Con 80 tuổi chăm mẹ già 104 tuổi với chế độ dinh dưỡng đơn giản và hợp lý

Cụ Nguyễn Thị Quý (SN 1920) năm nay đã 104 tuổi được con trai 80 tuổi ngày đêm chăm sóc với chế độ dinh dưỡng khá đơn giản và hợp lý.
09/02/2023 16:53

Chúng tôi đến nhà cụ vào một buổi sáng mùa xuân Hà Nội. Mở cửa tiếp đón chúng tôi là ông Nguyễn Đình Bin – con trai thứ của cụ, năm nay cũng đã 80 tuổi. Cụ hồ hởi ra tận cửa để đón khách. Bước chân tuy chậm rãi, nhưng khá chắc chắn, đặc biệt là cụ không cần phải chống gậy khi đi lại.

Căn nhà ở tầng 8 một khu chung cư với cách bày trí gọn gàng, ngăn nắp và khoa học giúp 2 người cao tuổi sử dụng được các đồ đạc trong nhà một cách hợp lý và thuận tiện nhất.

Empty

Ông Nguyễn Hồng Quân - Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam thăm hỏi cụ Nguyễn Thị Quý

Nổi bật ngay tại phòng khách là hai bức chân dung phác họa cụ ông và cụ bà do họa sĩ Văn Dương Thành và họa sĩ Văng Công Nhật ký họa, với những gì tỉ mỉ từng chi tiết về hai cụ một cách chân thực, hài hòa và thể hiện tấm lòng chân tình dành cho hai cụ.

Chế độ sinh hoạt và tập luyện của mẹ 104 tuổi và con 80 tuổi

Cứ 6 giờ sáng hàng ngày cụ Quý thức dậy, việc đầu tiên là được con trai cụ mang đến một cốc nước chanh và mật ong ấm, trộn 1 thìa dầu ô liu uống để thanh lọc ruột. Tiếp đến cụ đi lại loanh quanh trong nhà để cho giãn gân cốt.

Cụ Quý và ông Bin thường ngày được người giúp việc chuẩn bị cho bữa sáng gồm: 1 phần nhỏ khoai lang (ngô, sắn), 1 quả trứng luộc, 1 cốc sữa, 1 hộp sữa chua, 1 ít hoa quả theo mùa tráng miệng.

Nửa buổi sáng, cụ Quý được thêm 1 khẩu phần ăn là hộp nước yến, hoặc miếng bánh quy. Đến bữa trưa và bữa tối, cụ Quý và ông Bin thưởng thức 3 món đơn giản, như rau luộc, lườn gà luộc và cơm gạo lức; có ngày đổi món như cá, nem, canh cua… Đặc biệt, cụ Quý và ông Bin hầu như không ăn thịt đỏ từ nhiều năm nay.

Empty

Cụ Quý vẫn minh mẫn ở "tuổi xưa nay hiếm"

Cụ Quý với làn da trắng, mịn và khá hồng hào. Đến hiện tại, ngoài đã đặt 1 sten, cụ không mắc bệnh gì, chỉ một mắt trái của cụ đã yếu, không còn nhìn được và bị bệnh viêm da cơ địa. Cụ Quý và ông Bin, ngoài mấy viên thuốc tim mạch từ khi phát hiện bệnh, thường ngày không phải dùng bất cứ loại thuốc để chữa bệnh nào khác, và chỉ tẩm bổ bằng thuốc bổ.

Từ khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Đình Bin vẫn tự tay chăm sóc mẹ từ bữa ăn, đến giấc ngủ. “Những năm đầu tiên, mẹ tôi tự tắm, nhưng dần dần tôi thấy sức khoẻ mẹ yếu, vào phòng tắm quá lâu, tôi đã tắm cho mẹ. Khi sức khoẻ không tốt nữa, tôi đành phải nhờ người giúp việc. Mẹ tôi bị viêm da cơ địa, nên tắm bằng nước lá chè tươi cùng ít muối và vỏ bưởi. Sau khi tắm, tôi bôi vitamin E cho mẹ đỡ ngứa”, ông Bin nói.

Ông Nguyễn Đình Bin từ khi còn công tác, thường tập “suối nguồn tươi trẻ”, cũng bắt đầu tập yoga. Từ khi về hưu, ông tập yoga đều đặn. Ông Bin được phát hiện tắc động mạch vành bên trái hoàn toàn, vào tháng 3 năm 2005, không đặt sten được, vùng tim bị thiếu máu suốt 18 năm cho đến tận bây giờ. Cùng với đó là tay phải bị ngã, thành tật, teo cơ, không thể co lại như bình thường, cũng không thể dơ cao lên được từ ngày còn nhỏ. Đến năm ngoái, ông bị nôn, chóng mặt, bác sĩ có khuyến cáo không nên tập yoga nữa, vì có những động tác đòi hỏi thể lực cao. Ông Bin chuyển sang đi bộ. Bất kể ngày mưa, hay ngày nắng, ông đều xuống sân đi bộ, kết hợp mấy động tác thể dục thông thường, từ 50 đến 60 phút. Ngày mưa nặng hạt, ông không ra ngoài được, thì đi lại và vảy tay tại nhà.

Hàng ngày ông Bin vẫn đọc báo nước ngoài, trong nước, xem tin tức ở trên máy tính và tivi, để biết được tình hình chính trị thế giới và Việt Nam.

Gia đình có truyền thống cách mạng

Từ thời xa xưa, nhà cụ Nguyễn Thị Quý đã có truyền thống cách mạng, đặc biệt là cụ mất chồng khi mới 31 tuổi. Chồng cụ là Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân đã hy sinh vào đầu năm 1951. Cụ Quý là vợ liệt sĩ suốt hơn 70 năm qua.

Empty

Từ khi chồng mất, cả hai người em trai chồng cũng đã thoát ly, tham gia kháng chiến từ rất sớm. Cụ một mình tần tảo, bươn trải làm thuê, làm mướn rất nhiều việc, để nuôi 3 người con trai khôn lớn, trưởng thành. Con trai cả của cụ là Nguyễn Đình Bảo và con trai út là ông Nguyễn Đình Ân, cả hai đều là bộ đội thời chống Mỹ và đã mất.

Các con cụ rất có hiếu, biết giúp mẹ việc đồng áng, vườn tược, cơm nước, nuôi lợn, đan lát các dụng cụ gia dụng, (từ rổ rá, giần sàng, sảo, nia, thúng… đến đũa cả, đũa con, muôi xới cơm từ gốc tre,  muôi, thìa từ quả dừa khô đẹn,) cũng như dụng cụ săn bắt cá, tôm, cua (như giỏ, đơm đó, dậm,rọ, cần câu…), và đi kiếm đồ ăn cho gia đình.

Cụ vẫn minh mẫn chia sẻ chuyện cũ: “Ngày xưa còn nghèo đói lắm, sáng thường nhịn đói, mẹ đi làm, con đi học; thỉnh thoảng mới có bát cơm nguội, củ khoai hay bắp ngô. Tôi còn tham gia kháng chiến chống Pháp, là Hội viên Hội Phụ nữ cứu quốc và  Nông Hội. Chống Mỹ thì đi Dân Công”. Với gia đình có truyền thống cách mạng như cụ, thì việc yêu nước đã ngấm vào máu thịt và được cả gia đình cụ từ bố đẻ, em trai ruột, đến chồng và các con đều tham gia vào các cuộc kháng chiến của đất nước.

Empty

Cụ đã có em trai ruột và chồng hy sinh cho độc lập, tự do và hoà bình của đất nước. Bố đẻ cũng bị Tây bắn chết trong một trận càn. Bản thân cũng đã trải qua quãng thời gian khốn khó và vực dậy từ những khó khăn đó, để nuôi dạy những đứa con “bay cao, bay xa” giúp ích cho tổ quốc, cho đất nước khi thời bình. Khi các con xây dựng gia đình, cụ lần lượt đến trực tiếp giúp chăm sóc các cháu, kể cả chắt hàng ngày. Cụ hiện tại có 8 người cháu và 6 người chắt.

Cụ Nguyễn Thị Quý là hình mẫu lý tưởng của người phụ nữ kiên cường, bất khuất, đảm đang, cần mẫn, hiền từ. Những hy sinh lớn lao, tận tụy suốt đời của cụ, không chỉ dành cho đất nước, mà còn cho con, cho cháu là những gì không thể đếm xuể.

Cuộc đời cụ đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, để rồi in hằn lên khuôn mặt với những nếp nhăn của năm tháng, mái tóc bạc nhiều, đôi bàn tay in dấu nỗi vất vả nhọc nhằn khi xưa.

Cụ vẫn giữ cho lưng thẳng, lòng ngay từ thời son trẻ để răn dạy các con làm người tốt, có học thức và yêu nước, thương dân không phụ sự hy sinh của ông, cha.

Khi 100 tuổi vẫn nhớ bài thơ con trai đi xa gửi về cho mẹ từ gần 60 năm trước

Các con của cụ được nuôi dạy đàng hoàng, trở thành những người có chức tước trong nhà nước, có địa vị xã hội và đặc biệt họ là những người luôn có hiếu với người mẹ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để ở vậy, đùm bọc, nuôi dưỡng cho đàn con thơ trưởng thành.

Empty

Ông Nguyễn Hồng Quân biếu cụ Quý cuốn Tạp chí Sức khỏe cộng đồng số báo xuân 2023

Năm 2020, khi cụ 100 tuổi, đại gia đình tổ chức mừng thọ cho cụ và điều đặc biệt đã xảy ra, gây ấn tượng sâu sắc cho ông Bin. Ông Bin chia sẻ lại: “Hôm con cháu, họ hàng gần gũi, thân thiết họp mặt chúc mừng mẹ tôi đại thọ 100 tuổi ở quê, những người tham dự rất ngạc nhiên, khi nghe mẹ nhắc lại gần như tất cả nội dung lá thư tôi viết dưới dạng văn vần lục bát gửi từ Cuba về chúc mẹ và gia đình dịp Tết đầu tiên xa nhà, xa đất nước. Lúc đó là cận Tết Giáp Thìn năm 1964, tức đã 56 năm trước, mà chính tôi cũng không còn nhớ nữa”.

Ngóng về đất mẹ, lòng con…

Giáp Thìn năm mới sắp sang

Ngóng về đất nước, xóm làng thương yêu

Lòng con dào dạt trăm chiều

Mênh mông bể cả, thủy triều đang dâng

Ơi! Ông, Bà, Mẹ kính thân!

Anh, em, máu mủ muôn phần mến thương

Chú, cô, thím, cả gia đình

Một giòng máu thắm, vạn tình thất gia

Chốn cố hương cả nhà có thấu

Nơi quê người nung nấu lòng thơ

Nặng tình mẫu tử vô bờ

Bao năm tủi cực chỉ vì các con

Mẹ ơi ! Cô quạnh, héo hon

Cho con nhỏ dại lớn khôn thành người

Ngày nay, Mẹ đã được cười

Ngày mai, Mẹ sẽ thỏa lời ước mong

Thắm tình huyết thống mênh mông

Núi cao cao vút, biển trông xa vời

Ông, Bà nay đã già rồi

Mắt mờ chân chậm, một đời gian truân

Vì con, vì cháu chẳng ngần

Anh, em, cô, chú muôn phần cho con

Công Cha như núi Thái Sơn

Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chẩy ra

Công Cha, nghĩa Mẹ, công nhà

Lại thêm công Đảng hợp hòa nên ơn

Đá mòn, nhưng dạ chẳng mòn

Khắc sâu xương tủy lòng con suốt đời

Xuân sang hoa cỏ thắm tươi

Gửi lòng con trẻ về nơi quê nhà

Kính mong trên hết Ông, Bà

Mẹ, cô, chú, thím sau là anh, em

Giáp Thìn năm mới khỏe thêm

Một nhà hạnh phúc, ấm êm thuận hòa

Nơi chín suối, người Cha đã khuất

Ắt mỉm cười gia thất sướng vui

Ở nơi xa thẳm chân trời

Ấm lòng con, thắm nụ cười mừng Xuân

Con nguyền sống xứng tuổi xanh

Trọn đạo con, chẳng hổ danh gia đình

Ngày mai về lại quê hương

Thơm thơm hoa bưởi, tình thương dạt dào.

Thư chúc Tết của ông Bin gửi cụ Quý vào Tết Giáp Thìn năm 1956

Mỗi khi nhắc đến mẹ - người con 80 tuổi ấy vẫn thường rơi lệ

Khi được hỏi về tình cảm của mình dành cho mẹ, ông Bin luôn rưng rưng dòng nước mắt, ông chia sẻ: “Mẹ tôi là một người mẹ rất tuyệt vời. Mẹ mất cha khi mới 31 tuổi, ở vậy nuôi chúng tôi khôn lớn, gia cảnh nhà khó khăn, mẹ tôi đã phải làm rất nhiều việc để cho chúng tôi có cái ăn, cái mặc và được học hành tử tế. Tôi còn nhớ những kỷ niệm ngày thơ bé, khi đó, tôi là người ốm yếu nhất trong 3 anh em. Một dịp tôi ốm dậy, nhà có ổ trứng gà mẹ đã không bán mà giữ lại, bảo anh và em trai nhường cho tôi ăn để phục hồi sức khoẻ”.

Empty

Ông Nguyễn Đình Bin và cụ Nguyễn Thị Quý

Khi nhắc đến những kỷ niệm ngày xưa, ông Bin không khỏi nấc nghẹn lên, đôi mắt ứa lệ. Cuộc sống ngày xưa khốn khó đã như một thước phim quay chầm chậm, để rồi đọng lại trong ông là những hoài niệm về tuổi thơ thiếu vắng cha, sự bươn trải nhọc nhằn của mẹ.

“Khi nghỉ hưu, tôi được trực tiếp phục dưỡng mẹ, tắm cho mẹ, cắt tóc, móng tay, móng chân, chăm bữa ăn, giấc ngủ… cho mẹ. Đó là diễm phúc của tôi. Nhưng chỉ là một chút nhỏ bé so với công lao như trời biển của mẹ đối với các con, các cháu. Chúng tôi không bao giờ đền đáp lại hết được những công lao to lớn đó. Cùng với đó là tình cảm của ông, bà;  sự đùm bọc, thương yêu của họ hàng, đặc biệt là của hai người chú ruột và hai thím”, ông Bin nghẹn ngào nói.

Empty

Chuyến thăm Pháp của cụ Quý (Ảnh: NVCC)

Năm 2004, khi đang công tác tại Pháp, ông Bin đã mời mẹ đẻ (cụ Quý – khi đó 85 tuổi) và mẹ vợ sang thăm, tiện thể thăm mấy nước châu Âu khác như Hà Lan, Ý, Đức. Khi thăm Ý, cụ Quý đã leo lên hết cầu thang bộ, lên đến đỉnh toà nhà Vatincan, để ngắm nhìn toàn bộ thành phố Rome, trước sự ngạc nhiên của con cháu.

Cuối năm 2011, ông Bin đưa mẹ đi vào miền Nam khi đã 92 tuổi, để thăm TP. HCM, đặc biệt là địa đạo Củ Chi và Côn Đảo để đến thăm nơi đã giam giữ 2 năm người em chồng. "Khi bay ra Côn Đảo, họ thấy mẹ tôi và bà thím tuổi quá cao, định không cho bay. Tôi nói rõ về mục đích chuyến đi. Thế là họ đưa bác sỹ đến khám sức khỏe cho 2 cụ rồi vui vẻ để cho bay bình thường", ông Bin chia sẻ thêm. 

Đến năm 2013, ông Bin và gia đình con gái lại tiếp tục đưa cụ Quý (khi đó đã 94 tuổi) đi bằng ô tô, thăm quan Nghệ An, Huế, Đà Nẵng. Chuyến đi đó, cụ được thăm quan rất nhiều nơi. Chuyến thăm Nghệ An, cụ đã đến viếng mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi cao. Tại đây, cụ đã leo lên đến tận nơi, để thắp nén hương cho phần mộ của bà Hoàng Thị Loan. Đặc biệt, tại Hoàng thành Huế, cụ đã trèo bộ lên tận đỉnh Lăng Khải Định (lăng cao nhất) để ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh nơi đây. Cụ được con cháu đưa lên đỉnh Bà Nà Hill, thăm chùa cầu Hội An, chụp lưu niệm tại Thánh Địa Mỹ Sơn.

Năm 2014, cụ được các con cháu cho đi nghỉ dưỡng trên du thuyền cao cấp thăm Cát Bà, khi vào đất liền, đi rừng, thăm thú cảnh vật xung quanh cụ đều tham gia. Năm 2016, ông Bin lại tiếp tục dẫn mẹ sang Quảng Châu, Trung Quốc thăm thú cảnh vật nơi đây.

Empty

Xà lim số 5, nơi đã giam Lê Hồng Phong, cũng là nơi đã giam chú ruột của ông Bin. Người đứng phía trái là vợ chú (đây là nơi giam giữ chồng của cô), em dâu thứ hai của cụ Quý (Ảnh: NVCC)

“Tôi rất vui là từ khi nghỉ hưu, tôi đã có thể dẫn mẹ đi một số nước và tham quan cảnh vật của Việt Nam. Tôi nghĩ đây cũng là một chút bù đắp cho tất cả sự hy sinh, cống hiến của mẹ cho đất nước, gia đình và con cháu”, ông Bin nói thêm.

Không chỉ vậy, sau khi bố mất, gia đình ông Bin được nhận lại một số di vật của bố là mấy bức ảnh chụp với đồng đội và chiếc khăn len xanh, kẻ sọc trắng mà bố ông thường quàng cổ. Ông Bin dùng tấm ảnh chân dung của bố để làm ảnh thờ. Ông Bin đã được mẹ cho sử dụng chiếc khăn đó suốt, từ năm 1951 đến năm 1963 khi ông sang Cuba học. Ông luôn giữ gìn chiếc khăn như một báu vật. “Chiếc khăn ấy cực kỳ quý giá với tôi, không chỉ là  một di sản vô giá bố tôi đã để lại, mà còn giúp tôi vượt qua mùa đông giá rét”, ông Bin bùi ngùi nói.

Empty

Chân dung bố của ông Bin khi còn quàng chiếc khăn len (Ảnh: NVCC)

Khi sang Cuba học, ông đã để lại nhà. Do bão lụt, chuyển nhà đã mất chiếc khăn đó, khiến ông vô cùng tiếc nuối. Và còn rất, rất nhiều những kỷ niệm của ông và mẹ mà chỉ một buổi sáng không thể kể hết…

Kết thúc buổi trò chuyện thân tình, ông Bin 80 tuổi và cụ Quý tiễn chúng tôi ra tận cửa, với nụ cười trìu mến thân thương. Bóng dáng hai người vẫn in hằn vào tâm trí của chúng tôi với những tình cảm đặc biệt người mẹ ấy dành cho các con, với chữ hiếu của các con, các cháu, các chắt dành cho cụ.

Video vào Đại thọ cụ Quý (năm 2020) đọc trích đoạn bài thơ của ông Bin gửi thư từ Cuba về sáng tác năm 1964

Nguyễn Trang

comment Bình luận

largeer