Chuyên gia khuyến cáo cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho trẻ nhỏ dịp Tết

Tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhi từ 12 tháng đến dưới 10 tuổi nhập viện trong tình trạng nôn ói và đi tiêu phân lỏng.
17/01/2023 12:03

Đơn cử như trường hợp bé T.Đ.M., (8 tuổi, trú phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bị nôn ói kéo dài và đi cầu phân lỏng 9 lần/ngày. Mẹ bé ra cửa hàng thuốc gần nhà mua thuốc cho bé uống nhưng không đỡ.

Sau đó, gia đình đưa bé vào cấp cứu tại Khoa Nhi tổng hợp. Tại đây, bé được các bác sĩ chẩn đoán bị ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên có trong thức ăn dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Sau 3 ngày điều trị, hiện tại tình trạng của bé đã tốt lên, vẫn đi cầu phân lỏng nhưng số lần đã giảm và không còn nôn ói.

tre-bi-roi-loan-tieu-hoa-16738460725961863123638-1673846134939753097073-crop-16738461469511406623958

Trẻ bị rối loạn tiêu hóa điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên

BSCKII. Nguyễn Văn Mỹ - Phó Trưởng Khoa Nhi tổng hợp cho biết, ngộ độc thực phẩm rất dễ phát hiện vì xảy ra sau khi ăn hay uống thường là một vài giờ hoặc vài ngày sau đó. Biểu hiện là sốt, đau bụng, có cảm giác buồn nôn, có khi nôn ra máu, tiêu chảy nhiều lần. Trẻ nhỏ có thể gặp vấn đề nghiêm trọng hơn về đường hô hấp, mất nước và chất điện giải, trụy tim mạch rất dễ dẫn đến sốc nhiễm khuẩn nếu nguyên nhân là do virus gây nên, thậm chí có thể rơi vào tình trạng hôn mê không tỉnh táo.

Đối với những trường hợp ngộ độc thực phẩm nhẹ, bệnh nhân có thể tự khỏi mà không cần điều trị sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu không thể tự phục hồi, tùy thuộc vào từng nguyên nhân và mức độ ngộ độc thực phẩm mà có các bước sơ cứu như gây nôn. Nếu người bệnh không có biểu hiện nôn thì cần gây nôn, bởi khi ngộ độc thực phẩm xảy ra trong vòng 6 giờ thì thức ăn vẫn còn trong dạ dày người bệnh. Nếu người bệnh tỉnh táo, cần kích thích để bệnh nhân nôn càng nhiều càng tốt nhằm tống thức ăn ngộ độc ra bên ngoài.

Đối với trẻ em, khi sơ cứu bằng cách gây nôn cần chú ý móc họng cho trẻ khéo, tránh gây xây xát họng của trẻ; để trẻ nằm đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra ngoài. Không để trẻ nằm ngửa, có thể sộc lên mũi, xuống phổi và dễ dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Mỹ khuyến cáo: Người bị ngộ độc thực phẩm thường nôn và đi ngoài, cơ thể mất nước. Do đó, cần tiến hành bù nước cho người bệnh bằng cách uống nhiều nước lọc, nước ozesol, nước gạo rang… Lưu ý, cần ngưng sử dụng thức ăn nghi ngờ ngộ độc.

Không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy bởi có thể làm chậm việc đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh ăn thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, rau củ sống, thực phẩm từ sữa động vật, phô mai, bơ, đồ uống có ga, có cồn; ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa ; không ăn thức ăn lên men, ôi thiu, mốc hỏng. Đảm bảo nguyên tắc ăn chín uống sôi.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer