Cẩn thận nguy cơ tử vong do dùng quá nhiều cam thảo

Việc lạm dụng quá nhiều cam thảo có thể dẫn đến những tác động xấu tới sức khỏe, vì thế bạn cần phải cẩn trọng.
05/10/2020 14:42

Thông tin một người tử vong vì dùng sản phẩm có chứa cam thảo những ngày qua khiến nhiều người lo lắng. Dù đây là trường hợp hy hữu, song các chuyên gia cũng khẳng định, nếu lạm dụng thảo mộc này cũng có những tác động không nhỏ tới sức khỏe.

Tuần qua, truyền thông Mỹ rộ lên thông tin một công nhân xây dựng ở bang Massachusetts tử vong sau nhiều tuần liên tục ăn kẹo cam thảo. Nam bệnh nhân 54 tuổi này ngã quỵ trong lúc đang ăn trưa tại một cửa hàng đồ ăn nhanh.

Qua kiểm tra, các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts, TP.Boston, bang Massachusetts phát hiện, nồng độ kali trong máu của ông ở mức thấp dẫn tới rối loạn nhịp tim và nhiều vấn đề khác. Dù được sơ cứu tại chỗ bệnh nhân vẫn tử vong. Nguyên nhân được kết luận do bệnh nhân thiếu chất và ngày nào cũng ăn một túi rưỡi cam thảo đen suốt nhiều tuần. 

 
dung-nhieu-cam-thao-co-nguy-_831601823286
Cam thảo được sử dụng phổ biến trong các loại trà với mục đích giải nhiệt

Theo các chuyên gia, a-xít glycyrrhizic, chất có trong cam thảo đen và nhiều loại đồ ăn, thực phẩm chức năng có chứa chiết xuất này từ rễ cam thảo, có thể gây tình trạng thiếu kali và mất cân bằng khoáng chất, chủ yếu là chất điện giải.

Trước đó, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo ăn từ 57g cam thảo đen mỗi ngày trong hai tuần có thể gây rối loạn nhịp tim, đặc biệt ở những người trên 40 tuổi. Hàm lượng a-xít glycyrrhizic tối đa mà FDA cho phép trong thực phẩm là 3,1%. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp công bố minh bạch về hàm lượng này trong sản phẩm. Đó là thực tế được các chuyên gia cảnh báo với người dân khi sử dụng các sản phẩm từ cam thảo. 

Thông tin trên khiến không ít người lo lắng, bởi cam thảo là một trong những vị thuốc Đông y quen thuộc, thậm chí được nhiều gia đình sử dụng hằng ngày trong các loại trà giải nhiệt. Liệu việc sử dụng này có gây độc hại, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng người sử dụng?

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, lương y Vũ Trung, Hội Đông y TP.Hà Nội, cho biết loại cam thảo tại Việt Nam sử dụng có màu vàng, không phải cam thảo đen nên chưa có thông tin chính xác về loại chất gây độc cho sản phẩm. Trong nhiều năm qua, vị lương y này cũng chưa ghi nhận trường hợp nào ngộ độc do sử dụng cam thảo.

Tương tự, lương y Lương Xuân Hải, Chủ tịch Hội Đông y Q.Đống Đa (Hội Đông y TP.Hà Nội), chia sẻ cam thảo là thảo mộc có tác dụng điều hòa các vị thuốc, bổ tì, giải nhiệt và tiêu độc. “Trong nhiều năm qua, tôi đã sử dụng bài thuốc cam thảo rất hiệu quả đối với những bệnh nhân bị ngộ độc thuốc Tây, kháng sinh, thậm chí là thuốc ngủ.

Đun 50-60g cam thảo cô đặc cho người bệnh uống, sau đó sẽ tỉnh táo trở lại”, lương y Lương Xuân Hải nói. Bên cạnh đó, cam thảo còn có tác dụng giảm đau, có thể sử dụng một mình hoặc phối hợp với các loại thuốc khác. Chỉ từ 3-4g thảo mộc này cũng có thể làm giảm rõ rệt triệu chứng đau bụng. Cam thảo với tác dụng giải nhiệt còn được người dân sử dụng làm đồ uống, có hương vị thơm ngon. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, nếu sử dụng quá nhiều cam thảo với liều lượng cao mỗi ngày thì cũng có thể dẫn đến những tác động tiêu cực tới sức khỏe con người. “Theo nghiên cứu của y học cận đại, việc dùng nhiều vị thuốc này có thể làm ảnh hưởng tới vấn đề sinh lý của nam giới”, lương y Vũ Trung thông tin.

Còn theo lương y Lương Xuân Hải, tác hại của việc lạm dụng cam thảo là dẫn tới tình trạng bị giãn đồng tử, tụt huyết áp và tích nước cho cơ thể. Vị lương y này khuyến cáo, đối với những người có bệnh thận hư, tiểu đường, thận dương yếu, huyết áp thấp thì tuyệt đối không nên sử dụng các bài thuốc có cam thảo bởi sẽ mang lại tác dụng ngược không mong muốn. Cũng giống như nhiều vị thuốc khác, sử dụng cam thảo với liều lượng thông thường khá lành tính, song người dùng vẫn nên tham khảo sự hướng dẫn của thầy thuốc để đảm bảo an toàn. 

Theo Phụ Nữ

comment Bình luận

largeer