Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5: Nữ điều dưỡng Dinh dưỡng quan tâm, chăm sóc, yêu thương qua chế độ ăn uống bệnh lý cho bệnh nhân cao tuổi

Ngày 12/5 hàng năm được Hội đồng Điều dưỡng Thế giới chọn là ngày Quốc tế Điều dưỡng. Đây là dịp để tưởng nhớ bà Florence Nightingale - người đặt nền móng cho ngành điều dưỡng hiện đại, đồng thời ghi nhận và tôn vinh, tri ân những đóng góp quan trọng, âm thầm của các thế hệ làm công tác chăm sóc người bệnh và cộng đồng trên toàn thế giới.
12/05/2024 10:46

Theo thống kê tuổi thọ bình quân của Việt Nam những năm gần đây tăng lên, nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Những bệnh nhân trên 80 tuổi có đến 6 bệnh phối hợp như đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, parkinson, sa sút trí tuệ, đột quỵ...

Tại các cơ sở y tế, khoảng 70% công việc do điều dưỡng thực hiện. Người điều dưỡng cũng là cán bộ y tế đầu tiên và cuối cùng tiếp xúc với người bệnh khi họ vào viện và xuất viện.

Các điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân cao tuổi có bệnh lý nên đều rất vất vả nhưng đối với họ đều là niềm hạnh phúc mỗi khi thấy bệnh nhân có chuyển biến tốt từng ngày. Các điều dưỡng viên được đào tạo và trang bị kiến thức nền tảng cũng như chuyên sâu về khoa học xã hội, sức khỏe và điều dưỡng. Không những thế, các điều dưỡng viên còn trau dồi khả năng phân tích cũng như kỹ thuật điều dưỡng chuyên khoa để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi. 

Empty

Chị Trần Thu Trang với công việc hàng ngày

Chị Trần Thu Trang (SN 1986) là điều dưỡng dinh dưỡng của Bệnh viện Lão khoa Trung ương với những quan tâm, chăm sóc, yêu thương người bệnh qua chế độ ăn uống bệnh lý dành cho bệnh nhân cao tuổi để sớm phục hồi sức khoẻ.

Năm 2007, chị Trang tốt nghiệp Trung cấp Bạch Mai, chị đã trải qua khoảng thời gian học tập, rèn luyện tại Bệnh viện Bạch Mai rồi chính thức công tác tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Hàng ngày, chăm sóc các bệnh nhân là người cao tuổi với đa bệnh lý. “Những người cao tuổi khi nằm viện đã rất mệt mỏi mà còn mang trong mình những đa bệnh lý khiến bản thân họ người bệnh chịu đau đớn, khó  chịu . Chính điều này đỏi hỏi những cán bộ y tế, điều dưỡng phải có kỹ năng giao tiếp tốt, chuyên môn tốt để giúp người bệnh, chăm sóc và phối hợp với các bác sĩ để điều trị người bệnh được đạt hiệu quả cao”, chị Thu Trang cho biết.

Năm 2015, chị Thu Trang được Bệnh viện cử đi học lớp chuyên khoa về dinh dưỡng, từ đó, chị chuyển sang công tác tại Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện. “Từ ngày về làm việc tại Viện Lão khoa, tôi rất muốn gắn bó và cống hiến với Bệnh viện. Mặc dù bản thân có những trăn trở với công việc chăm sóc người cao tuổi, nhưng vì đã công tác trong nghề y 14 năm qua nên đã dành nhiều tình cảm  yêu quý nghề và gắn bó với nghề y cao quý”, chị Thu Trang bộc bạch.

Theo chị Thu Trang, bên Lâm sàng có những mặt bệnh chuyên môn thì bên Dinh dưỡng nếu tìm hiểu sâu thì cũng có những kiến thức rất hay và bổ ích. Những bệnh lý ngoài dùng thuốc, kết hợp phục hồi chức năng cùng với dinh dưỡng sẽ giúp cho bệnh nhân có được chế độ ăn uống hợp lý, sức khoẻ tốt hơn, bệnh tình thuyên giảm, nâng cao sức đề kháng.

Đối với người già, các bộ phận trên cơ thể đã có phần lão hoá không thể tập luyện và ăn như người trẻ tuổi nên khoa dinh dưỡng đã góp phần giúp cải thiện bệnh lý của bệnh nhân, nâng cao sức khỏe, cải thiện các chức năng của cơ thể  dựa trên chế độ ăn bệnh lý hợp lý.

Empty

Nữ điều dưỡng luôn tâm huyết với nghề

“Dù công tác ở chuyên khoa nào, các điều dưỡng đều tâm huyết với bệnh nhân như người trong gia đình. Chúng tôi chăm sóc bệnh nhân bằng chữ  tâm thì công việc sẽ không còn thấy nặng nhọc hay vất vả nữa”, đồng thời luôn luôn thực hiện theo tiêu chí của bệnh viện “ Kỷ cương, Trách nhiệm, Chuyên nghiệp, Tận tâm” chị  Trang chia sẻ.

Trong bối cảnh nước ta dân số gần đạt được 100 triệu dân và cùng với tốc độ già hóa dân số nhanh thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho những người ốm đau hay người già ngày càng cao. Chính vì thế, các điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi. Điều dưỡng viên chính là người chăm sóc trực tiếp cả thể chất lẫn tinh thần cho những người cao tuổi nên sẽ tác động trực tiếp tới người cao tuổi. Đây là công việc rất áp lực và cần có tay nghề cao.

Do đó, công việc này cần được sự cảm thông, thấu hiểu với tâm lý, tình cảm và chia sẻ của người cao tuổi. Người điều dưỡng cần cả kỹ năng cốt lõi và kỹ năng mềm trong tiếp xúc với người cao tuổi. Công việc này cần được sự đánh giá đúng mức của cộng đồng, xã hội.

Người cao tuổi thường là đối tượng được chăm sóc đặc biệt vì không chỉ khi về già sức khỏe yếu đi mà tính cách cũng rất dễ tổn thương, chạnh lòng, giận hờn. Càng già thì càng hay cả nghĩ và luôn có cảm giác cô đơn. Người chăm sóc không chỉ cần có kỹ năng cần thiết mà còn phải là tình yêu thương, sự cảm thông đặc biệt. Ngoài tình yêu nghề, có lương tâm nghề nghiệp, còn phải biết nhẫn nại, lắng nghe và thấu hiểu người cao tuổi.

Empty

Những người điều dưỡng như chị Thu Trang là một điển hình, ở họ có cái tâm trong nghề, có sự chu đáo, tỉ mỉ, tận tuỵ với công việc, coi bệnh nhân như người ruột thịt để có thể gắn bó với nghề nhiều hơn nữa, đem đến cho bệnh nhân không chỉ sự hài lòng mà còn cả tấm lòng y đức.

Nhân ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5, chị Thu Trang chỉ mong các bệnh nhân sớm khoẻ mạnh để có thể xuất viện về với gia đình và tất cả người cao tuổi được chăm sóc đầy đủ để sống vui, sống khỏe cùng gia đình. Chúc các điều dưỡng nhiều sức khoẻ, ngọn lửa đam mê với nghề cháy mãi để tiếp tục cống hiến cho nghề trong việc chăm sóc khoẻ Nhân dân.

Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta đang thiếu khoảng 100.000 điều dưỡng so với tiêu chuẩn của WHO. Tỉ lệ điều dưỡng trên dân số Việt Nam đang rất thấp so với thế giới, trung bình 11,4/10.000 dân. Trên thế giới, cứ một bác sĩ có 3-4 điều dưỡng, Nhật Bản một bác sĩ có đến 9-10 điều dưỡng, còn Việt Nam một bác sĩ chưa đến 2 điều dưỡng. Tình trạng này khiến công việc của các điều dưỡng, đặc biệt là ở bệnh viện tuyến cuối, rất áp lực.

Dương Hương - Nguyễn Trang. Ảnh: NVCC

comment Bình luận

largeer