Chủ động phòng bệnh viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao và có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30% trong số những người có triệu chứng bệnh.
22/07/2023 07:53

Sở dĩ bệnh có tên là viêm não Nhật Bản (VNNB) là do được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản và các nhà khoa học Nhật Bản cũng là người tìm ra vi rút gây bệnh và đặt tên là vi rút VNNB.

Empty

Lợn và chim là những ổ chứa vi rút VNNB. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc từ động vật sang người mà lây truyền sang người thông qua trung gian muỗi đốt, muỗi hút máu động vật có chứa vi rút rồi truyền vi rút sang người khi đốt. Muỗi truyền bệnh VNNB ở Việt Nam chủ yếu là loài muỗi Culex Tritaeniorhynchus. Đặc điểm muỗi Culex tritaeniorhynchus là có màu nâu đen, phát hiện nhiều ở vùng nông thôn, làng mạc tập trung đông dân cư và có nhiều hồ ao. Chúng chủ yếu sinh sản ở ruộng lúa nước và phát tán rộng trên cánh đồng, nên thường gọi là muỗi đồng ruộng. Muỗi bị nhiễm vi rút cũng có khả năng truyền bệnh suốt đời và truyền sang thế hệ sau qua trứng.

Tại Việt Nam, bệnh VNNB lưu hành ở hầu hết các địa phương, có thể xảy ra quanh năm nhưng thường gây dịch vào các tháng 5,6,7 vì đây là thời gian thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản, phát triển. Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút VNNB đều có thể bị mắc bệnh. Tuy vậy, bệnh VNNB chủ yếu thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt gặp nhiều nhất ở lứa tuổi từ 2 đến 8.

Triệu chứng nhận biết bệnh VNNB

Bệnh VNNB thường khởi phát với các triệu chứng như: Sốt cao đột ngột 39-40 độ C kèm đau đầu, buồn nôn và nôn, sau đó co giật, co cứng, liệt và có rối loạn về tinh thần như vật vã, mê sảng, li bì, lú lẫn, hôn mê.

Với trẻ nhỏ, các dấu hiệu không điển hình và khó phát hiện hơn nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng như: sốt, nôn nhiều, thóp phồng, co giật, co cứng, cử động bất thường, li bì hoặc hôn mê. Tỷ lệ trường hợp tử vong có thể lên tới 30% trong số những người có triệu chứng bệnh, ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi có nguy cơ tiến triển nặng và tử vong cao hơn. Trong số những người sống sót, 20%–30% bị các di chứng vĩnh viễn về trí tuệ, hành vi hoặc thần kinh như tê liệt, co giật tái phát hoặc không thể nói được.

Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ tại Trạm Y tế xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu

Tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ tại Trạm Y tế xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu

Các biện pháp chủ động phòng bệnh VNNB

Hiện nay Đồng Nai đang vào mùa mưa, có nhiều vũng nước đọng sạch và nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho muỗi sinh trưởng, phát triển tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch VNNB trên địa bàn. Do đó, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh VNNB. Cụ thể:

Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.

Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt.

Tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Hiện vaccine VNNB được triển khai tiêm chủng miễn phí theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho các đối tượng là trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi tại tất cả 63 tỉnh thành phố trên cả nước.

Lịch tiêm chủng vaccine VNNB cho trẻ em trong Chương trình TCMR với 3 mũi cơ bản:

+ Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi;

+ Mũi 2: 2 tuần sau mũi 1;

+ Mũi 3: 1 năm sau mũi 2.

Ngoài ra, cần chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

BS.Hồ Thị Hồng/CDC Đồng Nai

comment Bình luận

largeer