Có được nhổ lông đẹn ở trẻ sơ sinh không?

Nhiều người cho rằng lông đẹn ở trẻ sơ sinh là nguy hiểm, khiến bé ngứa ngáy và khó chịu và là nguyên nhân khiến bé hay vặn mình. Do vậy, các bậc cha mẹ đã tìm mọi cách để triệt bỏ phần lông này. Tuy nhiên, đây là hành động có nguy cơ tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.
26/03/2021 10:49

Theo các nghiên cứu y khoa, lông đẹn ở trẻ sơ sinh hay còn gọi là lông măng gồm nhiều sợi lông màu đen, thường mọc ở má, sau gáy, trên lưng hay thậm chí trên tay, chân, và mông trẻ sơ sinh. Trong tử cung, từ tuần thứ 16 trở đi, thai nhi có rất nhiều lông măng ở toàn thân.

Đây là những sợi lông, sợi tóc mỏng mịn đầu tiên của bé. Lông măng rụng dần vào nước ối, nên các trẻ sinh non có nhiều lông măng hơn khi sinh ra. Còn các bé đủ tháng thì cũng còn kha khá lông măng. Lông măng là một hiện tượng bình thường, không gây bất kỳ khó chịu nào cho bé và sẽ tự động rụng dần sau vài tuần.

long den

Hình minh họa. 

Lông đẹn hình thành do cơ địa của trẻ hoặc do di truyền. Cũng có thể, trong quá trình mang thai, mẹ ăn nhiều măng hay do ăn quá nhiều loại thực phẩm có chất kích thích lông, tóc phát triển nên bé sinh ra sẽ có lông. 

Đây là hiện tượng hết sức bình thường đối với trẻ sơ sinh nhưng hiện nay, nhiều bà mẹ bỉm sữa thiếu kiến thức về chăm con luôn cho rằng bé có lông đẹn là điều bất bình thường, nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ, là nguyên nhân khiến trẻ vặn mình.

Tuy nhiên, đây là suy nghĩ thiếu căn cứ khoa học. Lông đẹn và vặn mình không hề liên quan đến nhau. Bé vặn mình cũng như người lớn vươn vai, sải tay mỗi khi thấy mỏi. Do chức năng não bộ chưa hoàn chỉnh, chuyện vặn mình ở trẻ sơ sinh hoàn toàn là sinh lý. Việc này sẽ mất dần khi bé được vài tuần tuổi. Vặn vẹo cả người còn là cách các bé vận động để phát triển.

Còn việc tìm mọi cách tẩy lông đen cho con thực chất chính là hành vi nguy hiểm, có thể tổn hại đến làn da mỏng manh của bé.

Trên các nhóm chăm sóc nuôi con lan tràn trên mạng xã hội muôn kiểu tẩy lông đẹn cho bé, trong đó có việc dùng bột mỳ xoa vào vùng lông hoặc dùng chanh và lòng trắng trứng gà để triệt lông. Thậm chí, có mẹ còn tự ý dùng nhíp nhổ lông đẹn cho con. Tất cả những hành động này đều gây ảnh hưởng lớn đến bé, khiến bé bị đau, da bị rỉ máu, tổn thương, thậm chí có thể để lại sẹo sau này.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời trên báo Sức khỏe&Đời sống, NGND.GS.TS Phạm Nhật An, Giảng viên cao cấp Bộ môn Nhi - Trường Đại học Y Hà Nội, Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Nguyên Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết: “Tẩy lông đẹn cho trẻ là cách làm theo kiểu truyền miệng, không có cơ sở thực tiễn về mặt khoa học. Trong giới chuyên môn nhi khoa không có bệnh nào là bệnh “lông đẹn”.

“Việc tẩy lông đẹn như mọi người nói bằng lòng trắng trứng gà trộn với nước cốt chanh sẽ không tốt cho trẻ. Trứng gà sống dùng cho trẻ sơ sinh không đảm bảo an toàn, thậm chí rất có thể trứng gà sống có thể mang mầm bệnh của cúm gia cầm. Đó là chưa kể đến nước chanh dễ gây hại cho da em bé vì trong nước cốt chanh chứa nhiều axit không tốt cho làn da non nớt của trẻ”.

Cũng bình luận về vấn đề này, trả lời trên Người đưa tin pháp luật, Ths.BS. Nguyễn Thái Dũng - trung tâm Chống phong -Da liễu Nghệ An khi trẻ mới sinh ra có lông tơ thì mới giữ được độ ẩm và bảo vệ da của trẻ. Những em bé như vậy chỉ sau 2 – 3 tháng tuổi lông đẹn tự động sẽ rụng đi chứ không cần phải sử dụng biện pháp tẩy lông nào cả. 

Như vậy, các bà mẹ có thể hoàn toàn yên tâm khi thấy con mình có lông đẹn hoặc vặn mình. Tuyệt đối không nên sử dụng bất kỳ phương pháp nào để cố tẩy lông đẹn để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho làn da của trẻ.

Hồng Anh (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer