Campuchia điều trị COVID-19 ở nhà hiệu quả, Nga đẩy nhanh công nhận chứng chỉ tiêm chủng

Theo số liệu của Bộ Y tế Campuchia, hơn 4.000 bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại nhà, trong đó có hơn 1.400 bệnh nhân đã bình phục và không có trường hợp tử vong. Còn Nga đang đối thoại về công nhận chứng chỉ tiêm chủng của nhau với EU.
18/08/2021 10:31

Theo Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia ông Ngov Kang, việc điều trị COVID-19 tại nhà là hướng đi mới và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

22

Các cơ quan chức năng Campuchia hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà

Phát biểu với báo giới hôm nay, ông Ngov Kang, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia cho biết, việc cho một số bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại nhà đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số thách thức. Thứ nhất là việc giữ khoảng cách giữa người bệnh và các thành viên khác trong gia đình. Thứ hai là một số bệnh nhân đã giấu thông tin khi được chuẩn đoán bị COVID-19. Ông Ngov Kang cũng cảnh báo, nếu bệnh nhân không khai báo thông tin với cơ quan y tế thì sẽ rất khó tiếp cận được các dịch vụ y tế khi cần thiết hoặc nguy cơ lây nhiễm cho người thân và cộng đồng.

Theo Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia, việc đặt bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà đã giảm đáng kể tình trạng quá tải tại các bệnh viện, tạo điều kiện hỗ trợ và điều trị cho các bệnh nhân nặng khác.

Tính đến ngày 17/8, Campuchia đã ghi nhận 86 597 trường hợp bị COVIDd-19, trong đó có 81.918 trường hợp đã bình phục và 1.718 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov ngày 17/8 cho biết, Nga đang đối thoại với Liên minh châu Âu (EU) về việc công nhận lẫn nhau các giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, ngay cả đối với các vaccine không được công nhận ở nước khác.

Phát biểu tại một cuộc gặp với các cán bộ giảng dạy của vùng Kaliningrad, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga và Liên minh châu Âu đang thảo luận về việc công nhận lẫn nhau các giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19. Bộ trưởng Lavrov lưu ý: “Bây giờ là đang nói về các cuộc tiếp xúc của chúng tôi với Liên minh châu Âu, không phải để họ cấp chứng nhận cho vaccine của chúng tôi, mà để các giấy chứng nhận, ngay cả đối với vaccine không được công nhận ở quốc gia khác, được công nhận lẫn nhau. Sáng kiến này đã được Đại sứ EU tại Moscow Markus Ederer lên tiếng. Chúng tôi hưởng ứng. Chúng tôi đang giúp đỡ cho các cuộc đối thoại mà từ phía Nga do đại diện Bộ Y tế và Trung tâm Gamalei tiến hành.”

Theo Bộ trưởng Lavrov, một số vấn đề kỹ thuật và pháp lý đang được giải quyết, bao gồm cả sự cần thiết đảm bảo bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo sự tương thích kỹ thuật của các thủ tục và một số vấn đề khác. Ông cho rằng, vẫn có những "dấu hiệu kìm hãm", “chính trị hóa” khiến tiến trình công việc bị chậm lại. Nhưng Nga đã sẵn sàng và sẽ tiếp tục đối thoại thực dụng và chuyên nghiệp. Moscow hy vọng rằng sẽ đạt được các thỏa thuận đáp ứng lợi ích của cả công dân Nga và công dân của các nước EU.

Trước đó, Đại sứ EU tại Moscow Markus Ederer nói rằng, Liên minh châu Âu đã đề xuất với Bộ Y tế Nga thảo luận về việc công nhận lẫn nhau các chứng nhận tiêm chủng vào đầu tháng Bảy. Theo ông, Dự luật Hộ chiếu COVID-19 của Châu Âu quy định việc công nhận chứng chỉ tiêm chủng từ các nước thứ ba.

Ủy ban châu Âu vào cuối tháng 7 đã công nhận chứng chỉ tiêm chủng từ San Marino. Kể từ tháng 2, nước cộng hòa này đã tiêm ngừa COVID-19 bằng vaccine Sputnik V của Nga. Theo Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga, tính đến giữa tháng 5, 90% những người đã tiêm ở San Marino là bằng vaccine của Nga. Sau đó, EU lưu ý rằng mỗi quốc gia có quyền quyết định một cách độc lập việc công nhận giấy chứng nhận của những người được tiêm chủng "Sputnik V" hay không.

Theo VOV

comment Bình luận

largeer