Cây vảy tê tê điều trị ho ra máu, tiểu ra máu

Có ít nhất hai vị thuốc mang tên “vảy tê tê”, đó là vảy của con tê tê (hay còn gọi là xuyên sơn giáp) và cây vảy tê tê (một loại cây có cụm hoa với các lá bắc xếp lớp như vảy con tê tê).
04/05/2023 16:26

Vì vậy, khi xem các đơn thuốc hoặc mua thuốc uống thì bạn cần tìm hiểu về công dụng của từng loại. Cây vảy tê tê còn có nhiều tên gọi khác như: Thóc lép thanh lịch, mao bài tiền thảo, vảy rồng, liên lý vĩ, chuỗi bài tiền thảo… 

Cây vảy tê tê có tên khoa học là Phyllodium elegans, thuộc họ đậu.

Cây thuộc loại thân thảo mọc đứng, thường cao không quá 2m và phần gốc hóa gỗ. Đặc biệt, các cành cây lượn sóng và có lớp lông dày màu vàng bao phủ. Mỗi lá cây gồm 3 lá chét, lá chét giữa to gấp đôi hai lá còn lại và mép lá lượn sóng, có lông ở hai mặt (mặt trên lông màu vàng, mặt dưới lông màu trắng).

Hoa của cây mọc thành cụm dài, được bao ốp bởi các lá bắc xếp lớp nên nhìn giống như vảy tê tê. Hoa có màu trắng, bầu hoa có lông rậm. Quả của cây không có cuống quả và cũng có lông mềm.

Nhìn chung, vảy tê tê hợp với trồng trang trí làm cảnh vì nó có cụm hoa đẹp, thu hút người nhìn. Ngoài ra, nó còn được dùng làm thuốc.

Cây vảy tê tê điều trị ho ra máu, tiểu ra máu. Ảnh: Caythuoc.org

Cây vảy tê tê điều trị ho ra máu, tiểu ra máu. Ảnh: Caythuoc.org

Công dụng làm thuốc của cây vảy tê tê

Cây vảy tê tê mọc khắp nơi ở Việt Nam, thường thấy ở các bãi đất hoang và ven rừng. Được biết, người ta dùng cả cây làm thuốc.

Cây vảy tê tê có vị đắng, tính bình và có các công dụng như: Đánh tan ứ đọng, giúp tiêu thũng; Khu thấp trệ, phong nhiệt; Điều trị một số bệnh về đường hô hấp (lấy hoa hãm uống như trà – kinh nghiệm dân gian Quảng Trị – Thừa Thiên Huế); Chiết xuất rễ cây được dùng bào chế thuốc điều trị các bệnh về tiêu hóa và thuốc trị mụn.

Nhìn chung, liều dùng của vị thuốc này còn tùy vào kinh nghiệm của các thầy thuốc dân gian.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc, người ta có liều dùng cụ thể cho các trường hợp như: Đòn ngã tổn thương, tụ máu bầm; Ho ra máu và tiểu ra máu; Điều trị cam tích và tràng nhạc.

Liều lượng: Nấu lấy nước uống từ 20 – 40g mỗi ngày.

Với các bệnh ngoài da như lở đầu, lở vú… dân gian thường dùng lá cây tươi, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên.

Lưu ý: Phụ nữ mang thai không được dùng.

Các nghiên cứu về cây thuốc vảy tê tê

Nhìn chung, giá trị y học của cây vảy tê tê chưa được biết đến nhiều. Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu bước đầu về công dụng của loại cây này.

Theo tạp chí Bioengineered, chiết xuất từ cây này đã được nghiên cứu về tác dụng chống ung thư trên các tế bào u não tế bào hình sao (hay còn gọi là u sao bào, u tế bào sao, U251-MG), tế bào ung thư biểu mô đại trực tràng (HCT116) và tế bào u hắc tố ác tính (A375).

Kết quả cho thấy: Chiết xuất methanolic từ cây có tác dụng chống lại cả 3 dòng ung thư vừa kể trên. Cụ thể, nó làm giảm đáng kể sự tồn tại của các tế bào ung thư, làm tế bào ung thư co lại và chết đi.

Đây là nghiên cứu khoa học đầu tiên về tác dụng chống ung thư của chiết xuất từ loại thảo dược này. Vì vậy, nó mở ra cơ hội cho các nghiên cứu kế thừa tiếp theo.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer