn chưa có xu hướng giảm. Số ca mắc chủ yếu ở mức độ 1 và độ 2a.

Trước diễn biến trên, lãnh đạo Bệnh viện Bà Rịa và Bệnh viện Vũng Tàu đề xuất Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật lọc máu cho những trường hợp bệnh nhi mắc TCM mức độ nặng. Cùng với đó, Sở Y tế cũng kiến nghị Bộ Y tế dự trữ một số thuốc hiếm trong phòng chống dịch bệnh để điều phối cho các địa phương khi cần, đồng thời có cơ chế cho phép được chuyển nhượng thuốc phòng chống dịch giữa các bệnh viện trong trường hợp cấp thiết.

Đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đã kiểm tra thực tế công tác phòng chống TCM, SXH tại Trạm Y tế phường 11,TP. Vũng Tàu và khu khám chữa bệnh TCM, SXH tại khoa Nhi – Bệnh viện Bà Rịa. Bên cạnh đó, Đoàn cũng tìm hiểu công tác tiếp đón, phân luồng, sàng lọc bệnh nhi, đánh giá hiệu quả của các công tác truyền thông, tuyên truyền về SXH và TCM trên địa bàn tỉnh.

Tiến sĩ Vương Ánh Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đã đánh giá cao công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh TCM, SXH của ngành Y tế tỉnh và hiệu quả của công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ ở địa phương.

Kết luận tại buổi làm việc, Tiến sĩ Vương Ánh Dương nhấn mạnh: “Sở Y tế đã xây dựng Kế hoạch phòng chống dịch bệnh SXH, TCM rất cụ thể, chi tiết và nhận được sự hỗ trợ tích cực của UBND tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, qua khảo sát sơ bộ kiến thức của thân nhân người bệnh, chúng tôi thấy đa phần có hiểu biết rất rõ về các dấu hiệu nhận biết của dịch bệnh, cách thức phòng bệnh; các tài liệu truyền thông cũng phong phú, đa dạng: Tờ rơi, áp phích, lời dặn cho bệnh nhân…”.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Vương Ánh Dương cũng đánh giá cao sự phối hợp, đồng thuận của chính quyền, của ngành Giáo dục địa phương trong công tác xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan và bùng phát dịch.

Đối với các vấn đề khó khăn đang gặp phải như thiếu hoá chất phun khử khuẩn, kinh phí thuê nhân công phun hoá chất,… Tiến sĩ Vương Ánh Dương cũng đề nghị Sở Y tế tham mưu chính quyền địa phương có Nghị quyết chuyển đổi một số phương tiện phòng chống dịch COVID-19 sang điều trị SXH, TCM, nhanh chóng mua sắm thêm hoá chất phục vụ công tác phòng chống dịch và có giải pháp tháo gỡ khó khăn về kinh phí thuê nhân công.

Về thuốc điều trị SXH, đề nghị Sở Y tế nhanh chóng triển khai Quyết định 2760/QĐ-BYT ngày 4/7/2023 về Ban hành chẩn đoán điều trị SXH Dengue. Đối với thuốc điều trị TCM Sở Y tế cần có văn bản nêu rõ những khó khăn trong công tác đấu thầu đề nghị Bộ Y tế có giải pháp can thiệp.

Các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục thực hiện tốt công tác xét nghiệm, chuẩn bị tốt công tác thu dung điều trị SXH, TCM, đặc biệt chú ý phân nhóm điều trị và theo dõi sát những bệnh nhi dưới 1 tuổi.

Ngọc Nguyễn

comment Bình luận

largeer