Cảnh báo biến chứng về mắt do phẫu thuật thẩm mỹ

Một cô gái đi nâng mũi ở spa không được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ. Vừa tiêm chất làm đầy (filler) vào mũi, cô thấy choáng váng, đau buốt tận óc và không nhìn thấy gì nữa. Anh cô, một bác sĩ, gọi khẩn cấp cho Viện Mắt. Bệnh nhân lập tức được chuyển cấp cứu trong đêm tại Bệnh viện Việt Đức.
22/03/2022 16:39

Tôi nhận được cú điện thoại cấp cứu vào lúc 23h ngày cuối cùng của tháng 7 âm lịch hai năm trước. 

Các bác sĩ quyết định đặt một ống xông siêu nhỏ vào động mạch đùi, sau đó luồn lên theo hệ thống động mạch chủ tới tận động mạch cảnh trong não để tìm được đến động mạch mắt. Thuốc giải được tiêm trực tiếp vào lòng động mạch mắt với hy vọng làm thông chỗ tắc.

Chúng tôi vỡ òa khi hai tiếng sau, bệnh nhân nhìn lại được. Tuy nhiên, chỉ 12 tiếng sau, bệnh nhân lại đột ngột xuất hiện hiện tượng tái mù hoàn toàn lần hai. Cả ê-kíp tiếp tục can thiệp tối khẩn cấp, kết hợp cùng lúc hai loại thuốc giải và thuốc thông tắc mạch. Sau ba giờ nỗ lực không ngừng, thị lực của bệnh nhân dần hồi phục. Những ca tai biến kiểu này không mới, nhưng đây là ca đầu tiên trên thế giới, bác sĩ cứu được thị lực cho bệnh nhân nhờ cải tiến phương pháp tiếp cận vào thời điểm đó. Thành công này của Việt Nam đã được đăng tải trên Tạp chí Aesthetic Plastic Surgery của Hiệp hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ thế giới ISAPS.

Sau ca đầu tiên, chúng tôi tiếp tục giúp thêm một bệnh nhân nữa nhìn lại được. Nhiều ca khác tới cấp cứu chậm, bệnh nhân mù vĩnh viễn hoặc phải múc bỏ nhãn cầu để thay mắt giả suốt đời. Ngay lúc đang viết bài này, tôi cũng đang chờ cấp cứu một ca tương tự, bệnh nhân không chỉ mù mà còn liệt nửa người do nâng mũi.

Tiêm chất làm đầy để sống mũi cao lên là việc tưởng dễ mà khó. Người có chuyên môn có thể tiêm từng mũi nhỏ, vừa tiêm vừa nghe ngóng. Người không được đào tạo thường cố gắng “tống” cả một xilanh chất đó vào thật nhanh. Do không học giải phẫu, họ dễ tiêm luôn chất này vào lòng động mạch ở mũi. Do bị tiêm nhanh và mạnh quá mức, chất filler theo mạch máu thông từ mũi trào ngược vào trong sọ, rồi bị đẩy lên động mạch mắt và làm tắc động mạch mắt. Nếu không được can thiệp thông tắc mạch nhanh chóng và đúng cách, bệnh nhân bị mù vĩnh viễn. Các biện pháp can thiệp trước đây chỉ là tiêm thuốc giải vào vùng da hoặc tổ chức ngoại vi xung quanh ổ mắt, kết quả rất hạn chế.

Những biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ như trên không hiếm. Mỗi năm, Việt Nam có trên dưới chục ca mù hoàn toàn sau khi nâng mũi bằng tiêm chất làm đầy. Thế giới cũng có hàng trăm ca tai biến tương tự. Các biến chứng có thể nhẹ từ như nhiễm trùng nông tới hoại tử da hoặc nặng như sốc phản vệ, sốc nhiễm trùng hoặc tắc mạch gây nguy hiểm đến tính mạng. Hai năm trước, trong một tháng, ở Hà Nội có ba đến bốn ca mù mắt ngay lập tức. Bác sĩ Việt Nam khi đó rất đau lòng nhưng không cứu nổi một ca nào sáng mắt trở lại.

41BEF6A5-E54B-45F1-B185-EA0779FBD89F

Tôi quan sát đa phần các ca tai biến nặng được thực hiện bởi những cơ sở không có giấy phép thực hành phẫu thuật thẩm mỹ.

Năm năm trở lại đây, nhu cầu làm đẹp tăng mạnh, Việt Nam đối mặt với một làn sóng các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ “chui”. Rất nhiều cơ sở không được phép như spa, cửa hàng cắt tóc gội đầu, chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ cũng làm phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ. Họ truyền nhau cách làm, tự mua, mượn máy móc thực hiện. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các phẫu thuật, thủ thuật như nâng ngực, nâng mũi, tạo hình hai mí, độn cằm, tiêm filler hay botox phải được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa được cấp phép và do bác sĩ chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ thực hiện. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở các nước phát triển cũng phải mất 12 tới 14 năm đào tạo mới hành nghề được.

Khách hàng rất khó phân biệt được giữa các trung tâm, phòng khám chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép với các “Viện thẩm mỹ” thực tế chỉ có chức năng chăm sóc da, tóc, móng tay.

Giống như mọi can thiệp y khoa khác, các phẫu thuật, thủ thuật thẩm mỹ luôn tiềm ẩn nguy cơ. Từ góc độ bác sĩ, tôi nhận thấy có ba chốt an toàn mà nhà quản lý và người đi phẫu thuật thẩm mỹ nên lưu ý. Thứ nhất, chỉ cơ sở y tế được cấp phép của Bộ Y tế, Sở Y tế mới có chức năng thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ. Thứ hai, bác sĩ thực hiện phẫu thuật cần được đào tạo bài bản đúng chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và có bằng cấp, chứng chỉ đầy đủ. Thứ ba, tất cả các loại thuốc được sử dụng và chất liệu đưa vào cơ thể đều phải đảm bảo được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Tư vấn từ bác sĩ chuyên ngành sâu trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nào không bao giờ thừa. Nâng cao hiểu biết khoa học vẫn là chốt an toàn lớn nhất để mỗi người bảo vệ mình trước sự nhiễu loạn của các dạng thức quảng cáo thẩm mỹ hiện nay.

Chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Hồng Hà – Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình – Hàm mặt – Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

comment Bình luận

largeer