Con bao nhiêu tuổi thì bố mẹ có thể cho xỏ lỗ tai?

Với trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, hệ miễn dịch còn yếu, nếu có bất cứ một nhiễm trùng nhỏ nào cũng có thể “bùng phát” thành bệnh và để lại biến chứng nặng.
10/09/2018 08:26

Câu chuyện về bé gái 15 ngày tuổi ở Tiền Giang bị nhiễm trùng huyết, nguy kịch tính mạng sau khi xỏ lỗ tai đã khiến không ít bố mẹ hoang mang vì nhiều người trong số họ luôn nghĩ, xỏ lỗ tai để “làm điệu” cho con gái là việc làm hết sức đơn giản, không hề gây hại.

Tuy nhiên, trên thực tế, các bác sĩ tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đã từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ gặp biến chứng sau khi xỏ lỗ tai. Trong đó, phần lớn bệnh nhân là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi.

Theo đó, các biến chứng mà trẻ có thể gặp phải sau khi xỏ lỗ tai phổ biến là nhiễm trùng tại chỗ, viêm sụn vành tai, áp xe sụn vành tai thậm chí gây nhiễm trùng huyết, giảm khả năng miễn dịch của cơ thể…


Các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ nên cân nhắc khi cho trẻ nhỏ xỏ lỗ tai. Ảnh minh họa

 

Các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ nên cân nhắc khi cho trẻ nhỏ xỏ lỗ tai. Ảnh minh họa

Trước những nguy cơ trên, câu hỏi đặt ra là: Trẻ nhỏ bao nhiêu tuổi thì được xỏ lỗ tai?

Giải đáp thắc mắc này, BS Nguyễn Toàn Thắng, Khoa Tai Mũi Họng Trẻ em (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) nhấn mạnh: Trong y học không quy định độ tuổi nào thì được xỏ lỗ tai. Việc chọn thời điểm xỏ lỗ tai cho con tùy thuộc vào từng bố mẹ. Tuy nhiên, riêng các bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng không khuyến khích việc xỏ lỗ tai cho trẻ nhỏ vì điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại tại chỗ cho tai trẻ cũng như gây hại toàn thân đứa trẻ.

Về quan điểm cho rằng trẻ càng nhỏ thì xỏ lỗ tai sẽ không đau và vết thương nhanh lành hơn người lớn là không có cơ sở. Bởi lẽ, theo BS Nguyễn Toàn Thắng, với trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, hệ miễn dịch còn yếu, nếu có bất cứ một nhiễm trùng nhỏ nào cũng có thể “bùng phát” thành bệnh và để lại biến chứng nặng.

Do đó, bố mẹ nên cân nhắc việc xỏ lỗ tai cho con khi còn quá nhỏ. Với những bé gái lớn hơn nếu có nhu cầu xỏ lỗ tai, bố mẹ cần tuân thủ một số lưu ý sau:

- Chọn thời điểm thích hợp để xỏ lỗ tai cho trẻ: Đảm bảo trẻ khỏe mạnh bình thường, không ốm, sốt, không bị các bệnh lý liên quan đến tai (viêm tai, hay dị ứng, mẩn ngứa vùng tai…)

- Chọn những nơi bấm lỗ tai uy tín, sạch sẽ, đảm bảo vô trùng khi thực hiện thủ thuật xỏ lỗ tai. Có thể đưa trẻ đến các cơ sở y tế có thực hiện bấm lỗ tai để làm cho trẻ.

- Không tự ý xỏ lỗ tai tại nhà bằng kim khâu cho trẻ. Điều này vừa gây đau đớn cho trẻ vừa không đảm bảo vệ sinh vì kim khâu không được khử trùng, nguy cơ chứa bụi bẩn, vi khuẩn rất cao.

- Chỉ cho con xỏ lỗ ở phần dái tai, không xỏ lên phần sụn vành tai dễ gây viêm, nhiễm trùng phần sụn này.

- Sau khi xỏ lỗ tai, bố mẹ nên giữ vệ sinh phần vết thương sạch sẽ cho trẻ. Dặn trẻ không được đưa tay bẩn lên sờ tai cũng như gãi mạnh khiến phần vết thương bị xước, chảy máu dẽ gây nhiễm trùng.

- Hạn chế đưa con đến những nơi khói bụi ô nhiễm hoặc ngâm vết thương ở tai dưới nguồn nước không đảm bảo (sông, mương, ao, hồ…).

- Không đeo trực tiếp các loại trang sức bằng kim loại sắc nhọn, dễ gỉ vào lỗ tai mới xỏ của trẻ.

- Cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để vết thương nhanh lành. Hạn chế cho trẻ ăn đồ nếp, rau muống, chất tanh để tránh làm mưng mủ hoặc gây sẹo lồi ở vết thương.

- Khi thấy tai trẻ sưng đỏ hoặc có mủ, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám. Tuyệt đối không tùy tiện dùng thuốc bôi hoặc các loại thảo dược dân gian đắp lên vùng vết thương của trẻ.

- Nếu việc xỏ lỗ tai lần đầu của trẻ thất bại, lỗ bị "mít", bố mẹ cần để vết thương ở tai trẻ lành hẳn (nên để sau 6 tháng) mới tiếp tục bấm lỗ lần sau để tránh làm tổn thương tai trẻ.

Mai Thùy

comment Bình luận

largeer