WHO và UNICEF: Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong tiêm chủng trẻ em, giữ vững thành quả y tế công cộng

Theo báo cáo mới nhất của WHO và UNICEF, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò đi đầu trong khu vực về tiêm chủng cho trẻ em, với tỷ lệ bao phủ cao và tiến bộ vượt bậc sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, vẫn còn 40.000 trẻ em chưa được tiêm mũi thứ 3 vắc xin bạch hầu, uốn ván, ho gà và 27.000 trẻ em chưa được tiêm chủng mũi 1 vắc xin sởi cho thấy sự cần thiết của việc tiếp tục đầu tư vào công tác tiếp cận cộng đồng, đào tạo nhân viên y tế và truyền thông phòng chống thông tin sai lệch về vắc xin.
17/07/2025 07:04

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF (WUENIC) vừa chính thức công bố báo cáo về công tác bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh phòng ngừa được bằng vắc xin, theo số liệu ước tính mới nhất về tỷ lệ tiêm chủng toàn quốc với nhiều tiến bộ vượt bậc thời gian qua.

Theo số liệu của WHO và WUENIC thì trong năm 2024, Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng mũi đầu vắc xin bạch hầu, uốn ván và ho gà 99%, tăng từ 80% vào năm 2023. Tỷ lệ bao phủ vắc xin tại Việt Nam không chỉ phục hồi lên mức cao như trước thời điểm đại dịch COVID-19 mà còn cao hơn tỷ lệ tiêm chủng năm 2019.

Trong đó, số trẻ em chưa được tiêm bất kỳ liều vắc xin nào, hay còn gọi là nhóm trẻ “0 liều vắc xin”, đã giảm từ 274.000 vào năm 2023 xuống còn 13.000 vào năm 2024, tương đương với giảm hơn 95%. Mức giảm đáng kể này cho thấy đã có thêm nhiều trẻ em Việt Nam được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin.

Cũng theo báo cáo, vào năm 2024, Việt Nam có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao hơn mức trung bình toàn cầu nhờ có sự chỉ đạo mạnh mẽ từ Chính phủ, cung ứng vắc xin kịp thời, và nỗ lực to lớn từ phía nhân viên y tế, cha mẹ và cộng đồng.

Việt Nam có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao hơn mức trung bình toàn cầu trong năm 2024

Việt Nam có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao hơn mức trung bình toàn cầu trong năm 2024

TS Jennifer Horton, Phó Đại diện WHO tại Việt Nam nhận định, những ước tính này là bằng chứng cho thấy nỗ lực của Ngành Y tế trong đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng sau đại dịch và trong đợt bùng phát dịch sởi năm 2024-2025. Có gần 1,3 triệu trẻ em đã được tiêm chủng trong chiến dịch tiêm phòng sởi năm 2024-2025.

 Bác sĩ Nguyễn Huy Du, Quyền Trưởng chương trình Vì sự sống còn, phát triển trẻ em, UNICEF Việt Nam cũng chia sẻ:“Thành tựu này phản ánh mạnh mẽ cam kết kiên định của Việt Nam đối với sức khỏe trẻ em và sức mạnh của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu".

“Trong bối cảnh 1,8 triệu trẻ em trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vẫn chưa được tiêm chủng, thành công của Việt Nam mang đến một thông điệp rõ ràng: với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, khả năng cung cấp kịp thời và đầy đủ vật tư tiêm chủng, tiêm chủng ngoại trạm và sự tham gia của cộng đồng, việc tiêm chủng cho mọi trẻ em là hoàn toàn khả thi. Chúng tôi đánh giá cao sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam trong việc thu hẹp khoảng cách tiếp cận vắc xin và đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau", bác sĩ Nguyễn Huy Du hấn mạnh.

Việt Nam cũng ghi nhận tỷ lệ trẻ em được tiêm ba liều vắc xin bạch hầu, uốn ván và ho gà tăng 32%, đạt 97% vào năm 2024, tăng so với mức 65% của năm trước. Điều này không chỉ cho thấy khả năng tiếp cận vắc xin được cải thiện mà còn thể hiện sự sát sao với việc hoàn thành lịch tiêm đầy đủ.

Thêm vào đó, tỷ lệ tiêm mũi vắc xin sởi đầu tiên cũng tăng đáng kể, từ 82% vào năm 2023 lên 98% vào năm 2024, giúp bảo vệ nhiều trẻ em hơn khỏi một trong các căn bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh nhất.

Mặc dù vậy, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Vẫn còn 40.000 trẻ em chưa được tiêm mũi thứ 3 vắc xin bạch hầu, uốn ván, ho gà và 27.000 trẻ em chưa được tiêm chủng mũi 1 vắc xin sởi. Những con số này cho thấy sự cần thiết của việc tiếp tục đầu tư vào công tác tiếp cận cộng đồng, đào tạo nhân viên y tế và truyền thông phòng chống thông tin sai lệch về vắc xin.

Việc trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đủ liều xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm rào cản về khoảng cách địa lý, khả năng tiếp cận dịch vụ còn hạn chế ở vùng sâu vùng xa hoặc các khu vực vẫn còn thiếu các dịch vụ thiết yếu, cũng như những ảnh hưởng kéo dài của COVID-19 đối với hệ thống y tế. Việc đảm bảo chuỗi cung ứng vắc xin an toàn và không bị gián đoạn, đặc biệt là trong quá trình tái cấu trúc hệ thống y tế hiện nay sẽ rất quan trọng để duy trì độ bao phủ tiêm chủng cao. Để giải quyết các thách thức, Chính phủ nên khuyến khích các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân có thể tham gia vào thực hiện tiêm chủng thường xuyên. Chính quyền địa phương cần được hỗ trợ để triển khai các chiến lược tiêm chủng phù hợp để tiếp cận được với những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.

Tuy nhiên, WHO và UNICEF cũng lưu ý rằng Việt Nam cần tiếp tục duy trì đà tiến bộ, đặc biệt là việc tăng cường tiếp cận tiêm chủng tại các vùng sâu, vùng xa, nơi vẫn còn tình trạng bỏ sót trẻ em chưa được tiêm đủ liều.

Báo cáo nhấn mạnh, chỉ một khoảng trống nhỏ trong bao phủ vắc xin cũng có thể dẫn tới các đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm và gây thêm áp lực cho hệ thống y tế.

Các tổ chức quốc tế cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và vận động nguồn lực để Việt Nam củng cố hệ thống tiêm chủng, đảm bảo không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong hành trình bảo vệ sức khỏe.

Nguyên An

comment Bình luận