Cấp cứu một phụ nữ bị tăng kali trong máu nặng

Theo tiền sử điều tra được, 7 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân than chóng mặt, đau đầu, nôn ói, khó thở, phù chân, có mua thuốc uống nhưng không giảm.
25/02/2021 11:54

Bệnh nhân có tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, bệnh thận không rõ chẩn đoán. Bệnh nhân không đi tái khám thường xuyên, chỉ mua thuốc theo toa trước đây để điều trị.

minh hoa

Hình minh họa.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (Vĩnh Long), các bác sĩ đã nhanh chóng thăm khám và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng. Qua kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân có tình trạng nhiễm toan nặng, kali máu tăng cao 7.23mmol/lít.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã chỉ định sử dụng thuốc hạ kali máu. Qua điều trị, tình trạng toan máu của bệnh nhân ổn, kali máu trở về bình thường 3.96 mmol/lít.

Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị tại Khoa Nội tim mạch và dự kiến xuất viện trong những ngày tới.

Kali đóng một vai trò quan trọng trong dẫn truyền xung động thần kinh, thăng bằng kiềm toan, hoạt động của các enzyme và chức năng của màng tế bào. Khi nồng độ kali máu tăng cao hơn 6 mmol/lít, cần được điều trị ngay lập tức do nguy cơ gây rối loạn nhịp tim và có thể dẫn đến tử vong.

Theo các bác sĩ, đối với những người có bệnh lý về huyết áp, tim mạch, nên thường xuyên đến các cơ sở y tế để thăm khám kiểm tra sức khỏe. Ngoài ra, cần phải có chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp để nâng cao sức khỏe cho mình. Nên hạn chế ăn mặn đối với người bệnh tăng huyết áp, người tăng kali máu nên hạn chế thức ăn có hàm lượng kali như: chuối, nước dừa, trái cây sấy khô... chế độ ăn nhạt và ăn đúng bữa.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer