Chế độ dinh dưỡng cho người bị xơ gan

Để quá trình điều trị xơ gan đạt hiệu quả hơn, bệnh nhân cần lưu ý chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường chức năng gan. Một người bị bệnh gan có thể không nhận đủ năng lượng từ thức ăn, dẫn tới suy dinh dưỡng, giảm cân, teo cơ nhưng tình trạng này có thể điều chỉnh được với chế độ ăn uống phù hợp.
09/05/2023 15:21

Xơ gan là gì?

Xơ gan là giai đoạn cuối của các bệnh về gan mật mạn tính. Bệnh nhân xơ gan thường có các triệu chứng mệt mỏi, gầy sút cân, chán ăn, suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, sợ mỡ, lâu tiêu, vàng da, phù chân, cổ chướng, xuất huyết tiêu hóa… Bệnh tiến triển qua 2 giai đoạn: xơ gan còn bù và xơ gan mất bù.

Xơ gan được xác định như một quá trình xơ hóa lan tỏa và vì sự hình thành các khối tăng sinh với cấu trúc bất thường. Sự xơ hóa làm cản trở hoạt động bình thường của gan. Mô sẹo ngăn chặn dòng chảy của máu qua gan và làm chậm quá trình xử lý các chất dinh dưỡng, hormone, thuốc và chất độc tại gan.

Chế độ ăn hợp lý trong điều trị xơ gan

Xơ gan còn bù

Ở những bệnh nhân này chức năng gan vẫn còn mặc dù bị yếu dần. Vì vậy, nên chia nhỏ bữa ăn để tạo sự ngon miệng và thay đổi các loại thức ăn cho đa dạng đầy đủ các thành phần đạm, đường, mỡ, vitamin và khoáng chất, tránh kiêng quá mức cần thiết. 

Empty

Tăng Protein ít nhất 1g/kg/ngày, khi có biến chứng não do gan phải hạn chế đạm trong khẩu phần ăn.

Nên dùng các loại đạm có giá trị sinh học cao, đạm quý, ít béo như: Thịt lợn nạc, gà nạc, cá nạc, trứng, sữa bột tách bơ. Đặc biệt là các loại đỗ và chế phẩm từ đậu đỗ.

Nếu bệnh nhân không dung nạp được Protein động vật: dùng protein thực vật hoặc các acid amin chuỗi nhánh BCAA (branched-chain amino acids) đường miệng để đảm bảo cung cấp đầy đủ Protein.

Ăn nhạt tương đối.

Bổ sung đầy đủ lượng nước: 1,5-2l/ngày.

Ăn từ 3-5 bữa/ngày và nên có một bữa ăn nhẹ vào buổi tối muộn để cải thiện tình trạng Protein của toàn cơ thể.

Giảm chất béo

Người bệnh gan cần giảm các chất béo động vật, hạn chế ăn các món xào rán. Nên dùng dầu thực vật.

Glucid

Tăng cường chất bột, đường dễ hấp thu như gạo, khoai củ, đường glucose, mật ong, các loại quả ngọt. Tránh các loại bánh kẹo nhiều bơ sữa béo, mứt, nước ngọt.

Vitamin và muối khoáng: cung cấp đầy đủ, đặc biệt là vitamin nhóm B và vitamin K.

Nên ăn các thực phẩm có tính lợi mật: như chè nhân trần, actiso, hạt dành dành, nghệ… Hạn chế thực phẩm lạ dễ gây dị ứng.

Bổ sung các thực phẩm nhuận tràng: như khoai lang, đu đủ… Hạn chế thức ăn dễ gây táo bón.

Không nên ăn các loại thức ăn chế biến sẵn, nhiều phẩm màu.

Xơ gan mất bù

Thực đơn mẫu

4(25)

Về nguyên tắc giống chế độ ăn của xơ gan còn bù, nhưng cần chú ý một vài điểm sau:

Giảm lượng đạm so với giai đoạn còn bù: giảm protein qua đường tiêu hóa, tốt nhất nên dùng thức ăn giàu acid amin chuỗi nhánh BCAA (branched-chain amino acids).

Ăn nhạt khi có phù hoặc cổ chướng.

Lượng nước: Bằng lượng nước tiểu 24h + dịch mất bất thường (nôn, sốt…) + 300-500ml nước (theo mùa).

Sử dụng chất xơ, men tiêu hóa để làm giảm triệu chứng táo bón.

Ngoài ra, việc tập thể dục hàng ngày phù hợp với lứa tuổi, thể trạng là không thể thiếu. Nên khám sức khoẻ tổng quát định kỳ 6 tháng/lần, hoặc khi có lịch hẹn của bác sĩ.

CNDD Lê Thị Ngọc Mai - Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình

comment Bình luận

largeer