Tiểu không tự chủ: Nỗi khổ thầm lặng của người cao tuổi

Tiểu không tự chủ ở người cao tuổi khá phổ biến, gây bất tiện và giảm chất lượng cuộc sống. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe.
03/07/2025 19:52

Vì sao người cao tuổi dễ bị tiểu không tự chủ?

Ở người cao tuổi, hoạt động co bóp và kiểm soát của bàng quang thường suy giảm, dẫn đến tình trạng tiểu không tự chủ. Khi cơ bàng quang bị kích thích quá mức hoặc cơ vòng niệu đạo yếu, nước tiểu có thể rò rỉ ngoài ý muốn.

tieu-khong-tu-chu-01

Khoảng 25 - 30% người trên 60 tuổi mắc tiểu không tự chủ (Ảnh minh họa)

Thống kê cho thấy, khoảng 25 - 30% người trên 60 tuổi mắc tiểu không tự chủ, tỷ lệ này tăng lên 30 - 50% ở người trên 75 tuổi. Ngoài yếu tố lão hóa, nhiều bệnh lý cũng góp phần gây bệnh như đái tháo đường, sa sút trí tuệ, Parkinson hoặc các rối loạn thần kinh, làm giảm khả năng cảm nhận cảm giác buồn tiểu và phản xạ đi vệ sinh kịp thời.

Ở nam giới, các vấn đề tuyến tiền liệt, cùng với tình trạng thừa cân béo phì cũng là nguyên nhân phổ biến. Thực tế, cứ tăng thêm 5 đơn vị BMI (Body Mass Index) hay còn gọi là chỉ số khối cơ thể, nguy cơ tiểu không tự chủ lại tăng khoảng 60%.

Ảnh hưởng về thể chất và tinh thần

Tiểu không tự chủ không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt mà còn ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần người bệnh. Phần lớn người mắc có tâm lý e ngại, xấu hổ, thường giấu bệnh và dần thu mình, hạn chế giao tiếp xã hội, lâu dài dễ dẫn đến trầm cảm hoặc suy giảm trí nhớ. Nỗi lo lắng thường trực về các “tai nạn” ngoài ý muốn khiến họ không dám tham gia các hoạt động bình thường, làm chất lượng cuộc sống suy giảm rõ rệt.

tieu-khonh-tu-chu02

Khoảng 33 - 37% phụ nữ cao tuổi bị tiểu không tự chủ (Ảnh minh họa)

Về thể chất, tiểu không tự chủ kéo dài làm tăng nguy cơ viêm nhiễm vùng kín do nước tiểu đọng lại tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển. Trường hợp nặng có thể gây viêm ngược dòng, dẫn đến nhiễm trùng thận hoặc tổn thương đường tiết niệu, thậm chí suy thận mạn tính ở người cao tuổi.

Theo nghiên cứu tại Brazil, khoảng 33 - 37% phụ nữ cao tuổi bị tiểu không tự chủ, thường đi kèm tình trạng giảm sức mạnh cơ chân tay, làm tăng nguy cơ té ngã và hạn chế vận động.

Phòng ngừa và kiểm soát như thế nào?

Để phòng ngừa và kiểm soát tiểu không tự chủ, điều quan trọng đầu tiên là cần xác định rõ nguyên nhân thông qua thăm khám chuyên khoa. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc, tập vật lý trị liệu vùng chậu, can thiệp phẫu thuật hoặc hướng dẫn thay đổi thói quen sinh hoạt. 

Người cao tuổi cũng nên hạn chế uống các loại nước chứa caffeine như cà phê, trà đặc vì chúng dễ kích thích bàng quang, gây tiểu gấp và tiểu nhiều lần. Bên cạnh đó, việc tập thể dục nhẹ nhàng, đặc biệt là các bài tập Kegel, sẽ giúp tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu, hỗ trợ kiểm soát tiểu tiện tốt hơn. 

Ngoài ra, nên duy trì uống đủ nước vào ban ngày và giảm dần vào buổi tối, tránh uống sát giờ đi ngủ để hạn chế tiểu đêm và cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Đặng Sâm(Tổng hợp)

comment Bình luận