Các bài thuốc đông y trị mụn trứng cá

Mụn trứng cá (Acnes) là một bệnh ngoài da, ảnh hưởng tới 9,4% dân số toàn cầu, đứng thứ 8 trong các bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Vậy theo đông y, mụn trứng cá được định nghĩa như thế nào? Có các bài thuốc đông y trị mụn trứng cá nào hiệu quả?
21/11/2022 10:55

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Y học cổ truyền (YHCT) cho rằng bệnh trứng cá phần lớn do phong nhiệt nung nấu, kết tụ ở kinh phế sinh ra, hoặc do ăn quá nhiều chất cay nóng, dầu mỡ sinh ra thấp nhiệt, tích tụ tại bì phu, cân cơ, hoặc do tỳ vận hóa kém, sinh ra thấp nhiệt, như Nội kinh đã viết: “Không có nhiệt thời không sinh ban, không có thấp thời không sinh chẩn”. Trong đó, tổn thương của trứng cá theo YHCT là tổn thương dạng chẩn.

Theo chức năng tạng phủ thì phế chủ bì mao, có công năng tuyên phát, việc bài xuất độc tà ra ngoài bằng đường phế vệ là công năng của phế. Khi phong nhiệt kết tụ ở phế được đưa đến bì phu tấu lý mà không truyền tống ra ngoài được, lưu trú lâu ngày thành những mụn ung ngay tại tấu lý. Đầu mặt là nơi hội tụ của các kinh dương “đầu mục chư dương chi sở hội”, mà phong nhiệt là thuộc dương, tính thăng phù, kinh Dương minh đi lên mặt, vòng qua má, môi nên khi bị phong nhiệt hay gây bệnh vùng mặt. Tấu lý bế tắc làm cho phong nhiệt không bài xuất được tiếp tục thành ung khiến cho bệnh dai dẳng khó dứt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các bài thuốc trị mụn theo đông y

Triệu chứng chung của bệnh: Bệnh thường phát ở nam, nữ tuổi thanh xuân nên YHCT gọi là Thanh xuân đậu. Thường gặp nhiều ở trên mặt, ít gặp hơn ở lưng, ngực, vai, gáy, khởi bệnh lúc đầu là những nốt sẩn nhỏ, lấy tay đè vào thì thấy có bột như mồ hôi trắng, có khi trên đỉnh của nó thấy những nốt mụn nhỏ, bệnh thường kéo dài vài tháng hoặc vài năm không khỏi, sau khi khỏi có thể để lại sẹo hoặc không.

YHCT phân chia bệnh trứng cá thành 3 thể: Tể phế kinh phong nhiệt, thể trường vị thấp nhiệt và thể tỳ hư.

Thể phế kinh phong nhiệt

Triệu chứng: Mụn trứng cá nóng, đỏ, hoặc sưng đau, có mụn mủ, ngứa, chất lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch phù sác.

Pháp điều trị: Sơ phong, thanh nhiệt, tuyên phế

Bài thuốc cổ phương: Tỳ bà thanh phế ẩm gia giảm.

Nhân sâm 12g Tỳ bà diệp 12g
Tang bạch bì 12g Hoàng liên 06g
Hoàng bá 10g Cam thảo 06g

Thể trường vị thấp nhiệt

Triệu chứng: Bì phu trơn nhờn, phấn thích đỏ sưng, nổi sẩn, có mụn mủ kèm theo táo bón, tiểu vàng đậm, chán ăn, bụng đầy, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác.

Pháp điều trị: Thanh nhiệt, hóa thấp, thông phủ.

Bài thuốc cổ phương: Nhân trần cao thang gia giảm.

Nhân trần 30g Chi tử 10g
Sinh địa 15g Xa tiền 15g
Xích thược 10g Hoàng cầm 10g
Hoàng bá 10g Đại hoàng 04g
Ý dĩ 20g Bồ công anh 20g
Cam thảo 06g    

Thể tỳ hư

Triệu chứng: Bệnh kéo dài, sắc da xám, kém tươi nhuận, tái phát nhiều lần, có cục hoặc bọc mủ, chán ăn, lưỡi bệu, rêu trắng, mạch nhu hoạt.

Pháp điều trị: Kiện tỳ hóa thấp.

Bài thuốc cổ phương: Sâm linh bạch truật tán gia giảm

Nhân sâm 12g Hoài sơn 12g
Bạch truật 12g Liên nhục 12g
Phục linh 12g Cát cánh 08g
Biển đậu 12g Ý dĩ 12g
Chích thảo 04g Sa nhân 06g

Các cách trị mụn theo dân gian

Cách trị mụn trứng cá bằng bèo tía

Bèo tía lấy 1 lượng khoảng 100g rửa sạch, sắc với 500ml nước lấy 200ml uống. Phần bã giã nát đắp lên mặt trước khi đi ngủ. Sáng dậy rửa mặt với nước ấm pha chút giấm ăn hoặc chanh, rồi rửa sạch.

Các bài thuốc nam theo kinh nghiệm của danh y Tuệ Tĩnh

Có thể dùng một hoặc phối hợp phương thuốc sau:

- Cây Kim ngân tươi (bao gồm hoa, lá và cành) khoảng 500g vắt lấy nước. Sau đó sắc lấy 8 phần uống chia 2 lần. Phần bã cho thêm chút muối đắp vùng mụn 2 lần/ngày, mỗi lần 20 phút. Rửa mặt bằng nước muối loãng trước và sau khi đắp.

- Rau sam tán nhỏ trộn với lòng trắng trứng gà đắp mặt ngày 1 lần, mỗi lần 20 phút.

Phương pháp xông thuốc đông y trị mụn

Đây là phương pháp kết hợp được tác dụng chữa bệnh của dược liệu cùng với sức nóng của nhiệt mà tạo nên hiệu quả chữa bệnh. Nhiệt và hơi nước làm giãn nở các lỗ chân lông, giãn hệ thống mao mạch từ đó tăng cường sự hấp thu thuốc tại chỗ. Các vị thuốc trong bài thuốc xông thường chứa nhiều tinh dầu thơm như: Bạc hà, Ngải diệp, Sả, Hoắc hương, Trần bì,…

Chế độ vệ sinh, điều dưỡng

- Hạn chế rửa mặt bằng xà bông có chất kiềm, tránh thói quen bóp nặn mụn.

- Xoa bóp da mặt nhẹ nhàng hằng ngày theo hình chữ T theo chiều từ trong ra ngoài.

- Tránh ánh nắng trực tiếp, chế độ ăn hạn chế các loại đường, dầu mỡ, đồ chiên xào, các chất cay nóng, các chất kích thích, tránh bi quan lo lắng thái quá về bệnh, có chế độ ăn ngủ đúng giờ, sinh hoạt điều độ.

- Chú ý chống táo bón, uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả.

Theo Nội khoa Việt Nam

comment Bình luận

largeer