Các nhiễm độc, chấn thương và bệnh do các động vật thường gặp tấn công

Nhằm giúp người dân có thể dễ nhận biết, phản ứng nhanh với các trường hợp chấn thương do động vật thường gặp tấn công, Viện Đào tạo và Nghiên cứu Y Dược Bạch Mai đã tổ chức buổi truyền thông sức khỏe với chủ đề "Các nhiễm độc, chấn thương và bệnh do các động vật thường gặp tấn công".
05/12/2024 09:46

Vết thương và bệnh do chó:

Thông tin chung:

- Phần lớn chó cắn khi bị kích thích, quấy rầy.

- Chiếm 80 - 90% các trường hợp động vật cắn.

- Phần lớn các trường hợp là chó của gia đình hoặc của bạn bè.

- Hầu hết các chấn thương lớn do chó to (phần lớn các ca tử vong ở người do chó pitbull cắn).

- Tử vong chủ yếu ở trẻ em (70%) do bị cắn ở mặt, cổ.

Biểu hiện:

- Tổn thương dập nát, nghiền ép (thường gặp nhất), rách, mất mảng da, vết chọc (do răng), xước.

- Nhiễm trùng tỷ lệ ít hơn so với do mèo cắn và người cắn.

- Nhiễm trùng biểu hiện: Viêm mô tế bào; Chảy dịch xám, mùi hôi; Sốt; Nổi hạch gần vùng bị cắn; Bệnh do các động vật cào; Biến chứng quan trọng (bị bệnh dại).

chomeocan

(Ảnh minh họa: Sở Y tế Long An)

Vết thương và bệnh do mèo:

- Phần lớn nạn nhân biết con mèo từ trước.

- 50% người đi khám có nhiễm trùng vết cắn.

- Nhiễm các vi khuẩn.

- Biểu hiện: Vết thương kiểu đâm, chọc là phổ biến (răng sắc); Trợt da; Rách da, xước da; Tỷ lệ nhiễm trùng cao (30-50%) do vết thương sâu; Biến chứng nguy hiểm nhất: Bệnh dại.

Bệnh do mèo và các động vật cào:

- Do vết thương cào, cắn do mèo, chó, khỉ.

- Chấm nhỏ, mụn nhỏ tiến triển thành nốt.

- Xuất hiện 3-10 ngày sau khi bị cắn.

- Cải thiện sau vài ngày đến nhiều tuần.

- Nổi hạch gần vùng vết thương sau cắn 3 tuần.

- Nổi căng, không có mủ.

- Cải thiện sau 2-4 tháng.

- Sốt nhẹ, mỏi mệt, đau đầu.

Bệnh dại

- Do virus dại, có trong các động vật nhiễm bệnh.

- Chó, mèo, cáo, chó sói, chồn, dơi. Một số trường hợp hiếm gặp từ khỉ.

- Chủ yếu do bị các động vật đã nhiễm virus dại cắn, hoặc vết thương tiếp xúc với nước bọt của các con vật này.

- Ủ bệnh: Điển hình 2-4 tháng (1 tuần đến 1 năm).

- Gây nhiễm trùng não, tủy sống và 100% tử vong, bất kể các biện pháp chữa.

- Bắt buộc tiêm phòng nếu có nguy cơ nhiễm virus dại: Tránh được bệnh 100%.

Các thông tin quan trọng khác (chung cho chó, mèo cắn)

- Mô tả cụ thể sự cố bị cắn.

- Biểu hiện, hành vi của con vật, có bị kích động không, vị trí xảy ra, người chủ là ai.

- Thời gian bị cắn cụ thể.

- Tiền sử các bệnh của nạn nhân: Có bệnh giảm miễn dịch không; Tiền sử dị ứng; Lần tiêm phòng vaccine uốn ván gần nhất.

- Vết thương lớn, phức tạp: Bác sỹ khám, chụp xquang, lấy dịch cấy vi khuẩn.

Xử trí với vết thương do chó, mèo:

- Vết thương đang chảy máu: Cầm máu (băng ép, ấn trực tiếp).

- Vết thương vùng mũi, miệng, cổ: Nguy cơ gây hẹp đường thở do máu, sưng nề.

- Cầm máu: Nằm nghiêng sang bên.

- Khám tại cơ sở y tế hoặc cơ sở tiêm phòng: Tiêm phòng uốn ván.

- Khám chuyên khoa ngoại chấn thương: Vết thương chảy máu nhiều, lâu cầm; Vết thương lớn hoặc phải khâu; Có mảnh phần mềm mủn nát/hoại tử cần cắt lọc.

- Khám chuyên khoa truyền nhiễm, trung tâm tiêm phòng: Tư vấn tiêm vaccine phòng dại.

Phòng tránh chó, mèo cắn:

- Không tới gần chó, mèo lạ.

- Không làm đau, không trêu chọc con vật.

- Không tranh đồ chơi, không ngăn cản con vật chơi.

- Hãy để con vật ăn, không trêu hay quấy rầy.

- Khi con vật đang ngủ yên, không đánh thức hay quấy rầy.

Chuột cắn:

- Xảy ra khi làm thí nghiệm hoặc các nơi khác.

- Không truyền bệnh dại.

- Bệnh sốt do chuột, tỷ lệ tử vong cao.

- Bị ngay cả khi cầm nắm.

- Do vi khuẩn S.moniliformis (thường ở Mỹ): Bệnh 2-10 ngày sau bị cắn; Sốt, rét run, đau nhiều khớp thay đổi vị trí khớp, đau đầu, buồn nôn, nôn.

- Do vi khuẩn S.minus (thường ở châu Á hơn): Ủ bệnh 1-3 tuần; Ít có viêm khớp.

Xử trí khi bị chuột cắn:

- Sát trùng vết thương. 

- Tiêm phòng uốn ván.

- Theo dõi, nếu thấy đau, sưng, sốt hoặc biểu hiện bất thường thì khám tại cơ sở y tế.

Tình trạng cá mập tấn công:

- Trong thập kỉ qua, mỗi năm có trung bình 6 người tử vong do cá mập tấn công.

- Tỷ lệ tử vong do cá mập tấn công giảm từ 50% ở đầu thế kỉ 20 xuống còn 7% ở tập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, chủ yếu do các tiến bộ về cấp cứu ban đầu và công tác an toàn bờ biển.

- Phần  lớn loài cá mập tấn công thuộc về 3 loài: Cá mập trắng lớn; Cá mập bò; Cá mập hổ.

- Cá mập là động vật ăn thịt, nguy hiểm với con người là do kích thước cá lớn và cấu trúc hàm răng và hung hãn.

- Bất kỳ con cá mập nào có chiều dài đến 2m đều gây nguy hiểm.

Vết thương do cá mập:

- Vết thương gây ra mất tổ chức, chảy máu cấp tính, sốc mất máu, tử vong.

- Tay và đặc biệt chân là vị trí thường bị cắn nhất. Do thường bị tấn công từ phía dưới, hoặc phía sau, cùng với khối cơ lớn, cử động khi bơi nên vết thương thường ở mông, hai chân. Các vị trí vết thương tiếp theo là bàn tay, cánh tay do nạn nhân cố gạt tay.

- Do cá thường cắn và vặn lấy các mảnh con mồi nên vết thương thường bật thành mảng, tróc hoặc mất tổ chức. Vết thương kiểu lóc mất phần mềm và lộ xương xảy ra khi nạn nhân cố gắng kéo chân, tay khỏi miệng cá gây rách phần mềm.

- Tổn thương động mạch đùi gây chảy máu ồ ạt, tiên lượng xấu và nguy cơ tử vong nhanh.

- Gãy xương không thường gặp.

Xử trí vết thương do cá mập:

- Sơ cứu, nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

- Hầu hết các trường hợp, nguy hiểm trước mắt với bệnh nhân là mất máu. Tử vong thường xảy ra nất do chảy máu, tứ chi bị thương.

Tại chỗ và khi vận chuyển

- Khi bệnh nhân còn ở trong nước, có thể dùng tay bóp chặt tay, chân đang chảy máu hoặc ép chặt vết thương.

- Khi bệnh nhân ra khỏi nước, dùng tất cả các biện pháp có sẵn ở tại chỗ để ga rô chi chảy máu hoặc ấn mạnh trực tiếp vị trí chảy máu.

- Khi đội cứu hộ đến hoặc tại cơ sở y tế: Truyền dịch tĩnh mạch.

- Giữ ấm, thở oxy cho bệnh nhân trong khi vận chuyển.

Phòng tránh cá mập cắn:

- Tránh các vùng nước có cá mập, đặc biệt vùng có cá mập không xuống nước biển vào ban đêm, lúc rạng sáng hoặc bắt đầu tối. Tránh các vùng biển có cảnh báo cá mập.

- Các hoạt động bơi lặn, giải trí dưới biển: Người lướt ván có nguy cơ bị cá mập tấn công cao hơn so với người lặn; Không nên bơi giữa hoặc bơi qua các động vật là con mồi của cá mập (đàn cá, hải cẩu, voi biển,...) hoặc bơi cùng thú nuôi như chó, ngựa; Hành vi của cá mập không thể đoán trước và không thân thiện. Không ở lại trong nước nếu nhìn thấy cá mập, đặc biệt khi đang sợ hãi. Khi chụp ảnh cá mập, người chụp cần ở trong lồng sắt thiết kế riêng; Người bơi nên bơi cùng nhóm, khi cần có thể hỗ trợ nhau, tránh bơi một mình để trở thành mục tiêu chính của cá mập.

- Khi lặn và bơi, luôn chú ý quan sát không ra xa bờ, đặc biệt, nếu đi một mình.

- Tránh các vùng nước cá mập hay xuất hiện như các vùng nước đục, các vịnh nhỏ, vùng thác nước đổ xuống, kênh nước sâu, cửa sông và các cửa xả nước thải từ đất liền. Hai phần 3 các vụ cá mập tấn công xảy ra ở vùng nước đục.

- Không bơi ở vùng nước được đánh bắt cá thường xuyên, các vùng nước vừa được khuấy động bởi cơn bão. Thận trọng khi bơi qua vùng nước giữa hai dải cát.

- Ở vùng nước có cá mập, người có vết thương trên da hoặc phụ nữ đang chu kỳ kinh nguyệt tuyệt đối không xuống nước.

- Đồ bơi: Nên mặc đồ có màu đen mờ, tránh màu sắc sặc sỡ, tương phản mạnh hoặc sáng chói.

- Sự có mặt của cá heo không có nghĩa là không có cá mập, thậm chí có thể cá mập đang tìm đuổi cá heo. Cảnh giác cá mập xuất hiện khi thấy đàn cá heo có biểu hiện rối loạn, tập trung lại hoặc hướng về phía bờ.

- Khi thấy cá mập ở vùng nước nông, người bơi cần rời vùng nước với các động tác chậm rãi, có mục đích, bình tĩnh đối diện với cá mập nếu có thể, tránh các cử động sợ hãi khiến cá mập phát hiện đang suy sụp.

- Khi gặp cá mập ở vùng nước sâu, đặc biệt khoảng cách gần, cần giữ tư thế lặn dưới nước, không nên nổi lên mặt nước để thoát. Người lặn cần ở tư thế phòng vệ phía sau và cố gắng tránh bị tấn công phía trước.

- Khi thấy cá mập có biểu hiện đe dọa, ví dụ loạng choạng, giữ khoảng cách xa, không chụp ảnh, đặc biệt không dùng đèn flash.

- Không dồn cá mập vào vị trí không có lối thoát, không trêu cá mập bị nhốt, không đuổi theo cá mập.

- Không bắt chước các động tác giống với con mồi của cá mập.

- Không bắt trước các động tác của hải cẩu khi đang ở trong biển.

- Ở khu vực có cá mập, không té nước hoặc có các động tác quẫy đạp làm cá mập nhận định là con mồi đang vùng vẫy. Các hoạt động trên mặt nước, bao gồm tiếng các động cơ, kể cả máy bay trực thăng cứu hộ có thể thu hút cá mập. Khi cứu hộ bằng trực thăng, cần thoát khỏi nước càng nhanh càng tốt

- Đánh bắt hải sản: Cá bắt được nên buộc lại và để ở khoảng cách xa so với người. Lưu ý là máu cá, cá bị thương là dấu hiệu thu hút cá mập mạnh nhất. Không bơi gần người bắt cá đang cần dụng cụ đâm cá (máu dính còn lại thu hút cá mập); Người bắt bào ngư cảnh giác với cá mập do tiếng đập và cạy vỏ bào ngư cũng thu hút cá mập.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer