Cách bấm huyệt chữa mất ngủ

Mất ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ được biểu hiện bằng tình trạng khó ngủ hay ngủ không sâu giấc,… Bấm huyệt chữa mất ngủ là phương pháp tự nhiên giúp thông kinh hoạt lạc, tăng cường lưu thông máu, cân bằng âm dương trong cơ thể giúp bạn ngủ ngon hơn.
03/01/2023 14:24

Vị trí bấm huyệt

Theo Đông y, tâm chủ thần minh, can chủ nộ thịnh. Mất ngủ, ngủ không ngon giấc là do tâm can bất ổn. Khi tim khỏe mạnh, gan bình hòa sẽ giúp ngủ ngon giấc hơn. Quan điểm điều trị của Y học cổ truyền quan tâm đến triệu chứng và căn nguyên gây bệnh. Khi tìm ra và điều trị được nguyên nhân gây bệnh, điều hòa ngũ tạng, nâng cao thể trạng sẽ làm giảm nhanh chóng các triệu chứng và hạn chế nguy cơ tái phát bệnh. Trong bệnh mất ngủ, muốn điều trị hiệu quả phải chú trọng bổ tâm tỳ, thư can giải uất, an thần. Một số huyệt đạo điều trị mất ngủ bao gồm:

- Huyệt nội quan: Huyệt nằm ở mặt trước cẳng tay, nằm giữa gan cơ tay lớn và gan cơ tay bé. Bấm huyệt nội quan có tác dụng điều hòa khí huyết, ích tâm, an thần, cải thiện tình trạng suy nhược thần kinh.

- Huyệt thần môn: Nằm ở nếp nhăn trên cùng phía trong bàn tay, ở phía dưới ngón út. Huyệt có tác dụng an thần, làm dịu căng thẳng.

Cách bấm huyệt chữa mất ngủ. Ảnh minh họa

Cách bấm huyệt chữa mất ngủ. Ảnh minh họa

- Huyệt tam âm giao: Nằm tại phần lõm sau xương chày, cách mắt cá chân khoảng 6,5cm. Huyệt nằm ở vị trí giao giữa ba đường kinh âm là thái âm tỳ, thiếu âm thận, quyết âm can. Huyệt có công năng dưỡng âm, tác động trực tiếp vào can, tỳ, thận và giúp điều hòa thần kinh.

- Huyệt dũng tuyền: Khi co bàn chân và ngón chân lại, vị trí huyệt dũng tuyền nằm tại chỗ hõm xuất hiện ở 1/3 trước gan bàn chân. Huyệt dũng tuyền có rất nhiều công năng, đối với mất ngủ, huyệt có tác dụng thúc đẩy, lưu thông khí huyết, cải thiện giấc ngủ.

- Huyệt phong trì: Nằm ở sau gáy. Đặt hõm giữa hai bàn tay vào đỉnh hai tai, các ngón tay ôm chặt lấy đầu, ngón cái hướng về sau gáy. Miết hai ngón cái từ trên xuống dưới, vượt qua một u xương rối rơi xuống một chỗ hõm ở hai khối cơ nổi sau gáy là vị trí của huyệt phong trì. Huyệt phong trì có tác dụng giảm căng thẳng, cải thiện các triệu chứng hô hấp, giảm đau đầu, hoa mắt, ù tai, hay quên, giảm sức chú ý.

- Huyệt ấn đường: Là vị trí giao điểm giữa đường nối hai đầu lông mày với đường thẳng từ sống mũi lên. Huyệt có tác dụng giảm đau đầu, giảm căng thẳng, mệt mỏi, ổn định tâm trạng, giảm mất ngủ.

- Huyệt thái dương: Huyệt nằm ở đường mạch xanh ngay sau đuôi lông mày. Đây là điểm nối của đuôi lông mày và đuôi mắt, cạnh chỗ hõm nhất sát ngay ngoài ổ mắt xương gò má. Huyệt vị này được dùng để giảm các triệu chứng đau đầu, giảm đau nhức, áp lực của hệ thần kinh, giảm căng thẳng, lo âu, tăng cường miễn dịch.

- Huyệt thiên trụ: Huyệt nằm ở sau gáy, nằm giữa tai và đầu cột sống. Từ vị trí chân tóc sau gáy đo lên khoảng 0,5 thốn rồi tiếp tục đo ngang 1,3 thốn là vị trí của huyệt thiên trụ. Huyệt thiên trụ có tác dụng kích thích dây thần kinh, thúc đẩy quá trình lưu thông khí huyết, giúp giảm đau đầu, cải thiện giấc ngủ.

Cách bấm huyệt chữa mất ngủ

Để bấm huyệt chữa mất ngủ hiệu quả, điều đầu tiên là cần xác định đúng vị trí huyệt và thực hiện bấm huyệt theo cách sau đây:

Huyệt nội quan

Dùng ngón tay cái ấn vào vị trí huyệt, ấn khoảng 3 phút đến khi cảm thấy hơi đau thì dừng lại.

Thực hiện bấm huyệt nội quan hàng ngày giúp cải thiện giấc ngủ nhanh chóng.

Cách bấm huyệt chữa mất ngủ. Ảnh minh họa

Cách bấm huyệt chữa mất ngủ. Ảnh minh họa

Huyệt thần môn

Đặt ngón tay cái lên vị trí huyệt, bốn ngón tay còn lại đỡ bên dưới cổ tay làm điểm tựa.

Ấn huyệt với lực vừa phải rồi day theo kim đồng hồ 2 – 3 phút rồi đổi tay. Có thể thực hiện bấm huyệt nhiều lần.

Huyệt tam âm giao

Người bệnh ngồi trên đệm hoặc dưới đất, hai cánh tay gập nhẹ sao cho bàn tay ôm lấy cổ chân.

Tay còn lại tác động một lực vừa đủ lên huyệt, day huyệt theo chiều kim đồng hồ liên tục trong 5 – 7 phút.

Huyệt dũng tuyền

Để hai chân hướng tự nhiên lên trên hoặc ngồi khoanh chân.

Dùng ngón cái xoa nhẹ từ gót chân đến vị trí huyệt cho tới khi bàn chân nóng lên.

Huyệt phong trì

Người bệnh ở tư thế ngồi, có điểm tựa.

Dùng hai ngón tay cái ấn huyệt theo chiều kim đồng hồ 2 – 3 phút.

Trong khi bấm huyệt, các ngón tay khác ôm chặt lấy đầu để làm điểm tựa. Mỗi ngày thực hiện bấm huyệt 2 lần.

Huyệt ấn đường

Xoa nóng hai bàn tay.

Dùng ngón tay cái ấn vào huyệt với lực từ nhẹ đến nặng trong 1 – 3 phút rồi từ từ vuốt sang thái dương. Thực hiện liên tục 30 lần mỗi ngày.

Huyệt thái dương

Dùng ngón tay trỏ day huyệt theo chiều kim đồng hồ trong 30 giây. Thực hiện 5 – 10 lần liên tục.

Huyệt thiên trụ

Dùng ngón tay cái bấm huyệt với lực vừa phải trong 1 – 2 phút.

Thực hiện bấm huyệt 20 lần liên tục hàng ngày. Kết hợp massage và xoa bóp nhẹ vùng cổ để khí huyết lưu thông tốt hơn.

Lưu ý khi bấm huyệt:

- Phụ nữ mang thai, đang trong thời kỳ kinh nguyệt không bấm huyệt.

- Không bấm huyệt tại các vị trí có vết thương hở.

- Khi bấm huyệt nên tác động lực từ nhẹ đến nặng để tránh làm tổn thương huyệt.

- Nên thực hiện bấm huyệt vào buổi tối để dễ đi vào giấc ngủ.

- Thực hiện bấm huyệt với chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thể thao, giảm stress,… giúp ngủ ngon hơn.

Bấm huyệt là phương pháp cải thiện giấc ngủ tự nhiên, hiệu quả cao và an toàn. Thực hiện bấm huyệt hàng ngày giúp cơ thể được phục hồi, giải tỏa căng thẳng sau một ngày lao động mệt mỏi, điều này giúp cơ thể thoải mái, tinh thần thư giãn và giấc ngủ sẽ đến dễ dàng hơn.

Theo Thaythuocvietnam

comment Bình luận

largeer