Cải bẹ xanh điều trị ho đờm, viêm thận, lao hạch và đau khớp

Cải bẹ xanh còn được gọi là cải xanh, cải canh, cải cay, cải dưa, cây rau cải, la thái, mao la, tuyết lý kỳ,… Đây là loại rau cải thông dụng trong các bữa ăn hàng ngày, thường được ăn sống hay chế biến qua các cách như nấu canh, xào, nhúng lẩu. Ngoài ra, loại rau này còn có công dụng trừ đờm, tiêu phù thũng, thông kinh lạc, giảm đau khớp, điều trị lao hạch.
13/05/2024 15:46

Cải bẹ xanh điều trị ho

Nước ép cải bẹ xanh: Nước ép cải bẹ xanh có vị cay, hơi đắng, mùi nồng và hăng. Quả thật, nó có phần khó uống nhưng nếu chịu khó uống một hơi thì cũng xong. Không chỉ giúp giảm ho hiệu quả (kể cả ho đờm), nước ép cải bẹ xanh còn giúp dễ tiêu hóa. Tuy nhiên, những người bị ho ra máu thì không được dùng.

Cháo cải bẹ xanh: Bên cạnh nước ép, cải bẹ xanh nấu cùng với cháo gạo trắng cũng giúp giảm ho (cắt thành từng đoạn nhỏ rồi bỏ vào nấu chung khi cháo đã gần chín) và cách này thì dễ dùng hơn so với uống nước ép tươi. Có thể nói, cháo cải bẹ xanh là minh chứng sống động cho quan điểm “món ăn cũng là bài thuốc”.

Liều lượng cho mỗi ngày: 150g cải bẹ xanh tươi.

caibexanh

(Ảnh: Caythuoc.org)

Cải bẹ xanh điều trị viêm thận

Là loại rau cải thông dụng, dễ tìm, cải bẹ xanh còn được biết đến với công dụng điều trị viêm thận qua hai cách sau:

Cách 1: Dùng 150g cải bẹ xanh tươi nấu lấy nước uống trong ngày.

Cách 2: Dùng 150g cải bẹ xanh tươi nấu nước (vừa đủ) trong khoảng 25 phút thì đập một quả trứng rồi cho vào nấu chung như nấu canh vậy. Sau đó, tiếp tục đun lửa nấu cho thật chín rồi cho thêm chút muối vào và ăn. Lưu ý, mỗi ngày chỉ ăn một lần vào buổi trưa và ăn nhiều ngày liên tiếp.

Hạt cải bẹ xanh và các công dụng làm thuốc

Bên cạnh lá thì hạt cải bẹ xanh (giới tử) cũng được dùng làm thuốc. Theo Đông y, hạt cải bẹ xanh có vị cay, tính nóng, có các tác dụng chính là: Điều trị viêm khí quản; Đổ mồ hôi; Giúp tiêu đờm; Tiêu thũng độc và làm thông kinh lạc.

Liều dùng: Mỗi ngày tán bột hoặc sắc lấy nước uống từ 3 – 6g hạt cải xanh.

Ngoài ra, hạt cải xanh còn được dùng trong nhiều bài thuốc dân gian. Có thể kể ra đây một số bài thuốc kết hợp như:

Điều trị lao hạch: Nghiền nát hạt cải bẹ xanh và hành tươi, sau đó trộn hai thứ lại và đắp lên vùng nổi hạch (tỉ lệ mỗi vị bằng nhau sao cho vừa đủ đắp).

Điều trị đau khớp: Nghiền hạt cải bẹ xanh thành bột mịn rồi trộn với bột mì, sau đó đắp lên vùng xương khớp đau nhức, dùng vải buộc lại đến khi nào cảm thấy hơi tê thì gỡ ra (lưu ý không để quá lâu).

Điều trị đơn độc (viêm quầng), sưng tấy: Nghiền nát hoặc giã nhỏ hạt cải bẹ xanh rồi trộn với giấm và đắp lên vùng da bệnh (hoặc làm thành cao dán đều được).

Lưu ý

Đối tượng cần tránh: Những người đang bị nhọt, đau mắt, ho ra máu, đại tiện ra máu và trĩ không nên dùng cải bẹ xanh.

Độc tính: Kết quả nghiên cứu cho thấy dầu được chiết xuất từ cải bẹ xanh nếu tiếp xúc với da trong thời gian dài (hoặc với nồng độ cao) sẽ gây phồng mụn nước trên da và rất khó để điều trị, ngoài ra còn gây sưng niêm mạc ở thỏ (dù chỉ dùng với nồng độ thấp).

Biểu hiện: Sau khi uống nước ép cải xanh tươi, ở một số người có thể thấy hơi nóng trong khoang bụng hoặc ợ nhẹ nhưng các biểu hiện này sẽ nhanh chóng mất đi.

Liều lượng: Không nên lạm dụng cải bẹ xanh làm thuốc trong thời gian dài.

Phân biệt: Cần phân biệt giới tử với bạch giới tử, hắc giới tử là hai loại khác nhưng cũng thường được dùng với tác dụng tương tự.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer