Cần truyền thông sâu rộng, giúp mọi người hiểu hơn về hiến mô tạng

Ngày 16/7, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức hội thảo về hiến, lấy, ghép và điều phối mô, tạng tại Việt Nam.
17/07/2024 11:17

Theo số liệu của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, năm 2023, số người được ghép tạng tại Việt Nam là 1.000 người, trở thành nước có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á.

Tuy nhiên, trong số người được ghép này chủ yếu lấy từ nguồn tạng là người hiến còn sống, còn nguồn tạng là người chết não chỉ có 12 người.

DSC06291

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết, tỷ lệ thực tế người hiến tạng sau chết não năm 2023 tại Việt Nam chỉ chiếm 0,15%, đứng thứ 38 trên thế giới. Một người chết não hiến tặng mô tạng có thể cứu sống cho hàng chục người bệnh khác. Thời gian qua, đặc biệt sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động hiến mô tạng, số lượng người đăng ký hiến mô tạng trên cả nước đã tăng lên.

"Điều đó là tín hiệu mừng cho phong trào hiến mô tạng tại Việt Nam. Tuy nhiên thực tế nhiều người dù khi còn sống đã đăng ký hiến mô tạng nhưng khi qua đời, người thân không đồng ý, các y bác sĩ cũng không thể lấy tạng hiến", PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thêm, hiện nay, khó khăn chủ yếu liên quan đến vận động đăng ký hiến tạng vẫn là quan niệm, nhận thức của người dân là chết phải toàn thây, e ngại đụng vào thân thể người thân sau chết; Sợ ảnh hưởng gia đình; Chưa thấy hiến tạng là văn hoá, trách nhiệm và từ bi với cộng đồng.

Trong các hoạt động truyền thông, lan tỏa thông điệp về việc cho đi là còn mãi, các cơ quan cần phải xác định các đối tượng đích để có cách truyền thông khác nhau. “Truyền thông không nên chỉ tập trung vào đưa tin về các ca ghép tạng thành công. Bên cạnh đó, người dân còn khó khăn về cách thức đăng ký hiến tạng, cần hướng dẫn đơn giản, dễ tiếp cận cho người dân”, bà Tiến chia sẻ.

z5638862634629_f46e594514880e01bb32555c7f1e34b4

PGS.TS. Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, PGS.TS. Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Tính đến ngày 1/6/2024, Việt Nam có 12 chết não hiến mô tạng, trong đó có 6 ca tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; 2 ca tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các ca còn lại tại Bệnh viện E, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ.

Số ca đăng ký hiến tặng mô, tạng và số ca gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng cũng đã tăng rất nhanh so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thể đáp ứng với thực tiễn có hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang chờ ghép tạng.

Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, PGS.TS. Đồng Văn Hệ chia sẻ: "Theo quy định hiện nay khi lấy tạng của người hiến tạng cần có sự đồng ý của gia đình. Gia đình là tất cả các thành viên có quan hệ với người hiến, chỉ cần một người không đồng ý, phản đối sẽ không thực hiện được. Trung tâm đã từng gặp không ít trường hợp dù cha mẹ người hiến mô, tạng đã đồng ý hiến tạng, thế nhưng khi chuẩn bị thực hiện, một người trong họ hàng không đồng ý cũng không thể lấy tạng hiến. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn tạng hiến từ người cho chết não tại Việt Nam còn hạn chế”.

Vì vậy, theo PGS,TS Đồng Văn Hệ để người đăng ký hiến mô, tạng được hiến tặng mô, tạng của mình sau khi chết, cần nâng cao được nhận thức của cộng đồng về hiến mô tạng. Khi mỗi người đều hiểu về nghĩa cử cao đẹp của việc hiến mô tạng, đem lại sự sống cho những người khác thì việc ngăn cản thực hiện mong muốn của người chết sẽ giảm đi.

DSC06255

Đại đức Thích An Đạt, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

Trong khi đó, Đại đức Thích An Đạt, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, địa táng hay "chết toàn thây" không phải là quan niệm của nhà Phật.

Cũng theo đại đức Thích An Đạt, truyền thông là một mắt xích rất quan trọng trong việc vận động hiến tạng. Vì thế, ông và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang có chương trình phối hợp truyền thông cho cộng đồng để biết hiến mô tạng là một trong những thực hành theo tinh thần từ bi của nhà Phật...

z5639232580144_a11654142742253cb308247fc262fb13

Các đại biểu tham dự hội thảo

Thu Trang
Ảnh: Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam

comment Bình luận

largeer