Cơ duyên gặp gỡ cụ ông 90 tuổi là cựu quân nhân ngành y với niềm vui giản dị đọc báo giấy hàng ngày

Cứ sáng sáng cụ Đỗ Trọng Diên (SN 1933), một cựu quân nhân ngành y ở Tổ dân phố Lò, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội lại ngồi đọc tin tức trên báo Nhân dân, Hà Nội mới. Niềm vui tuổi già của cụ đơn giản và bình dị như chính con người cụ.
27/10/2023 09:49

Cụ Đỗ Trọng Diên tham gia bộ đội từ năm 1951 đến năm 1962 thì chuyển ngành, cụ Diên trở thành quân nhân ngành y kể từ đấy đến năm 1983 cụ về nghỉ hưu. Hiện tại cụ sống giản dị tại quê với chút ít tiền lương hưu an dưỡng tuổi già.

Khi về hưu, cụ Diên lại nhiệt tình tham gia vào Ban Quản lý Di tích của Đình, Đền, Văn chỉ của làng Tây Mỗ suốt 20 năm đến năm 2022 cụ mới nghỉ và thảnh thơi, rảnh rỗi hơn.

Buổi sáng, cụ thức dậy lúc 5h sáng, đi tập quanh sân, quanh nhà. Cụ cho biết, những năm trước đây khi còn khỏe, cụ vẫn đi bộ quanh ao làng vào mỗi buổi sáng, đạp xe đi khắp xóm, nhưng giờ tuổi cao, sức yếu cụ chỉ có thể chống gậy đi dạo quanh xóm.

Empty

Cụ Diên đọc báo

Sau khi đi bộ, cụ ngồi xem thời sự để nắm bắt tình hình Việt Nam, thế giới. Hết thời sự là cụ tự đi ra chợ ăn sáng, hôm thì cháo, hôm thì phở. Rồi cụ lại chống gậy đi ra Nhà Văn hóa Tổ dân phố Lò tiếp chuyện những người bạn già của mình. Nửa buổi, cụ về thì đã có báo ở nhà, không ngần ngại, cụ dở trang báo còn thơm mùi mực ra đọc. Cụ cứ đọc từ từ từng trang này sang trang khác, miệt mài như vậy quên cả thời gian. Cụ Diên thong thả như vậy với niềm vui giản dị mỗi ngày.

Đến trưa, các con cháu lại làm bữa cơm tuy giản dị nhưng đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho cụ, bữa trưa tuy không đủ các con cháu nhưng cụ vẫn được chăm sóc, bồi bổ với thực đơn thay đổi theo ngày.

Cứ mỗi buổi chiều hàng ngày, mọi người sẽ thấy một cụ ông đội chiếc mũ bấc Bác Hồ đã bạc màu, chống chiếc gậy đi ra Nhà Văn hóa Tổ dân phố Lò để cùng hàn huyên với các cụ ông, cụ bà ở đó.

Empty

Cụ Diên (bên trái) cùng người bạn già hàn huyên ở Nhà Văn hóa Tổ dân phố Lò

Dáng đứng thẳng, cụ ông bước từng bước chậm rãi trên con ngõ nhỏ đó, các cháu đi đường đều gặp và đều chào cụ thật to. Cụ cười hiền, giọng sang sảng đáp lại. Khi về đến nhà, cụ ông tự pha cho mình cốc sữa nóng uống. Nghỉ ngơi, đọc tiếp những trang báo còn dang dở. Lúc thì cụ tưới cây, quét sân, cụ không để cho tay chân thừa thãi, mà cũng cứ muốn mình phải “bận” một chút với công việc nhà giúp đỡ con, cháu.

Tối đến, cả gia đình lại quầy quần bên mâm cơm nóng hổi, thức ăn đủ vị, cụ đã lớn tuổi, ăn không nhiều, mỗi thứ chỉ ăn một ít nhưng cụ biết tự chăm sóc bản thân, tự làm các việc cá nhân mà không cần phải nhờ đến con cháu phụ giúp. Sau bữa tối, cụ xem thời sự, tối trước khi đi ngủ cụ còn nghe đài kể chuyện. Cụ chia sẻ rằng, giờ ngủ được ít, ăn ít nhưng vẫn có thể nghe được tin tức, đọc được báo là cụ vẫn coi mình như “thanh niên”.

Empty
Empty

Chứng nhận mừng thọ cụ Diên 90 tuổi

Hiện tại, cụ ông bị bệnh đường tiêu hóa từ thời trẻ, nhưng cụ vẫn rất tuân thủ nghiêm ngặt theo lời bác sĩ khuyến cáo không ăn đồ sống, không uống rượu bia,… Tay chân đều bị khớp nhưng cụ vẫn chịu khó đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng nên sức khỏe của cụ vẫn được duy trì đều đặn với cường độ tập luyện nhẹ nhàng.

Empty

Huân chương của cụ Diên

Trên tường, cụ treo trang trọng những thành tích cống hiến trong thời chiến tranh: Huân chương chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Bảng Gia đình vẻ vang,… Dù những “dấu ấn thành tích” ấy đã bạc màu bởi thời gian, đã sờn rách nhưng đều được cụ trân trọng.

Empty

Huy hiệu Đảng của cụ Diên

Không chỉ vậy, Huy hiệu 30 năm, 40 năm, 45 năm, 50 năm và 55 năm tuổi Đảng cũng được cụ Diên treo ngay ngắn, thẳng hàng trên tường. Cụ có một lối sống giản dị, ngăn nắp chỉn chu đúng kiểu người làm trong ngành y luôn cẩn thận, chu đáo.

Empty

Bảng Gia đình vẻ vang

Kết thúc buổi hàn huyên trò chuyện với cụ, chúng tôi như được học thêm ở cụ không chỉ về tính cách điềm đạm mà còn ở sự tinh tế trong giao tiếp, gọn gàng trong nếp sống sinh hoạt.

Bóng dáng cụ ông đội mũ bấc, chống gậy đi trong ngõ trong ánh chiều gợi lên hình ảnh quen thuộc ở những làng quê rất đỗi thân thương và bình dị. Chúc cụ trường thọ, sống lâu bên con, cháu!

Dương Hương – Nguyễn Trang

comment Bình luận

largeer