Cảnh báo một số bệnh gia tăng do thiếu i-ốt ở Việt Nam

Mới đây, các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo tình trạng thiếu i-ốt ở Việt Nam đang rất nghiêm trọng và báo động có thể gia tăng một số bệnh.
28/05/2018 16:46

 Nhân ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6), GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cảnh báo, sau 13 năm, tình trạng thiếu i-ốt tại Việt Nam đang rất nghiêm trọng và báo động có thể gia tăng một số bệnh.

Theo Tiến sĩ Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Việt Nam đang nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu i-ốt tồi tệ nhất trên thế giới. Đáng nói, tình trạng này quay trở lại, sau 13 năm Việt Nam đã thanh toán được tình trạng thiếu i-ốt, với mức bao phủ muối i-ốt lên đến 93% dân số.

Kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết TƯ năm 2013-2014, tỉ lệ bướu cổ ở trẻ 8-10 tuổi lên đến gần 10%, mức trung vị i-ốt niệu là 8,4mcg/dl. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Trong khi đó, giai đoạn 2005, tỉ lệ bướu cổ của trẻ em xuống dưới 5%, mức trung vị i-ốt niệu lớn hơn hoặc bằng 10mcg/dl.

Thông tin trên báo Công an Nhân dân, gánh nặng của tình trạng thiếu hụt i-ốt từng xảy ra ở Việt Nam những năm 1990 khi 94% dân số nằm trong vùng thiếu i-ốt, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 – 12 tuổi tới 22,4%.

Bao dong benh gia tang do thieu i-ot o Viet Nam

 Ở phụ nữ mang thai, thiếu i-ốt có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, đẻ non

Tình trạng thiếu i-ốt ở Việt Nam mang tính toàn quốc, không kể miền núi, thành thị hay vùng đồng bằng, ven biển (trước đây, chúng ta lầm tưởng rằng bệnh bướu cổ do thiếu i-ốt chỉ thường gặp ở đồng bào miền núi cao).

Nguy cơ sảy thai do thiếu i-ốt

I-ốt là một vi chất dinh dưỡng. Cơ thể sử dụng i-ốt để tổng hợp hormone tuyến giáp, rất cần cho sự phát triển của bào thai và trẻ em. Thiếu i-ốt kéo dài có thể dẫn đến tình trạng hư hại thần kinh ở bào thai và trẻ nhỏ.

Trẻ em và phụ nữ tuổi sinh đẻ là đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu i-ốt; hậu quả do thiếu i-ốt ở đối tượng này là rất nghiêm trọng, vì hormone tuyến giáp cần thiết giúp cho sự phát triển của bào thai và trẻ sơ sinh. Hơn nữa, sự hư hại hệ thần kinh ở bào thai và trẻ nhỏ do thiếu i-ốt nặng và kéo dài là hậu quả không thể đảo ngược được.

Ở phụ nữ mang thai, thiếu i-ốt có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, đẻ non... Với thanh niên, người lớn tác hại là bướu cổ, hư hại chức năng thần kinh, tâm thần...

Bệnh bướu cổ do thiếu i-ốt

Bệnh bướu cổ do thiếu i-ốt còn được gọi tên là bướu giáp đơn thuần, bướu giáp lành tính, bướu giáp không nhiễm độc, hoặc là bướu giáp dịch tễ, bướu giáp địa phương,…

Bao dong benh gia tang do thieu i-ot o Viet Nam

 Bướu giáp đơn thuần thường khó phát hiện vì không có nhiều triệu chứng rõ ràng

Bướu giáp đơn thuần thường khó phát hiện vì không có nhiều triệu chứng rõ ràng, ngoài một số biểu hiện như cổ to ra, một số bệnh nhân có cảm giác nghèn nghẹn ở cổ, thường được người khác phát hiện hoặc đi khám sức khỏe.

Một số bệnh nhân có biểu hiện nhược giáp: mệt mỏi, đau cơ, táo bón, rụng tóc, nói khàn, chán ăn, giảm trí nhớ; vùng cổ có một hoặc nhiều cục bất thường di động theo nhịp nuốt; cảm giác nghẹn, tức ở cổ, nhất là khi nuốt…Bởi vậy, khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần đến các Trung tâm y tế hoặc Bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

Suy giáp bẩm sinh và bệnh đần độn (cretinism)

Suy giáp ở trẻ do thiếu i-ốt nặng nề từ trong bào thai đến lúc sinh ra và lớn lên gây nên bệnh đần độn (cretinism); trước đây thường gặp ở các dân tộc thiểu số vùng núi cao, đất thiếu i-ốt, nên còn có tên bệnh đần độn địa phương.

Suy giáp bẩm sinh là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone ở giai đoạn sơ sinh. Là một bệnh nội tiết xảy ra do tuyến giáp của trẻ sơ sinh không sản xuất đủ nội tiết tố đáp ứng nhu cầu cần thiết của cơ thể, do dị tật bẩm sinh không có hoặc có nhưng tuyến giáp lạc chỗ; hoặc do dị tật trong quá trình trao đổi chất tuyến giáp hoặc thiếu iốt. Cứ 3.000 đến 4.000 trẻ sinh ra sẽ có một trẻ mắc bệnh này.

Các dấu hiệu lâm sàng: Chậm phát triển tinh thần vận động; Bộ mặt đặc biệt (má phị, mắt to, mũi tẹt, lưỡi dày); chậm tăng cân; lùn không cân đối; vàng da kéo dài; táo bón kéo dài; thoát vị rốn; khóc ít và tiếng khóc nhỏ; da khô, tóc khô và gãy.

Thông thường, bé bị bệnh được mô tả là “bé sơ sinh ngoan” vì bé ít khóc và ngủ hầu hết thời gian. Bệnh phổ biến hơn ở những bé có cân nặng sơ sinh dưới 2kg hoặc trên 4,5kg.

Lấy máu gót chân của bé sơ sinh trong khoảng 38-48 tiếng sau sinh nhằm xét nghiệm phát hiện bệnh điều trị sớm đã làm giảm thiểu những em bé bị chậm phát triển về thể lực, trí tuệ và nhiều bệnh lý khác.

comment Bình luận

largeer